Trợ lực giúp người dân Phù Yên giảm nghèo

Hỗ trợ người dân, HTX phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ đã giúp huyện Phù Yên (Sơn La) từ một địa phương gặp nhiều khó khăn trong giảm nghèo có những đổi thay đáng kể trong nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân.

Bà Cầm Thị Ngân, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy (xã Quang Huy), cho biết HTX đang có 162 thành viên, tập trung vào trồng lúa hữu cơ, phát triển nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, bó chổi chít và các sản phẩm từ mây tre đan, từ đó góp phần nâng cao thu nhập.

Nâng cao thu nhập

Hiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX luôn ổn định, thu nhập bình quân của thành viên đạt 60-80 triệu đồng/năm, từ đó giúp một số hộ thành viên giảm nghèo thành công.

Xã Quang Huy có 14 bản, với 3 dân tộc chủ yếu là Thái, Mường, Mông và một số dân tộc khác cùng sinh sống. Trình độ dân trí, phát triển kinh tế của người dân không đồng đều giữa vùng thấp (11 bản vùng lúa trong lòng chảo huyện Phù Yên) và vùng cao (3 bản đặc biệt khó khăn).

Để thay đổi sức ỳ của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xã đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, vận động người dân tham gia HTX.

Đặc biệt, xã hỗ trợ phụ nữ nâng cao thu nhập, giảm nghèo bằng việc hình thành HTX dịch vụ nông nghiệp Quang Huy hoạt động đa dạng các ngành nghề để tận dụng thời gian nhàn rỗi. Ngay như việc sản xuất chổi chít cũng có thể mang lại nguồn thu khoảng 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, toàn bộ sản phẩm chổi của HTX được các nhà máy, xí nghiệp và trường học trên địa bàn đặt mua.

Theo Giám đốc Cầm Thị Ngân, HTX đã nhận được sự hỗ trợ của ngành chức năng trong tiếp cận nguồn vốn ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trong cho vay hộ nghèo để phát triển sản xuất. Ngoài ra, HTX cũng được tạo điều kiện tham gia dự án phát triển sản xuất kinh doanh, được hỗ trợ kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ cho từng giai đoạn phát triển của cây lúa.

Có vốn, có kiến thức, nhiều thành viên đã tích cực phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo ở Quang Huy là 9,52%, hướng đến cuối năm 2023 sẽ tiếp tục giảm còn 7%. Xã cũng phấn đấu xóa hết nhà tạm của nhân dân trên địa bàn hết năm 2023.

Trồng cây gai xanh theo chuỗi giá trị hàng hóa đang giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo.

Trồng cây gai xanh theo chuỗi giá trị hàng hóa đang giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo.

Còn tại xã Huy Thượng, để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã tạo điều kiện hỗ trợ người dân, HTX vay vốn phát triển sản xuất, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường thâm canh, tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các chương trình 135, 30a đều được tập trung hỗ trợ các hộ nghèo nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Đến nay, xã đã xây dựng các mô hình sản xuất như: Mô hình trồng lúa hữu cơ, chăn nuôi vịt, sản xuất miến dong, trồng cây ăn quả... Hiện, một số hộ dân trên địa bàn xã đã liên kết với HTX nông nghiệp BTH (xã Mường Do) trồng cây gai xanh để cung cấp cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt hơn 36,4 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,9% xuống còn hơn 11,7%.

Hỗ trợ người dân sản xuất

Theo lãnh đạo huyện Phù Yên, để nâng cao thu nhập cho người dân cần thay đổi trong sản xuất nông nghiệp theo hướng tiên tiến. Để làm được điều này, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân tham gia HTX, hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi để thuận tiện trong ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật.

Từ đó, huyện xây dựng được các chuỗi xoài, bơ, bưởi; chuỗi sả; chuỗi măng sặt; chuỗi thanh long; chuỗi gạo; chuỗi gà thương phẩm; chuỗi quả có múi. Thời gian gần đây, huyện còn hỗ trợ một số địa phương phát triển chuỗi sản xuất mới như: chuỗi an xoa; chuỗi gai xanh; chuỗi quýt ngọt; chuỗi chuối; chuỗi sa nhân; chuỗi hồng giòn.

