Trịnh Tiến Toàn - Nụ cười mang dáng hình trái tim

Vượt qua mặc cảm với 'nụ cười không tròn trịa' (hở hàm ếch), anh Trịnh Tiến Toàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Hà Nam đã vươn làm giàu từ trang trại gà, cùng với đó là hành trình 8 năm đi làm thiện nguyện giúp đỡ những thanh niên cùng cảnh ngộ.

Từ cậu bé nhút nhát không dám cười...

Chúng tôi về thăm trang trại gà của anh Trịnh Tiến Toàn vào dịp đầu năm 2023. Công việc của anh đã bắt đầu bận rộn khi hơn 45 nghìn con gà giống vừa mới nhập chuồng. Anh Toàn cho biết, một năm anh nuôi 4 lứa gà, mỗi lứa khoảng 45 nghìn con và dự kiến sẽ tăng lên 60 nghìn con/lứa trong năm tới. Lợi nhuận trung bình một năm đạt khoảng 300 triệu đồng.

 Anh Trịnh Tiến Toàn làm giàu từ trang trại gà.

Anh Trịnh Tiến Toàn làm giàu từ trang trại gà.

Để có được quả ngọt như hôm nay, anh Toàn đã phải vượt qua rất nhiều mặc cảm, thử thách và đã từng có lúc anh nghĩ đến chuyện buông xuôi tất cả. Trịnh Tiến Toàn sinh năm 1990 tại xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam). Ngay khi lọt lòng, bà Phạm Thị Thức, mẹ Toàn đã rất buồn khi thấy con bé nhỏ, teo tóp và bị hở hàm ếch.

Ngồi trước hiên nhà, bà Phạm Thị Thức bần thần nhớ lại: “Bác sĩ nói hở hàm ếch có thể phẫu thuật được nhưng cần nhiều chi phí, gia đình tôi thì nghèo nên không thể cho cháu đi phẫu thuật được, đành chấp nhận số phận”.

Toàn hồn nhiên cho đến tuổi đi học. Toàn thường bị bạn bè bắt chước kiểu nói, dáng mồm khiến anh rất tự ti và sợ đến lớp. Thậm chí, những giao tiếp thường ngày với người thân, Toàn cũng thường nghiêng mặt xuống và chẳng dám cười.

Thời gian thấm thoát, Toàn học hết phổ thông rồi trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, ước mơ trở thành một thầy giáo môn thể dục. Ước mơ ấy đang dần đẹp lên thì bỗng vỡ vụn khi Toàn không thể xin được việc làm cho dù tốt nghiệp loại Khá.

Để mưu sinh, Toàn lao vào đời bằng muôn vàn công việc nặng nhọc như phụ hồ, bán kem, làm may, làm công ty giấy… Việc nào Toàn cũng toàn tâm toàn lực miễn sao có được đồng tiền lo cho bản thân và gia đình.

Sau đó, Toàn chuyển sang làm việc tại một công ty viễn thông, một lĩnh vực yêu cầu sức khỏe tốt. Cho dù sức khỏe kém, cân nặng chỉ chênh vênh mức 45kg nhưng Toàn đã đáp ứng được công việc vào gắn bó cho đến nay. Từ những đồng lương kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, sự tự ti dần bị xóa bỏ, nụ cười đã bắt đầu tươi nở một cách tự nhiên trên đôi môi khiếm khuyết của Toàn.

... đến bắt gà đẻ trứng “vàng”

Tuy công việc tại công ty ổn định nhưng trong Trịnh Tiến Toàn luôn ấp ủ ý chí làm giàu trên mảnh đất của quê hương. Bởi trong quá trình tham gia sinh hoạt hội người khuyết tật, Toàn được tiếp xúc với rất nhiều anh chị khuyết tật nặng, họ vẫn có thể khởi nghiệp, làm giàu được, điều quan trọng nhất với họ là ý chí. Hơn nữa, Toàn tâm niệm rằng: “Mình có kinh tế thì mới giúp được nhiều người khác”.

Nói là làm. Cuối năm 2017, Toàn đã đi tìm thuê đất để chăn nuôi, xây dựng trang trại gà. Đầu năm 2018, bằng số tiền tiết kiệm, Toàn xây dựng hệ thống trang trại và nhập 4 nghìn con gà giống nuôi lứa đầu tiên.

Nhờ sự chăm chỉ và tích cực học hỏi kỹ thuật nuôi gà trên internet, 4 nghìn con gà lớn nhanh như thổi, tỷ lệ gà xuất chuồng cao và được giá ổn định. Tiếp đà thành công, năm sau Toàn đã mở rộng lứa gà lên 15 nghìn con, rồi 30 nghìn con trong năm tiếp theo. Đặc biệt, để bảo đảm đầu ra đầu vào và nguồn thức ăn, Toàn đã kết hợp với Công ty chăn nuôi JAPFA Việt Nam nên việc làm ăn càng ngày càng thêm ổn định.

Năm 2021, đại dịch Covid-19 ập đến nhưng bằng sự nhanh nhẹn và năng động, Toàn vẫn “bạo gan” vay ngân hàng chính sách 80 triệu đồng mở rộng quy mô sản xuất lên tới 45 nghìn con/lứa. Mỗi năm 4 lứa, trung bình Toàn đưa ra thị trường 180 nghìn con gà thịt.

Đến nay, kinh tế gia đình Toàn không những thoát nghèo mà còn thuộc diện khấm khá ở xã và mô hình trang trại nuôi gà khép kín của Toàn được nhiều thanh niên trong huyện đến tham quan, học tập.

