Trồng đu đủ trái vụ: Mô hình kinh tế cho thu nhập cao

Gần đây, nhiều nông dân huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã giàu lên nhờ thu nhập từ cây đu đủ trái vụ. 'Bắt' đu đủ 'đẻ' ra tiền quanh năm, nông dân Đan Phượng cho thấy sức sáng tạo trong phát triển kinh tế từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Nhu cầu tiêu thụ đu đủ trên thị trường luôn rất cao và để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều nông hộ trồng đu đủ tại xã Thọ An đã áp dụng những bí quyết riêng để cây đu đủ ra quả quanh năm.

Cũng như nhiều hộ gia đình khác trong xã Thọ An, sau bao năm vật lộn để tìm kế sinh nhai, anh Trần Văn Dũng cũng trăn trở rất nhiều là làm gì để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Được xã giao cho khu đất ở vùng trũng, anh Trần Văn Dũng đã cải tạo thành vùng đất trù phú, được “phủ xanh” bởi cây ăn quả.

Mô hình trồng đu đủ huyện Đan Phượng.

Mô hình trồng đu đủ huyện Đan Phượng.

Đứng từ trên đê bao sông Hồng nhìn xuống vườn đu đủ của anh Dũng thấy một màu xanh mướt, được điểm lốm đốm vàng của những quả đu đủ chín chen chúc trên cây. Ngày nào anh Dũng cũng thu hoạch đu đủ để bán, bởi những trái đu đủ cứ thế chín quanh năm nhưng vẫn thường xuyên không đủ bán. So với những loại cây khác trồng trong vườn, đu đủ mang lại lợi nhuận cao nhất. Với trên 400 gốc đu đủ, ngày nào gia đình anh Dũng cũng thu cả triệu đồng, mỗi tháng cho thu nhập xấp xỉ 50 triệu đồng.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà vườn đu đủ nhà anh Dũng lại đông khách đến mua, mà do đu đủ nhà anh vốn ngon “nức tiếng”. Suốt 10 năm tìm tòi thử nghiệm các phương pháp trồng và chăm sóc đu đủ, anh đã gây giống được những cây đu đủ trái vụ mà lại ngon, ngọt, màu sắc vàng tươi.

Chia sẻ về bí quyết trồng đu đủ trái vụ, anh Trần Văn Dũng nói: Việc đầu tiên là phải chọn giống chuẩn để trồng. Cây phải chăm sóc đúng quy trình, bón phân và cung cấp đủ dinh dưỡng, luôn giữ cho lớp đất tơi xốp, trồng có khoảng cách hợp lý, đủ nắng, phòng trừ nhện đỏ và rệp,…

Cùng với việc chăn nuôi gia cầm, thủy sản và trồng các loại cây ăn quả khác nhau, bình quân thu nhập của gia đình anh Dũng trên 1ha đất nông nghiệp đạt khoảng 700 - 800 triệu đồng/ năm. Với người nông dân, đây là khoản thu nhập ở mức khá cao.

Xã Song Phượng, huyện Đan Phượng cũng là mảnh đất có nhiều mô hình trồng cây ăn quả chất lượng cao, trong đó có cây đu đủ. Gia đình anh Nguyễn Văn Minh là một hộ nông dân có thu nhập cao từ trồng đu đủ, từ 150 - 180 triệu đồng/năm.

Anh Minh cho hay, cây đu đủ dễ trồng, nhanh cho thu hoạch, rất sai quả và dễ bán. Tuy nhiên để cho ra quả ngọt quanh năm thì cần có những kỹ thuật nhất định và tốn công chăm sóc hơn. Để tăng thu nhập cho gia đình trên cùng một diện tích đất, thì trồng đu đủ trái vụ là mô hình hợp lý.

Còn tại xã Đan Phượng, cánh đồng làng hiện nay cũng được phủ xanh bởi những ruộng đu đủ sai trĩu quả, những ruộng dưa duột, dưa lê cho thu nhập cao. Mỗi năm diện tích trồng đu đủ của xã đạt 8 - 10ha.

Ngoài xã Thọ An, Song Phượng, Đan Phượng, một số xã khác trên địa bàn huyện như Phương Đình, Đồng Tháp... cũng đang mở rộng diện tích trồng đu đủ, nâng cao thu nhập cho nông hộ.

Ông Thiều Văn Son - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cho biết, trước đây, đu đủ được coi là loại cây trồng của người nghèo vì giá trị kinh tế không cao. Thời gian gần đây, nhờ ứng dụng những khoa học công nghệ trong trồng trọt như chọn giống tốt, áp dụng quy trình canh tác và đặc biệt là xác định thời điểm xuống giống thích hợp, trồng đu đủ đã mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân huyện Đan Phượng.

Đu đủ là một trong những loại cây ăn trái vừa ngon vừa giàu dinh dưỡng nên thị trường lúc nào cũng tiêu thụ mạnh. Do đó, cây đu đủ ngày càng được trồng phổ biến trên cả nước. Tuy nhiên không phải ai cũng trồng đạt hiệu quả cao vì đây là một loài cây tương đối khó tính.

Ở nhiều vườn đu đủ, bà con trồng cây theo khoảng cách quy định để cây có điều kiện sinh trưởng thuận lợi nhất, cho quả ngon ngọt nhất. Trồng thưa sẽ giúp cây có đầy đủ ánh sáng quang hợp, tăng chất lượng quả, sâu bệnh ít hơn. Phải chọn giống có bộ rễ phát triển tốt.

Là địa phương ven đô, có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều diện tích đất nông nghiệp xen kẹt, sản xuất lúa không hiệu quả, do đó, những năm qua, với hơn 2.000ha đất nông nghiệp, huyện Đan Phượng đã tích cực chuyển đổi sang canh tác cây trồng khác hiệu quả hơn.

Đến nay, diện tích cấy lúa của huyện chỉ còn 517ha, còn lại hơn 1.300ha đất nông nghiệp được chuyển sang sản xuất hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau màu chất lượng cao. Giá trị canh tác ở các vùng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau màu đạt từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha. Các vùng canh tác đều đã và đang được đầu tư thành vùng chuyên canh.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng cũng cho biết, để có đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, Hội rất chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ khoa học và các kỹ năng đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Đây cũng là xu thế kinh doanh sản phẩm nông nghiệp tất yếu mà người nông dân cần nắm bắt để tạo cơ hội cho sản phẩm của mình có thị trường tiêu thụ rộng mở hơn. Các hộ nông dân Đan Phượng đang tiếp tục hoàn thành các kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các mô hình nông nghiệp để tăng năng xuất sản phẩm, quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/trong-du-du-trai-vu-mo-hinh-kinh-te-cho-thu-nhap-cao-160458.html