Trở lại Chàng Riệc

Nằm cách trung tâm huyện Tân Biên khoảng 40km, vào trung tuần tháng 4-2023, cửa khẩu vùng biên Tây Ninh hầm hập nóng, những chuyến xe chở đầy hàng hóa qua lại tấp nập. Khu dân cư Chàng Riệc (ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên) hôm nay sáng bừng lên với những gam màu tươi mới.

Ở đó dễ dàng bắt gặp những nụ cười hồn nhiên trong trẻo của các em thơ; hàng quán kinh doanh dịch vụ phong phú, tiếng nhạc xập xình; tiếng máy cày, máy xới, xe ủi, xe ben đủ loại…

Mỗi người dân là “cột mốc sống” giữ biên cương

Hơn 10 năm trước, Chàng Riệc là khu đất rừng, dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, phá rừng, người dân xâm nhập bất hợp pháp qua các đường mòn, lối mở mua bán hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại thường xuyên xảy ra. Thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm “an dân giữ đất", xây dựng “thế trận lòng dân", chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tỉnh Tây Ninh đã triển khai Đề án 407 “Bố trí, sắp xếp, ổn định 3 khu dân cư biên giới Bắc Tây Ninh" giai đoạn 2008-2019.

Một góc ở Khu dân cư Chàng Riệc.

Một góc ở Khu dân cư Chàng Riệc.

 Vận hành hệ thống cung cấp nước sạch ở Khu dân cư Chàng Riệc.

Vận hành hệ thống cung cấp nước sạch ở Khu dân cư Chàng Riệc.

Khu dân cư biên giới Chàng Riệc được thành lập vào năm 2012, với tổng diện tích quy hoạch 643ha, dự kiến bố trí 500 hộ, 2.000 nhân khẩu, tỉnh đã xây dựng 26 công trình cơ sở hạ tầng gồm: Nhà ở, điện, đường, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt… tổng kinh phí trên 217 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và Trung ương hỗ trợ.

Theo ông Đào Văn Sớt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập,từ khi thành lập khu dân cư, bộ máy của ấp được hình thành gồm có chi bộ, trưởng ấp, ban công tác mặt trận ấp; quân sự, công an, y tế, giáo dục được tăng cường, đồng thời xã thành lập các tổ dân cư tự quản… nên việc tổ chức quản lý ngày càng ổn định, khu dân cư bình yên và phát triển.

 Các chuyến hàng thường xuyên trao đổi, thông thương giữa người dân 2 nước Việt Nam - Campuchia.

Các chuyến hàng thường xuyên trao đổi, thông thương giữa người dân 2 nước Việt Nam - Campuchia.

Đến nay, qua hai giai đoạn thực hiện theo Đề án 407, đã có hơn 320 hộ gia đình được bố trí vào khu dân cư biên giới Chàng Riệc. Mỗi hộ được cấp 1.000m2 đất ở gồm căn nhà có diện tích 42m2, có phòng khách, phòng ngủ, bếp và công trình phụ, 1 ha đất rẫy và được tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất.

“Hết mùa này tới mùa khác, sau khi thu hoạch xong củ mì thì đến hạt điều, bắp, đậu gối liên tục nên người dân ở đây luôn đảm bảo công ăn việc làm ổn định. Hàng năm, ấp luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Quân khu 7, Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh và Ban chỉ huy quân sự huyện Tân Biên nên bà con ở đây rất phấn khởi, hăng say lao động vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng khá giả hơn trước rất nhiều”, ông Ngô Minh Tùng, Trưởng ấp Tân Khai, xã Tân Lập cho biết.

