Trình Quốc hội đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào chương trình lập pháp

Tiếp tục Phiên họp sáng nay, 12.5, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Pháp luật báo cáo đầy đủ ý kiến tại phiên họp, nêu rõ các ý kiến còn băn khoăn về nội dung dự án Luật để báo cáo Quốc hội cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Xác lập cơ chế thực hiện quy định tại Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015

Trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) cho biết, hồ sơ dự án Luật này là sản phẩm của quá trình nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 22, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội, ý kiến góp ý của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, các Bộ, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt, hồ sơ Luật Chuyển đổi giới tính đã kế thừa cơ bản các nội dung của hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế nghiên cứu từ năm 2016 đến nay và được tiếp thu, chỉnh lý theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đối với một nội dung thì không có nhiều chủ thể trình và bảo đảm sử dụng, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực trong xây dựng pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Về căn cứ chính trị để xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí dẫn chứng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”; Kết luận số 19-KL/TW ngày 14.10.2021 của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ QH Khóa XV đã xác định nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng pháp luật về chuyển đổi giới tính để đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022-2024.

Căn cứ pháp lý bao gồm: Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân”; “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”; “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Đặc biệt, Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã quy định “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật. Ảnh: Lâm Hiển

Trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất với sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính nhằm xác lập cơ chế thực hiện quy định tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của một nhóm đối tượng trong xã hội về thực hiện chuyển đổi giới tính để được công nhận và sống với đúng giới của mình. Việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật này cũng là nhiệm vụ lập pháp được xác định trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5.11.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội .

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết thêm, theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH, Chính phủ được giao nghiên cứu, xây dựng dự án Luật điều chỉnh về chuyển đổi giới tính. Chính phủ cũng đã hoàn thành việc nghiên cứu và có Báo cáo số 265/BC-CP ngày 9.8.2022 về kết quả nghiên cứu, trong đó đề xuất xây dựng Luật này nhưng Chính phủ chưa lập đề nghị xây dựng Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Mặt khác, trong giai đoạn hiện nay, ngành y tế đang tập trung nguồn lực nghiên cứu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số luật có yêu cầu cấp bách hơn như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Dược, Luật Dân số, Luật Phòng bệnh... Do đó, việc đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề xuất xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính là sự chia sẻ trách nhiệm với ngành y tế vì công việc chung và thực hiện quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị xây dựng dự án Luật. Ảnh: Lâm Hiển

Tại Văn bản số 209/CP-PL ngày 11.5.2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng khẳng định “nhất trí với sự cần thiết xây dựng và sớm trình ban hành Luật Chuyển đổi giới tính và hoàn toàn ủng hộ sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội”, “ủng hộ việc giao đại biểu Quốc hội xây dựng, trình Quốc hội Luật về chuyển đổi giới tính. Chính phủ sẽ cùng đồng hành, giao các Bộ liên quan hỗ trợ Đại biểu Quốc hội thực hiện”.

Làm rõ cơ sở thực tiễn xây dựng dự án luật

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện sáng kiến lập pháp. Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, đại biểu Quốc hội cần làm rõ thêm về cơ sở thực tiễn xây dựng dự án luật, bởi lẽ ngay trong Tờ trình số 35 ngày 25.4.2023 có nêu chưa có nghiên cứu khảo sát một cách toàn diện, đầy đủ về người chuyển giới. Các thông tin được đại biểu Quốc hội viện dẫn chủ yếu theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội môi trường thì đã bảo đảm tính chính thức, khách quan, chính xác của các số liệu hay chưa?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng đề nghị đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bảo đảm chất lượng tốt nhất, có tính thuyết phục cao khi trình Quốc hội.

Về nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lưu ý, cần phân định rõ việc chuyển đổi giới tính theo quy định của Điều 37 của Bộ luật Dân sự với việc xác định lại giới tính theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật Dân sự. Nếu được Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình lập pháp, trong quá trình soạn thảo, đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu, tham vấn ý kiến của chuyên gia y tế, chuyên gia pháp luật, đánh giá tác động kỹ lưỡng một số nội dung như: quy định cụ thể hơn về mức độ can thiệp y học, điều kiện để được can thiệp y học; làm rõ sự cần thiết quy định tuổi thực hiện can thiệp y học; rà soát hệ thống pháp luật, dự kiến các văn bản, nội dung phải sửa đổi, bổ sung để triển khai thi hành luật; đặc biệt là nội dung có tính chất đặc thù để áp dụng đối với người chuyển đổi giới tính như tuổi nghỉ hưu, chế độ thai sản, chế độ lao động, thời giờ làm việc…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cam kết, Văn phòng Quốc hội cùng các cơ quan hữu quan sẽ hỗ trợ tối đa để đại biểu Quốc hội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự án luật, nếu đại biểu có yêu cầu.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định hoan nghênh, đánh giá cao đại biểu Quốc hội đã rất khẩn trương, tích cực, nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 22. Đa số ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này đồng ý trình Quốc hội đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Pháp luật báo cáo đầy đủ ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nêu rõ các ý kiến còn băn khoăn về nội dung dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến. Nếu Quốc hội đồng ý, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín.

H. Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/trinh-quoc-hoi-dua-du-an-luat-chuyen-doi-gioi-tinh-vao-chuong-trinh-lap-phap-i327787/