Trịnh Hoài Đức công thần nhiều công đức: Bài cuối: Bảo tồn, phát huy giá trị quần thể lăng mộ Trịnh Hoài Đức

Quần thể mộ gia tộc lớn nhất ở TP.Biên Hòa hiện hữu là của Đại học sĩ triều Minh Mạng Trịnh Hoài Đức (1765-1825) và quyến thuộc được nhân dân tôn kính gọi là “Lăng Ông”. Lăng Ông thuộc làng Bình Trước, Q.Châu Thành (nay thuộc KP.3, P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) là nơi yên nghỉ của danh nhân Trịnh Hoài Đức và gia quyến (bài vị được thờ ở chùa Minh Hương Gia Thạnh - Chợ Lớn).

Mô hình dự án Bảo tồn, tôn tạo lăng mộ Trịnh Hoài Đức ở TP.Biên Hòa

Mô hình dự án Bảo tồn, tôn tạo lăng mộ Trịnh Hoài Đức ở TP.Biên Hòa

* Quần thể lăng mộ Trịnh gia

Toàn bộ khu mộ họ Trịnh nằm trên khu đất rộng trên 3ha, hiện còn lưu giữ “tại chỗ” (in situ) 12 mộ xây cất bằng đá ong, tô vôi hợp chất cổ thuộc các kiểu thức đơn táng (6 mộ) và song táng (3 mộ), với một số bia mộ còn chất liệu và trang trí nguyên thủy, chưa hoặc ít bị tô vẽ đời sau như ở nhiều di sản mộ cổ Nam bộ khác.

Mộ Trịnh Hoài Đức và phu nhân (ĐN-BH-PTD-MHC1a-b): Mộ phần ông bà Trịnh Hoài Đức hướng Nam (chếch tây 37°) nằm trên mảnh đất rộng 140m², xây bằng đá ong tô vôi hợp chất, bình đồ chữ nhật (13x10m) có vòng thành bao quanh (cao 145cm, dày 70cm), bình phong tiền (340x60cm, cao 200cm) có mặt tiền gắn biển giới thiệu tiểu sử, thân thế, sự nghiệp Trịnh Hoài Đức, mặt sau đắp nổi đồ án long mã trong cảnh vân mây và sóng nước.

Cửa lăng trấn 2 cặp trụ búp sen khắc câu đối Nho. Hậu chẩm trang trí bài phú giữa và cặp đầu rồng. 2 mui luyện hình voi phục sóng đôi trên nền chữ nhật cao 35cm, với bệ thờ chân quỳ.

Bia mộ ông bằng đá tuf-fezit (100x55cm) trang trí biểu tượng âm dương và hồi văn, khắc: “Hoàng Việt. Hiệp biện Đại học sĩ, tặng đặc tiến vinh lộc đại phu, Hữu trụ quốc Thiếu bảo cần chánh điện Đại học sĩ Trịnh công chi mộ. Ất Dậu, trọng Đông nguyệt cát nhật. Hiếu tử Hàn lâm viện Biện tu Trình Xuyên tử Trịnh Thiên Nhiên lập thạch” (Mộ Hữu trụ Quốc Thiếu bảo cần chánh điện Hiệp biện Đại học sĩ Trịnh Công, nước Hoàng Việt, Con có hiếu Hàn lâm viện Biện tu Trình Xuyên tử Trịnh Thiên Nhiên lập bia, ngày lành tháng 11 năm Ất Dậu) (1825).

Ngoài 9 mộ Trịnh gia trong quy hoạch hiện biết, ở ngoại vi Biên Hùng, chúng tôi còn ghi nhận 2 mộ hợp chất cổ (thuộc KP.2 và KP.3, P.Trung Dũng) rất có khả năng cùng chung dòng tộc này (mặt mộ đều hướng Nam lệch Tây 20-30º).

- Mộ ĐN-BH-PTD-KP2-MHC10, hướng Nam chếch Tây 200 (N10057’04’’- E106049’27’’), cách hồ Biên Hùng khoảng 200m về hướng Tây và cách mộ Trịnh Hoài Đức khoảng 300m về phía Tây Bắc, còn phần nấm (273x110cm) thiết kế giật cấp cao 12cm và hậu chẩm. Bia mộ, tường bao, các trụ búp sen, chữ kim, bình phong tiền bị phá bỏ.

- Mộ ĐN-BH-PTD-KP3-MHC11, hướng Nam lệch Tây 30° (N10°57’14”- E106°49’20”), hiện còn mui luyện dạng “ngưu miên” gắn bàn thờ (330 x 260cm), bia sa thạch nâu sẫm (33 x 64cm) còn sót chữ: “…chi… lập” (之…立).

