Trốn thuế thu nhập cá nhân có thể bị xử lý hình sự và phạt tiền rất nặng

Cá nhân có thu nhập ở mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân mà không thực hiện nghĩa vụ thuế không những bị xử phạt rất nặng, thậm chí còn có thể bị xử lý hình sự.

Vì sao cần phải nộp thuế thu nhập cá nhân?

- Thuế là nguồn thu ngân sách quan trọng cho Nhà nước để thực hiện nhiều dự án cộng đồng và đảm bảo phúc lợi xã hội cho mọi người. Vì vậy, người thu nhập cao phải nộp thuế thu nhập cá nhân là điều bắt buộc.

- Nộp thuế thu nhập cá nhân giúp cán cân của nền kinh tế được cân đối giữa thu nhập, tiêu dùng và tiết kiệm.

- Việc kê khai thu nhập cũng nhằm đảm bảo tính minh bạch trong nguồn hình thành thu nhập tránh những nguồn thu bất hợp pháp.

- Những người nộp thuế là những người có mức thu nhập cao, việc nộp thuế cũng nhằm mục đích giảm khoảng cách giàu và nghèo trong xã hội.

Phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi nào?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được hướng dẫn bởi Khoản 1, Điều 2 Nghị định 65/2013/NĐ-CP như sau:

"Người nộp thuế thu nhập cá nhân bao gồm cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định này. Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:

a) Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập;

b) Đối với cá nhân không cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh tại Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập".

Bên cạnh đó, theo Khoản 2, Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 có quy định:

Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:

Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật Lao động, các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả, trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội;

c) Tiền thù lao dưới các hình thức;

d) Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức;

đ) Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền;

e) Tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Theo đó, người lao động phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi:

- Cư trú tại Việt Nam có thu nhập từ tiền lương phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.

- Không cư trú tại Việt Nam có thu nhập từ tiền lương phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập.

Những người nộp thuế thu nhập cá nhân là những người có mức thu nhập cao.

Những người nộp thuế thu nhập cá nhân là những người có mức thu nhập cao.

Trốn thuế thu nhập cá nhân bị xử lý như thế nào?

Theo Khoản 1, Điều 200 Bộ luật Hình sự 2025 được sửa đổi bởi Điểm a, Khoản 47, Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:

Người lao động có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế khi:

- Người lao động có một trong các hành vi sau:

+ Không nộp hồ sơ đăng ký thuế;

+ Không nộp hồ sơ khai thuế;

+ Nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật;

- Các hành vi như trên của người lao động phải thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

+ Trốn thuế với số tiền dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế;

+ Người lao động đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Người lao động đã bị kết án về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Theo đó, người nào phạm Tội trốn thuế thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm

- Nặng hơn có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm khi:

+ Có tổ chức;

+ Số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trốn thuế là bao lâu?

Theo Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định như sau:

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Bên cạnh đó, theo Điểm a, Khoản 1, Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 2, Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:

"Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:

a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;

b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù".

Theo đó, cần căn cứ vào các tình tiết của vụ án để xác định được khung hình phạt từ đó mới có thể xác định được loại tội phạm.

Nếu tội phạm rơi vào Khoản 1, Khoản 2, Điều 200 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự Tội trốn thuế sẽ là 05 năm kể từ ngày tội phạm được thực hiện.

Nếu rơi vào Khoản 3 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tội trốn thuế sẽ là 10 năm.

Cá nhân có thu nhập ở mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân mà không thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ bị phạt rất nặng.

Cá nhân có thu nhập ở mức phải nộp thuế thu nhập cá nhân mà không thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ bị phạt rất nặng.

Trường hợp chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân bị xử lý thế nào?

Căn cứ theo quy định Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân như sau:

- Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ.

- Phạt từ 02 - 05 triệu đồng đối với hành vi hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 ngày đến 30 ngày.

- Phạt từ 05 - 08 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 60 ngày.

- Phạt tiền từ 08 - 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 61 đến 90 ngày.

+ Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.

+ Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp

+ Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp

Ngoài việc bị phạt tiền thì người nộp còn bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là nộp đủ số tiền chậm nộp nếu chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế.

- Phạt từ 15 - 25 triệu đồng đối với hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế.

Ngoài việc bị phạt tiền thì người nộp còn bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung là nộp đủ số tiền chậm nộp nếu chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tron-thue-thu-nhap-ca-nhan-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-va-phat-tien-rat-nang-172231018162036154.htm