Trò chơi đồng dao Nam Trung Bộ

Ở Nam Trung Bộ có rất nhiều bài đồng dao được truyền miệng. Qua nhiều năm nghiên cứu, thu thập, chúng tôi đã ghi âm phác thảo được một số bài đồng dao dưới dạng ghi cao độ, trường độ, theo tiết điệu của trò chơi là chính.

Sinh động trò chơi của trẻ. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Tuy lời hát có vần có điệu nhưng trẻ chú ý tới trò chơi là chính. Lời ca trong khúc đồng dao nhiều khi chỉ là quen miệng, tiết tấu phù hợp với trò chơi là được, khi chơi trẻ em không chú ý tới giọng hát, có khi quá vui mà gào thét, có khi lại hát như nóí, hát như đọc, thậm chí không rõ nội dung câu đồng dao.

Trẻ em ở Việt Nam có rất nhiều trò chơi đồng dao có hát. Trẻ em ngoài Bắc có: nu na nu nống, dung dăng dung dẻ, thả đỉa ba ba, nhảy lò cò, cướp cờ, cướp cù, kéo cưa lừa xẻ, dệt vải, chuyền thẻ…

Trẻ em miền Nam có: cùm nụm cùm nịu, bắc kim thang, thìa la thìa lẩy, lặc cò cò, mèo đuổi chuột, úp lá khoai, bành xô, gà mổ mối, dê mẹ tìm dê con, chùm rụm…

Ở các tỉnh Nam Trung Bộ có: chuyền dép, lộn cầu vồng, giã chày một, đúc nậm đúc nị, ù à ù ập, tập tầm vông, gọi nghé, vuốt hạt nổ, đúc cây dừa, đúc cây bông, con chim se sẻ, u tù, vè con nít, chào ông rắn đi đâu, bắc chưng thang…

Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc ví dụ vài cách chơi.

Chuyền dép

Trò chơi được tác giả ghi âm lại tại Khổng Miếu (Hội An, tháng 5/1977). Lời bài đồng dao: “Nào cùng chuyền chiếc dép, anh em ta chuyền chuyền cho đều, chuyền cho nhanh, chuyền cho khéo, nếu không, nếu không thì mời anh ra”...

Cách chơi là một đám trẻ ngồi chồm hổm vòng tròn, trên tay trẻ là một chiếc dép, vừa hát theo phách vừa chuyền chiếc dép cho nhau theo một chiều.

Tới câu “nếu không, nếu không”, chiếc dép được chuyền qua chuyền lại hai lần, ai không bắt kịp chiếc dép sẽ bị loại ra. Cứ thế cuộc chơi cho tới người cuối cùng. Cuộc chơi rộn ràng, vui vẻ, người thắng là người còn lại cuối cùng (không phải ra).

Vuốt hạt nổ

Đây là trò chơi thịnh hành dành cho các em từ 6 đến 10 tuổi. Trò chơi nhẹ nhàng, uyển chuyển bởi đôi tay từng cặp một, vỗ vào nhau, rồi lại vỗ vào tay mình, thể hiện cái chân chất, tự nhiên, trong sáng của tình bạn, say sưa miệng đọc có ngữ điệu hoặc hát bài đồng dao. Không gian không cầu kỳ, có thể góc sân, ngoài ngõ, vùng đất trống, sân đình dưới ánh trăng.

Năm 2000, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Hồng (Đà Nẵng) đã cùng tác giả bài viết này phối hợp VTV tại Đà Nẵng thực hiện phim Cùng hát - cùng chơi (giới thiệu trò chơi Vuốt hạt nổ), được phát sóng nhiều lần trên VTV3.

Hai em đứng quay mặt vào nhau. Hai bàn tay chắp vào nhau phía trước ngực, vừa hát vừa đập hai bàn tay mình vào nhau một lần lại đập chéo một bàn tay mình vào bàn tay bạn (tức bàn tay trái mình vào bàn tay trái bạn, bàn tay phải mình vào bàn tay phải bạn).

Mở đầu: Xướng vuốt – hai bàn tay tự đập vào nhau. Xướng tiếp: Hạt nổ - giơ bàn tay phải mình đập trúng vào bàn tay phải bạn. Xướng đổ - hai tay lại tự đập vào nhau. Xướng tiếp: Bánh bèo – giơ bàn tay trái mình đập trúng vào bàn tay trái bạn. Và cứ thế cho đến khi cùng xướng đến hết bài.