Không những làm giàu cho bản thân, Toàn còn tạo công ăn việc làm cho 6 lao động địa phương với mức lương tối thiểu 7 triệu đồng/tháng và khoảng 10 lao động thời vụ. Trong đó có 3 lao động là người khuyết tật còn được anh Toàn hỗ trợ chỗ ăn ở và lương hằng tháng 5 triệu đồng.

Anh Phạm Văn Hùng là người khuyết tật và đang làm việc tại trang trại gà của Toàn chia sẻ: "Trước đây tôi không có việc làm ổn định và luôn cảm thấy mình như người thừa trong xã hội. Từ ngày Toàn mời tôi về trang trại làm tôi đã có công việc và thu nhập ổn định, cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều".

Nụ cười không khuyết

Ẩn sau vẻ bề ngoài rụt rè là một trái tim ấm nóng, khát khao cống hiến của Toàn. Trong thời gian đi làm công ty, Toàn mong muốn được sinh hoạt trong tổ chức người khuyết tật để vừa giúp mình, vừa giúp người.

Năm 2015, Toàn tham gia vào Hội Người khuyết tật huyện Thanh Liêm và được tín nhiệm gia phụ trách quỹ của Hội. Ngay lập tức, Toàn đã vận động được 36 người khuyết tật tham gia vào Hội và đề xuất với UBND huyện thành lập Hội Người khuyết tật xã Thanh Hương, Toàn tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Thanh Hương.

Nhận thấy trên địa bàn huyện chưa có CLB Thanh niên khuyết tật, năm 2021 Toàn cùng anh chị em lại tiếp tục vận động được 38 thanh niên trong tỉnh thành lập CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Hà Nam. Toàn được bầu làm Phó chủ nhiệm, đến năm 2020 Toàn được giao trọng trách Chủ nhiệm CLB cho đến nay.

 Anh Trịnh Tiến Toàn tặng quà người khuyết tật. Ảnh: NVCC

Anh Trịnh Tiến Toàn tặng quà người khuyết tật. Ảnh: NVCC

Công việc làm kinh tế vất vả, bộn bề nhưng Toàn luôn thu xếp gọn gàng để tham gia công tác xã hội, quan tâm đến đời sống của hội viên. Từ khi được thành lập, CLB đã vận động và tổ chức được nhiều dự án hoạt động ý nghĩa như: CLB đã kết nối với dự án DHF (Đan Mạch) và được hỗ trợ kinh phí 22 triệu đồng cho việc thành lập CLB thanh niên khuyết tật và tạo quỹ, phục vụ cho các hoạt động của CLB.

Ngay sau khi được thành lập, CLB đã vận động được 10 chiếc xe lăn và trao tặng cho hội viên. Các dịp lễ tết, ngày kỷ niệm, CLB đều vận động được hàng chục suất quà an sinh để tặng người khuyết tật. Như dịp Tết Quý Mão, CLB đã vận động được 38 suất quà tặng người khuyết tật với trị giá 10 triệu đồng. Bản thân Toàn cũng thường xuyên trích tiền cá nhân đóng góp vào quỹ để không người khuyết tật nào bị bỏ lại phía sau.

Để có thêm sinh kế cho hội viên, anh Toàn đã đi đến nhiều doanh nghiệp để khảo sát, tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật như lái xe ba gác, nghề đan lát… kết quả, đã có một số hội viên có việc làm ổn định như anh Tâm, anh Hùng…

Thấu hiểu sự khiếm khuyết về thân hình của người khuyết tật còn ảnh hưởng đến tâm lý ngại hòa nhập cộng đồng, nên mỗi lần đi vận động hội viên Toàn đều kiên trì, linh hoạt và chân thành để họ tự tin hòa nhập. Đến nay, CLB Thanh niên khuyết tật Hà Nam đã có tới 68 hội viên.

Toàn chia sẻ: “Là người khuyết tật, hầu hết ai cũng có tâm lý tự ti, ngại giao tiếp. Nhưng cứ ẩn mình mãi trong chiếc kén chỉ càng làm bản thân thêm nhút nhát và không thể tìm kiếm được việc làm. Nên CLB chủ trương vận động đông đảo người khuyết tật tham gia CLB để cùng nhau chia sẻ, hỗ trợ, kết nối việc làm, giúp anh em tự tin hòa nhập, tạo ra giá trị cho bản thân và cộng đồng”.

Anh Trần Quang Dũng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh Hà Nam nhận xét: "Toàn là tấm gương thanh niên khuyết tật vươn lên số phận điển hình của tỉnh Hà Nam. Tuy thể trạng không tốt và tự ti về nụ cười nhưng Toàn rất chăm chỉ học tập, lao động và làm giàu từ trang trại gà, tạo công ăn việc làm cho một số thanh niên khuyết tật trong tỉnh. Ngoài ra, với vai trò Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Hà Nam, Phó chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Thanh Liêm, Toàn rất năng nổ, nhiệt tình trong công tác người khuyết tật, khởi xướng nhiều hoạt động thiện nguyện, chăm lo đến đời sống hội viên và không ngừng tích cực vận động người khuyết tật trên địa bản tỉnh tham gia vào Hội".

Bài và ảnh: TRẦN THỊ THÚY VÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-14/trinh-tien-toan-nu-cuoi-mang-dang-hinh-trai-tim-726613