Cô và trò tại Trường Tiểu học Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Cô và trò tại Trường Tiểu học Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Hiện nay khu dân cư được thụ hưởng đầy đủ điện lưới quốc gia, nước sạch sinh hoạt; Trạm y tế khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho người dân, trường mầm non, tiểu học và 3 lớp bậc THCS. “Học sinh đến lớp ngày càng tăng, hồi mới thành lập trường vào năm 2017 có khoảng 80 em, đến nay có hơn 210 em, chia làm 6 lớp học cả ngày, tỷ lệ duy trì sĩ số và lên lớp hàng năm đạt 100%”, thầy giáo Huỳnh Thanh Danh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Khai thông tin.

Hơn 30% hộ dân chuyển đổi buôn bán, kinh doanh dịch vụ thương mại

Trở lại Chàng Riệc hôm nay điều mà ai cũng nhận thấy là thay đổi trong suy nghĩ, cách làm của người dân, đã không còn cái thời đi làm công để trang trải cuộc sống hằng ngày… Tiên phong cho sự đổi đời này phải kể đến gia đình anh Phạm Văn Lượng, kinh doanh vật liệu xây dựng. Chuyển đến khu dân cư trong đợt 1 năm 2012, giai đoạn đầu rất khó khăn, công việc chính của anh là tham gia xây dựng các công trình, từ đó giúp anh mạnh dạn chuyển hướng sang buôn bán vật liệu xây dựng.

 Anh Phạm Văn Lượng bên cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình.

Anh Phạm Văn Lượng bên cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình.

Với sự phát triển nhanh về kinh tế, các mặt hàng vật liệu xây dựng bán ra trong nội địa khá ổn định, kể cả bán cho người dân Campuchia. Từ đó đã giúp gia đình anh ngày càng vững vàng, tạo dựng được uy tín và có thêm điều kiện để mở rộng, nâng cấp nhà kho, mặt bằng tập kết thêm nhiều mặt hàng, mua sắm phương tiện máy móc, phục vụ chuyên chở cho khách hàng trong và ngoài huyện. “Nơi đây đã cho tôi rất nhiều thứ, chuyện tưởng như không thể mà có thể, giờ đây đã an cư lạc nghiệp, công việc kinh doanh cũng thuận lợi, nên vợ chồng tôi xác định đây sẽ là nơi gắn bó lâu dài, kể cả con tôi, cháu tôi sau này”, anh Phạm Văn Lượng bày tỏ.

 Nhiều hộ gia đình đã đầu tư mở garage sửa chữa các loại máy móc, phương tiện chuyên dụng.

Nhiều hộ gia đình đã đầu tư mở garage sửa chữa các loại máy móc, phương tiện chuyên dụng.

Một trong những thuận lợi là Cửa khẩu Chàng Riệc được nâng cấp lên thành cửa khẩu chính, kéo theo những thay đổi trong suy nghĩ và cách làm kinh tế của người dân. Trong tổng số hơn 320 hộ của khu dân cư Chàng Riệc, đã có hơn 30% hộ dân hành nghề buôn bán kinh doanh, phát triển thương mại, dịch vụ… Cửa khẩu vùng biên một thời heo hút, giờ đã chuyển mình theo nhịp sống của bà con nơi đây.

“Giao thương ở đây khá sôi động, nhất là hàng nông sản, đời sống người dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ khá giàu chiếm từ 30 đến 40%, thu nhập bình quân đầu người ở ấp Tân Khai trên 76 triệu đồng người/năm, hộ nghèo theo tiêu chí mới không còn”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập Đào Văn Sớt phấn khởi thông tin.

Ông Nguyễn Ngọc Trỗi, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Biên: Địa phương đang triển khai phương án giải phóng mặt bằng để xây dựng số nhà còn lại thuộc đề án, đồng thời phân lô đất sản xuất cấp cho các hộ dân ở giai đoạn 2 là 31 hộ. Ngoài ra đã tăng dày thêm 51 hộ, và tiếp tục xây thêm để đưa các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, giáo viên, y bác sĩ tình nguyện lên công tác, ổn định cuộc sống lâu dài ở vùng biên”.

Bài và ảnh: THẾ ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/tro-lai-chang-riec-725917