Trồng cỏ nuôi bò vỗ béo ở Tông Cọ

Nhiều năm nay, nông dân xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu thực hiện chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn vỗ béo, trâu bò. Nhờ đó, tổng đàn trâu, bò đạt gần 5.000 con, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân địa phương.

Diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả được chuyển sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc

Diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả được chuyển sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc

Trên tuyến đường vào xã Tông Cọ, những sườn đồi, bãi đất trống được phủ màu xanh ngắt của cỏ voi. Tông Cọ hiện có 1.298 hộ, thì 884 hộ nuôi trâu, bò. Riêng bản Nà Lạn có 56/57 hộ nuôi bò nhốt chuồng, nhà ít nhất có 3 con, nhiều thì hơn 10 con. Giá thị trường hiện nay trung bình 25-30 triệu đồng/con bò thương phẩm, nhiều hộ trong bản đang làm giàu từ chăn nuôi.

Các hộ dân nuôi nhốt giống bò Brahman cho năng suất cao.

Các hộ dân nuôi nhốt giống bò Brahman cho năng suất cao.

Anh Lò Minh Huệ, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thông tin: Xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đất trồng hoa màu kém hiệu quả và diện tích trồng lúa không có đủ nước tưới, sang trồng 25 ha cỏ. Đến nay, toàn xã có hơn 140 ha cỏ voi phục vụ chăn nuôi.

Người dân thu hoạch cỏ voi.

Người dân thu hoạch cỏ voi.

Xã còn vận động các nhân dân vay vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi; phối hợp với cơ quan chức năng mở lớp tập huấn kiến thức về phòng, chữa bệnh cho đàn vật nuôi và hướng dẫn chế biến, ủ chua thức ăn cho gia súc trong mùa đông; tiêm phòng viêm da nổi cục cho bò. Vì vậy, đàn bò phát triển tốt.

Hướng dẫn người dân cắt cỏ, ủ chua làm thức ăn cho đàn bò.

Hướng dẫn người dân cắt cỏ, ủ chua làm thức ăn cho đàn bò.

Mô hình nuôi bò vỗ béo ở xã Tông Cọ bắt đầu từ năm 2012, phát triển mạnh nhất từ năm 2019 trở lại đây. Bình quân mỗi hộ nuôi khoảng 2 con, hộ nhiều lên tới 25 con. Ngoài nuôi nhốt giống bò địa phương, các hộ dân còn nuôi nhốt giống bò Brahman, bò 3B, giống bò này có đặc điểm nổi bật năng suất cao, thịt thơm ngon. Các hộ chủ yếu nuôi theo hình thức vỗ béo, mua bò tơ về nuôi trong thời gian từ 5-7 tháng rồi xuất bán. Với phương pháp này, bình quân mỗi con bò, sau khi trừ các khoản chi phí, nông dân thu lợi nhuận từ 7-10 triệu đồng. Nhờ phát triển chăn nuôi bò, nên nguồn thu nhập người nông dân ổn định, đạt 50 - 300 triệu đồng/năm.

Người dân ủ chua cỏ, làm thức ăn cho đàn bò trong mùa đông.

Người dân ủ chua cỏ, làm thức ăn cho đàn bò trong mùa đông.

Bản Thúm Cáy có 142 hộ đều nuôi giống bò địa phương với hơn 800 con. Bà con chuyển đổi diện tích 16 ha ruộng bán ngập bị ảnh hưởng từ công trình thủy điện Chiềng Ngàm sang trồng cỏ voi, phục vụ chăn nuôi. Nhờ phát triển chăn nuôi bò thương phẩm, nhiều hộ trong bản đã khá giả, cả bản chỉ còn 4 hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Thăm trang trại chăn nuôi bò của gia đình ông Lò Văn Toan, Trưởng bản, Bí thư chi bộ bản Thúm Cáy. Ông Toan nói: Trước nuôi trâu, bò thả rông, ngày nào cũng phải dạy sớm dắt bò đi chăn thả, nhiều hôm phải đi xa, bò mới có cỏ ăn. Còn bây giờ đi làm nương, tranh thủ cắt luôn bó cỏ voi là bò có thức ăn cả ngày. Gia đình tôi đang nuôi 25 con bò, trồng hơn 1 ha cỏ voi. Mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập từ 300-350 triệu đồng. Cuộc sống gia đình khấm khá hơn, tôi đã mua xe ô tô, xây được nhà.

Trồng cỏ, giúp nông dân chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, bên cạnh đó, nhiều hộ tận dụng đất trồng cỏ voi để bán. Tiêu biểu gia đình anh Lường Văn Sơn, bản Thúm Cáy, có hơn 3.000m² cỏ voi, ngoài làm thức ăn nuôi 2 con bò, nhận thấy người dân có nhu cầu mua cỏ, gia đình anh đã bán với giá 800 - 1.000 đồng/kg. Năm 2021, gia đình anh Sơn thu nhập thêm 40-50 triệu đồng từ bán cỏ voi.

Người dân bản Thúm Cáy chăm sóc đàn bò.

Người dân bản Thúm Cáy chăm sóc đàn bò.

Trồng cỏ nuôi bò vỗ béo, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn xóa bỏ tập quán nuôi gia súc dưới gầm sàn, góp phần đưa xã Tông Cọ đạt tiêu chí số 17 về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, xã tích cực vận động, tuyên truyền và hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, nhân rộng các mô hình nuôi bò vỗ béo, tăng năng suất, nâng cao chất lượng gia súc thương phẩm, góp phần xóa đói, giảm nghèo để Tông Cọ về đích xây dựng nông thôn mới vào năm 2022.

Thủy Ngân - Phan Hưng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/trong-co-nuoi-bo-vo-beo-o-tong-co-46593