Có thể chơi tiếp với lời đồng dao khác: “Nồi tròn vung méo. Cái kéo thợ may. Cái cày làm ruộng. Cái phảng phát bờ. Cái lờ thả cá. Cái ná bắn chim. Cái kim may áo. Cái giáo đi săn. Cái khăn bịt trốc. Cái nốc đi buôn. Cái khuôn đúc bánh. Cái ve rót rượu”. Cách đập tay cứ càng lúc càng nhanh, ai không theo kịp hoặc đánh nhầm tay là thua. Việc đánh tay phải ăn khớp với lời hát.

Ù à ù ập

Số người chơi từ 6 đến 8 trẻ. Lấy một cái cột làm chuẩn, gọi là “Cột đùng”. Một trẻ làm “cái” ngửa bàn tay ra cho các trẻ khác đặt ngón trỏ vào (không được rút lên, rụt xuống).

Hồn nhiên. ảnh: HÀ NGUYỄN

Trẻ làm “cái” hát hết lời bài đồng dao, đến từ “ập” thì nắm tay lại. Ai không rụt tay kịp thì phải bịt mắt cho các bạn đi trốn. Các bạn đi trốn hết, trẻ tìm mở mắt ra đi tìm các bạn, vừa đi tìm vừa hát bài trên.

Những trẻ đi trốn, tìm cách chạy mau về cột chuẩn, không để cho trẻ đi tìm bắt được, chạy được về đến cột chuẩn, tay ôm cột nói một tiếng “Đùng”. Trẻ đi tìm, nếu không bắt được ai thì phải tiếp tục nhắm mắt để chơi lại.

Dung dăng dung dẻ

Lời bài đồng dao: “Dung dăng dung dẻ. Dắt trẻ đi chơi. Đến ngõ nhà trời. Lạy cậu lạy mợ. Cho cháu về quê. Cho dê đi học. Cho cóc ở nhà. Cho gà bới bếp. Cơm nếp thổi xôi. Nhà tôi nấu chè. Xì xà xì xụp. Ngồi thụp xuống đây”.

Cách chơi là trẻ nắm tay nhau thành từng đôi một, hoặc thành hàng ngang 4- 5 trẻ, vừa đi vừa hát. Khi hát hoặc đọc tiếng “dung” thì vung tay về phía trước, tiếng “dăng” thì vung tay về phía sau, tiếp tục như vậy cho đến câu cuối cùng thì ngồi thụp xuống. Sau đó đứng dậy hát lại từ đầu và chơi tiếp.

Chi chi chành chành

Cần một khoảng rộng, có những nơi dễ ẩn nấp cho các em. Nhiều em cùng chơi Khảo cái: Để chọn em phải bịt mắt và đi tìm các em đi trốn. Một em lớn tuổi tập hợp các em thích chơi đứng quây thành vòng tròn, giơ bàn tay phải để ngửa cho mỗi em đặt vào lòng bàn tay này ngón tay trỏ của bàn tay phải mình, còn chính em thì đặt vào ngón trỏ bàn tay trái.

Em trưởng trò xướng lên bài: “Chi chi chành chành. Con đanh thổi lửa. Con ngựa chết trương. Ba vương ngũ đế. Chấp chế đi tìm. Ù… à… ù… ập”. Khi đến câu cuối ù à ù ập, em có thể kéo dài khoảng cách giữa các tiếng lâu mau tùy ý, để gây bất ngờ cho các em khác khi đến tiếng “ập”. Vì khi xướng tiếng “ập” cuối bài, em nắm chặt ngay bàn tay phải của mình lại và các em phải chú ý nhanh chóng rút ngón tay mình về.

Em nào có ngón tay bị bàn tay trưởng trò nắm lại sẽ phải bịt mắt đi tìm. Nếu chưa nắm được ai thì lại làm lại. Trò chơi này thường diễn ra trong một nhà nào đấy để có thể giao hẹn nhau phạm vi mọi người đi trốn.

TRỊNH TUẤN KHANH

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/van-hoa/tro-choi-dong-dao-nam-trung-bo-153575.html