Tiêu biểu như chuỗi cây gai xanh ban đầu chỉ được trồng thí điểm ở các xã Tường Thượng, Gia Phù, Suối Tọ, Tân Lang với 8ha thì nay đã được mở rộng lên 257 ha tại 13/27 xã, thị trấn với sự tham gia của các HTX và doanh nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo.

Anh Đinh Công Lý (xã Mường Do) cho biết, trước đây, gia đình anh có gần 5.000 m2 ngô trồng trên đất đồi dốc, hiệu quả kinh tế không cao. Ba năm nay, anh được HTX nông nghiệp BTH hỗ trợ trồng cây gai xanh để cung ứng cho doanh nghiệp. Trong năm 2022, gia đình thu hoạch 1,5 tấn vỏ cây gai khô, thu lãi trên 40 triệu đồng. Đây là số tiền khá cao so với trồng ngô.

Ngoài hỗ trợ người dân tham gia HTX, huyện cũng tích cực đào tạo nghề để nhân dân, đăc biệt là hộ nghèo nắm bắt được quy trình sản xuất tiên tiến và những cây, con mới. Tiêu biểu như các lớp đào tạo trồng cây ăn quả tại xã Tân Lang, lớp kỹ thuật trồng rau, tỏi an toàn tại xã Tường Phù, lớp đào tạo trồng cây gai xanh tại 13 xã, thị trấn, lớp làm chanh leo sấy dẻo tại Mường Do, lớp đào tạo nghề làm tinh dầu sả HTX Bắc Phong, sản xuất cao an xoa tại HTX Uyên Thuận...

Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên, cho biết sản xuất theo quy trình mới và liên kết theo chuỗi là điều kiện quan trọng để huyện quảng bá, mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản và nâng cao thu nhập cho người dân.

Để giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã thành lập các đoàn công tác tiến hành rà soát, đồng thời có đánh giá cụ thể, chi tiết về các điều kiện như: khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, từ đó xây dựng quy hoạch vùng trồng các loại cây phù hợp. Huyện cũng đã hỗ trợ mua cây, con giống cho bà con nhân dân, HTX và tổ chức lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, cây, con giống cho người nông dân. Mỗi năm, huyện đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân, HTX.

Đặc biệt, số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện tăng lên từ 18 HTX năm 2018 lên 34 HTX năm 2020 và hiện là 46 HTX, trong đó có đến 20 HTX nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ, nông sản sạch, an toàn, theo quy trình VietGAP, GlobalGAP… Các HTX đóng vai trò quan trọng giúp huyện duy trì 13.700 ha lúa; 2.510 ha cây ăn quả các loại; trên 1.100 ha cỏ phục vụ chăn nuôi và gần 5.000 ha trồng cây hoa màu, 300ha lúa hữu cơ và cây trồng khác.

Nỗ lực giảm nghèo

Hiệu quả từ liên kết sản xuất, phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa đã giúp nông thôn huyện Phù Yên "thay da đổi thịt". Hầu hết các xã trong huyện đều phát triển với nhà cửa khang trang, hệ thống giao thông được bê tông hóa vươn dài đến từng ngõ, xóm. Nhiều nông dân, HTX đã liên kết thành công với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, từ đó đem lại thu nhập cao và cuộc sống ổn định.

Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều cuối năm 2015 của huyện Phù Yên là 29,91%, đến năm 2020 giảm xuống còn 15,19% và đến cuối năm 2022 còn 7,12%.

Thực tế, Phù Yên đã được công nhận là huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 – 2020. Nhưng là một huyện với 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và xét theo tiêu chí giảm nghèo mới với nhiều yêu cầu khắt khe thì tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2022 vẫn còn đến 19,7%.

Chính vì vậy, để tiếp tục giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ hộ nghèo, huyện đang và sẽ triển khai nhiều kế hoạch, chương trình tạo công ăn việc làm, xóa nhà tạm cho người dân. Phù Yên cũng sẽ thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (nông, lâm nghiệp, thủy sản) phù hợp với điều kiện thực tế, quy hoạch ngành nghề của địa phương và nhu cầu, nguyện vọng của người dân, HTX.

Đặc biệt, huyện sẽ đẩy mạnh hỗ trợ đa dạng các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo và cộng đồng phù hợp với phong tục, tập quán, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi, nguồn lực, thị trường…

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/tro-luc-giup-nguoi-dan-phu-yen-giam-ngheo-1097063.html