Trở lại Điện Biên Phủ tìm kiếm và gìn giữ những giá trị lịch sử

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân Việt Nam đã chiến đấu ngoan cường 55 ngày đêm mới hạ được Hầm chỉ huy tướng Đờ Cát. Khoảng khắc lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. 55 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

70 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi xa, nhưng ngày 7/5/1954 ấy, khi lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Đờ Cát là thời khắc lịch sử không thể quên trong mỗi người dân Việt Nam.

Đưa học sinh về thăm Điện Biên để trải nghiệm, bồi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng quân và dân ta vẫn không quên được khoảnh khắc lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Đờ cát. Đến nay, hầm Đờ Cát và dấu ấn chiến thắng lẫy lừng của dân tộc ta đã được xếp hạng 23 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. (Trong ảnh: Một phần trong bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên)

Các em học sinh đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại cửa hầm Đờ Cát.

Một số hình ảnh phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống ghi nhận tại khu di tích hầm Đờ Cát trong không khí cả nước đang hướng về Ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Nằm ngay trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, cách đồi A1 khoảng 1,5 km về phía Tây (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Hầm chỉ huy tướng Đờ Cát nổi bật lên với những hàng rào giậu, gia cố cẩn thận để chống lại sự tàn phá của thời gian, hệ thống dây kẽm gai dày đặc. Phía trên miệng hầm dựng một bức hình bằng xi măng rộng khoảng 6 mét vuông, khắc họa hình ảnh tướng Đờ Cát cầm ba tong cùng đoàn tùy tùng lầm lũi đầu hàng quân đội Việt Nam. Mái vòm sắt và các bao cát trên nóc hầm, đây là con đường hào có mái che nối liền hầm tướng Đờ Cát với lô cốt trên đồi A1, mà thời đó quân Pháp đã dựng lên.

Hầm chỉ huy tướng Đờ Cát có chiều dài 20m, rộng 8m, với một lối đi dọc, 2 cửa ở hai đầu. Bên trong hầm được chia làm 4 gian, dùng làm nơi làm việc.

Trong số những di tích lịch sử ở Điện Biên, hầm Đờ Cát là một địa điểm nổi bật khắc họa rất rõ nét, chân thực về cuộc chiến tranh "chấn động địa cầu" một thời của quân và dân ta.

Hầm Đờ Cát hay còn gọi là hầm Đờ Cát Tơ Ri, tên đầy đủ là Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hay còn gọi là Sở chỉ huy GoNo.

Trước kia, căn hầm này do thực dân Pháp dựng lên để làm cứ điểm chỉ huy cho tướng Đờ Cát Tơ Ri trong cuộc chiến tranh Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, sau 55 ngày chiến đấu, bộ đội ta đã chiếm được căn hầm và bắt sống được tướng Đờ Cát (7/5/1954).

Bên trong hầm hiện nay vẫn còn chiếc bàn sắt của tướng Đờ Cát Tơ Ri và các tùy tùng.

Tại căn hầm này, tướng Đờ Cát đã tiếp đón nhiều quan chức cấp cao như: Thủ tướng Pháp Joseph Laniel, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower, Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng như các nhà báo nổi tiếng.

Có thể nói rằng, hầm Đờ Cát là chứng tích lịch sử về cuộc chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hầm Đờ Cát nói riêng và tổng thể khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ nói chung mang những dấu ấn lịch sử đầy hào hùng của dân tộc ta trên chặng đường chiến đấu bảo vệ độc lập tự do. Hàng năm nơi đây thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan tìm hiểu về lịch sử của dân tộc.

Tuấn Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tro-lai-dien-bien-phu-tim-kiem-va-gin-giu-nhung-gia-tri-lich-su-169240326111847086.htm