Trở lại vùng lũ Tùng Nùn

Trận lũ lịch sử xảy ra vào cuối tháng 6.2018 khiến nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Quản Bạ rơi vào tình trạng mất nhà cửa, tài sản; trong đó, thiệt hại nặng nhất là thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, nhà hảo tâm… vùng lũ nơi đây đang từng bước hồi sinh. Những căn nhà mới được mọc lên, những sườn núi, đồng ruộng chồi xanh đang dần được bao phủ, thay cho màu của bùn đất, đá.

Một góc thôn Tùng Nùn sau khi quy tụ các hộ về nơi ở mới.

Một góc thôn Tùng Nùn sau khi quy tụ các hộ về nơi ở mới.

Anh Giàng Mí Cháng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tùng Nùn, cho biết: Trận lũ năm 2018 đã cướp đi 2 sinh mạng, cuốn trôi 7 ngôi nhà; nhiều nhà bị hỏng nặng, nhiều diện tích hoa màu của người dân bị quét sạch... Chỉ sau tích tắc, Tùng Nùn gần như bị xóa sạch. Khi ấy đất đá ngổn ngang, nhà cửa bị vùi lấp trong bùn đất, mà trước đó thôn bản đang dần thay da đổi thịt, nhiều hộ đã thoát nghèo bỗng trở lại nghèo đặc biệt. Mỗi người dân khi đó đều hoang mang, những giọt nước mắt lăn dài lo lắng biết lấy gì để vực lại cuộc sống khi chỉ còn hai bàn tay trắng...

Gia đình anh Giàng Mí Chá được hỗ trợ xây dựng nhà mới kiên cố, khang trang.

Gia đình anh Giàng Mí Chá được hỗ trợ xây dựng nhà mới kiên cố, khang trang.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm khi cơn lũ dữ đi qua, chúng tôi quay lại Tùng Nùn, đường về thôn vẫn gập ghềnh, khúc khuỷu, nhiều đoạn đang phải chắp vá… Nhưng những vết sạt lở trên núi đá cao hồi ấy đã được đắp lên một màu xanh của cỏ, cây; những ngôi nhà dưới chân đồi, dưới những tảng đá lớn, nơi có nguy cơ sạt lở đất, đá đã được quy tụ lại nơi ở mới an toàn, những nhà xây kiên cố, khang trang; một số hộ dân được chọn xây dựng làng kiểu mẫu đã và đang hoàn thiện, ổn định dần... tạo nên thôn Tùng Nùn mới, với nhiều khởi sắc.

Thôn Tùng Nùn hiện nay có 4 dân tộc Dao, Mông, Nùng, Giấy cùng sinh sống với 163 hộ, 735 khẩu, trong đó còn 72 hộ nghèo. Nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, sự đồng cảm của các nhà hảo tâm và sự chung tay giúp đỡ của bà con cùng định hướng đúng đắn của chính quyền các cấp, đã góp phần làm thay đổi Tùng Nùn ngày càng xanh hơn, phát triển hơn, cuộc sống người dân đã ổn định và không ngừng tiếp tục tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Với tổng diện tích gieo trồng toàn thôn là 218 ha, trong đó người dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng ngô kém năng suất sang trồng cỏ, đến nay, diện tích trồng cỏ trên 55 ha và có 25 ha lúa, 60 ha ngô; tổng đàn gia súc trên 600 con... Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, toàn thôn có 16 mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, cho thu nhập cao. Từ đó, góp phần giúp nhiều hộ dân ở Tùng Nùn nâng cao thu nhập, giảm nghèo đáng kể; năm 2018 có 12 hộ thoát nghèo và mục tiêu hết năm 2019 tiếp tục xóa nghèo cho 13 hộ; thu nhập của người dân đạt 15 triệu đồng/người/năm.

Lãnh đạo xã Lùng Tám tham quan mô hình nuôi lợn đen của anh Ly Văn Bình.

Lãnh đạo xã Lùng Tám tham quan mô hình nuôi lợn đen của anh Ly Văn Bình.

Đến thăm mô hình nuôi lợn đen của gia đình anh Ly Văn Bình, dân tộc Dao, được anh chia sẻ: Gia đình tôi may mắn không bị thiệt hại về người, nhà cửa, chỉ thiệt hại về diện tích hoa màu. Để tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong thực hiện mô hình phát triển kinh tế, gia đình tôi vay 100 triệu từ vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh, nhằm mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi trên 60 con lợn đen địa phương. Trừ các khoản chi phí, gia đình thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Tôi mong rằng, từ thành công mô hình chăn nuôi của gia đình, sẽ tạo được sự tin cậy, nơi học tập kinh nghiệm cho một số hộ và tạo điều kiện cho các hộ nghèo trong thôn cùng phát triển kinh tế.

Hôm nay, đến thôn Tùng Nùn, qua những cánh đồng đang tấp nập người dân thu hoạch lúa, ngô, những nơi lũ quét đi qua màu xanh đã dần phủ kín bởi cỏ, cây xanh tốt và không khó để bắt gặp những hình ảnh người dân đang hăng say lao động, dù khó khăn còn bộn bề nhưng niềm hy vọng của người dân vùng lũ vẫn đang bừng lên, lòng quyết tâm hồi sinh trở lại và phát triển hơn nữa. Qua cơn hoạn nạn, ý chí con người nơi đây như được tiếp thêm sức mạnh, nhân lên tình nhân ái để vượt qua thiên tai, gây dựng lại cuộc sống mới.

Bài, ảnh: VƯƠNG MAI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/201909/tro-lai-vung-lu-tung-nun-749924/