Trong 15 năm, doanh thu của tổ chức luật sư đạt hơn 21.000 tỷ đồng

Bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố, trong 15 năm qua, tổng doanh thu của tổ chức hành nghề luật sư (LS) Việt Nam đạt hơn 21.000 tỷ đồng, đã nộp thuế gần 3.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

239.328 vụ việc trợ giúp pháp lý

Sáng 26/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị tổng kết thi hành Luật LS. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) Lê Xuân Hồng và Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh đồng chủ trì hội nghị.

Báo cáo tổng kết thi hành Luật LS, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp Lê Xuân Hồng cho biết ngay sau khi Luật LS và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS được Quốc hội thông qua, công tác triển khai thi hành Luật LS đã được thực hiện đồng bộ, đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, người dân về vị trí, vai trò của LS.

Theo báo cáo của 63 địa phương và Liên đoàn LS Việt Nam, số lượng LS hành nghề thực tế đã tăng từ 4.161 LS (năm 2007) lên 17.284 người (tính đến ngày 31/12/2022); trung bình mỗi năm số lượng LS tăng thêm gần 1.000 người.

Trong 15 năm qua, cả nước đã phát triển được hơn 4.000 tổ chức hành nghề LS, đưa số lượng tổ chức hành nghề LS trên toàn quốc từ 1.323 tổ chức hành nghề năm 2007 lên 5.429 tổ chức hành nghề năm 2022.

Bộ Tư pháp tổng kết 15 năm thi hành Luật Luật sư.

Số lượng LS và tổ chức hành nghề LS phát triển chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của cá nhân, cơ quan, tổ chức cao. Một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, số lượng LS đã tăng lên so với thời điểm Luật LS năm 2006 được ban hành. Đến nay, chỉ còn Đoàn LS tỉnh Bắc Kạn và Đoàn LS tỉnh Lai Châu có số lượng dưới 10 người.

Luật LS đã chuẩn hóa tiêu chuẩn của LS là người có bằng Cử nhân luật, nâng thời gian đào tạo nghề LS từ 6 tháng lên 12 tháng, quy định chặt chẽ hơn về tập sự hành nghề LS, bổ sung quy định LS phải thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng bắt buộc hàng năm về chuyên môn, nghiệp vụ; Chương trình đào tạo cử nhân luật, đào tạo nghề LS thường xuyên được cập nhật, đổi mới và nâng cao…

Chất lượng đội ngũ LS đã từng bước được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đa phần các LS có phẩm chất đạo đức, tận tâm trong hoạt động nghề nghiệp, có ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS. Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng LS có trình độ ngoại ngữ đạt tỷ lệ khá ấn tượng.

Với quy định mở rộng phạm vi hành nghề, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động tham gia tố tụng của LS, cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ của LS, từ năm 2007 đến năm 2022, các LS đã tham gia 1.429.540 vụ, việc (trong đó có 298.082 vụ việc tố tụng, 892.130 việc tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác, 239.328 vụ việc trợ giúp pháp lý).

Nộp thuế gần 3.000 tỷ đồng

Theo ông Lê Xuân Hồng, thực tiễn giải quyết các vụ án tại Tòa án trong những năm qua cho thấy về cơ bản, tỷ lệ vụ án có LS tham gia tố tụng có xu hướng tăng theo từng năm. Bên cạnh đó, 100% các vụ án theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng đều có LS tham gia để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Đoàn Luật sư Hà Nội trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì

Hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách và công tác xã hội khác được các LS quan tâm thực hiện. Hầu hết các Đoàn LS đều phát động phong trào để LS tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí, trực tiếp cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người yếu thế bằng các hình thức khác nhau như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật…

Bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 tỉnh, thành phố, trong 15 năm qua, tổng doanh thu của tổ chức hành nghề LS Việt Nam đạt hơn 21.000 tỷ đồng, đã nộp thuế gần 3.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Đáng quan tâm, theo Bộ Tư pháp, số lượng LS cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ pháp lý của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ LS hiện có so với dân số Việt Nam còn thấp, sự phân bổ LS không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trong khi đó, một số địa phương có số lượng LS thấp, dưới 20 LS và một số ít tỉnh đang thiếu nguồn phát triển LS. Số lượng LS có khả năng tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế còn ít do chưa có kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, nhận thức về tư tưởng, chính trị của một bộ phận LS chưa được bảo đảm, chỉ chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng mà chưa quan tâm đến bảo vệ công lý, công bằng, bảo vệ pháp chế. Một số ít LS còn lợi dụng quyền hành nghề LS, hình thành các hội, nhóm trái pháp luật và có những phát biểu, bài viết trên các trang mạng xã hội thể hiện quan điểm sai trái, ảnh hưởng không tốt đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cơ quan, tổ chức và nhà nước…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu tại hội nghị.

Cần giảm bớt đối tượng miễn giảm tập sự hành nghề

Phát biểu tại hội nghị, LS Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, Giám đốc Công ty luật Biz law cho hay, trên cả nước, tính trung bình tỷ lệ số LS trên số dân còn rất thấp, chỉ là 1 LS/5675 người dân, so với Nhật Bản là 1 LS/2768 người dân, Hàn Quốc là 1 LS/1588 người dân.

Thực tiễn yêu cầu cải cách tư pháp và phát triển kinh tế xã hội, đòi hỏi dịch vụ pháp lý của LS phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao. Tuy nhiên, Luật LS hiện hành quy định nhiều trường hợp được miễn giảm tập sự hành nghề LS. Ông Nam cho rằng, cần rà soát theo hướng giảm bớt đối tượng miễn giảm tập sự hành nghề, vì nghề LS đòi hỏi không chỉ am hiểu về kiến thức pháp luật mà phải được đào tạo kỹ năng và đạo đức hành nghề. Đồng thời, việc tập sự cần thực chất, vì không ít trường hợp người tập sự hành nghề chỉ đăng ký tập sự mà không tập sự thực tế.

LS Huỳnh Tho, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Lâm Đồng cho hay, hiện có tình trạng LS được cấp chứng chỉ nhưng không đăng ký hoạt động hành nghề, không gia nhập Đoàn LS mà “lang thang trong toàn quốc khá nhiều” nên cần quy định sau cấp chứng chỉ hành nghề 1 năm mà không đăng ký hành nghề thì thu hồi chứng chỉ…

Từ thực tiễn quản lý, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội đưa Luật Luật sư vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Đồng thời chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút sử dụng luật sư trong việc tư vấn chính sách, giải quyết tranh chấp quốc tế, dự án kinh tế xã hội ở Trung ương và địa phương và có giải pháp bảo đảm triển khai hiệu quả chính sách này.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/trong-15-nam-doanh-thu-cua-to-chuc-luat-su-dat-hon-21000-ty-dong-164375.html