Riêng ngôi mộ có tên gọi dân gian là Biên Hùng (ĐN-BH-PTD-BH-MHC) cách mộ song táng ông bà Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức khoảng 50m về phía Nam đã bị đào mất dương phần, được Đỗ Đình Truật và Bảo tàng Đồng Nai khai quật năm 1993, bóc bề mặt hợp chất (vôi, cát, mật mía, ít than hoạt tính) quy mô 5x6m = 30m² với kim tĩnh (220 x 120cm, sâu 50cm) nằm hướng Bắc - Nam, chỉ còn ít tóc trắng, than tro và 2 miếng kim loại tròn (đường kính 2,5-3cm). Ở quanh mộ còn thấy 1 tiền đồng hình bàn tay khắc: “Đại Gia bảo” (大嘉寶). Theo Đỗ Đình Truật, đây có thể là dạng “mộ yểm” bảo vệ khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức ở phía Nam (?) (Nguyễn Hồng Ân, 2000).

Kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, dự án Bảo tồn, tôn tạo lăng mộ Trịnh Hoài Đức được khởi công (theo kế hoạch của UBNDTP.Biên Hòa) sẽ có ý nghĩa rất quan trọng để hoàn thành công trình và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức (1825-2025) - một danh nhân đất Trấn Biên xưa, là công thần thuộc hàng đầu của triều Nguyễn.

* Bảo tồn, phát huy giá trị di tích

Xứ sở Biên Hòa - Đồng Nai đã sinh ra Trịnh Hoài Đức - một danh tướng, Thượng thư của 4 bộ triều Nguyễn (Hộ, Lễ, Lại, Binh), một nhà thơ, một nhà văn, một nhà sử học đại tài. Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức đã trở về với dân dã, nơi ông sinh ra và trải qua thời thơ ấu là học trò Sùng Đức Võ Tiên sinh với ngôi mộ đơn sơ xây bằng đá ong. Tuy nhiên, sự nổi tiếng của ông đã được Trường Viễn Đông Bác cổ xếp mộ Trịnh Hoài Đức là di tích quý giá vào năm 1938. Ngày 27-12-1990, Bộ Văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch (nay là Bộ VH-TTDL) xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia (Quyết định số 1539-QĐ).

Trải qua gần 200 năm, mặc dù đã được nhiều lần tu bổ, nhưng thực tế hiện nay khu di tích lăng mộ Trịnh Hoài Đức đã và đang trong tình trạng xuống cấp. Một số khu mộ của Trịnh gia bị xâm chiếm sử dụng vào mục đích khác. Vì thế chủ trương tôn tạo xây dựng khu lăng mộ là việc làm cần thiết và rất cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Từ thực tiễn ấy, ngày 12-2-2009, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 343/QĐ-UBND duyệt Dự án đầu tư xây dựng Bảo tồn tôn tạo khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức. Mục tiêu đầu tư nhằm tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa và giáo dục thế hệ hiện nay và mai sau tinh thần yêu quê hương đất nước, biết kính trọng và tự hào về lịch sử, văn hóa truyền thống các thế hệ ông cha, nhất là trong thời kỳ mở cõi.

Ngày 14-12-2010, Ban Quản lý dự án thuộc UBND TP.Biên Hòa có Quyết định số 429/QĐ-QLDA duyệt thiết kế bản vẽ thi công - Dự toán công trình: Bảo tồn tôn tạo khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức, tuy nhiên, đến nay công trình Bảo tồn tôn tạo khu lăng mộ Trịnh Hoài Đức do UBND TP.Biên Hòa làm chủ đầu tư vẫn chưa thể tiến hành thi công do giải phóng mặt bằng chưa thể thực hiện.

Ngày 20-7-2023, HĐND TP.Biên Hòa ban hành Nghị quyết số 78/NQ-HĐND phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, nhóm C trên địa bàn thành phố, trong đó có dự án Bảo tồn, tôn tạo lăng mộ Trịnh Hoài Đức với các hạng mục nhà thờ chính, cổng tam quan, chòi nghỉ, nhà bia, cổng hàng rào, nhà vệ sinh, san nền, cây xanh, sân đường nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện và chống sét nhà thờ chính. Tổng mức đầu tư là 170.246.499.000 đồng (trong đó chi phí xây lắp 17.046.032.000 đồng, chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư 133.410.476.000 đồng).

Do tính chất quan trọng và ý nghĩa lịch sử văn hóa của quần thể lăng mộ Trịnh gia, nên việc điều chỉnh dự án theo hướng bảo tồn tại chỗ các ngôi mộ cổ là cần thiết và phù hợp với Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25-12-2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3-3-2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng của Chính phủ và hồ sơ bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích.

Kỳ vọng một công trình trùng tu, tôn tạo di tích cấp quốc gia với những hạng mục thật ý nghĩa: Một quần thể mộ Trịnh gia được tôn tạo, phục dựng chu đáo, khoa học; một nhà bia đề danh tác giả Gia Định thành thông chí; một nhà thờ chính thờ danh nhân để nhân dân Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung có thể thắp hương tưởng nhớ, tri ân công đức của Đại học sĩ và từ công trình văn hóa ấy các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau mãi ghi nhớ và học theo tấm gương vì dân, vì nước của các bậc tiền nhân.

TS Nguyễn Hồng Ân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/trinh-hoai-duc-cong-than-nhieu-cong-duc-bai-cuoi-bao-ton-phat-huy-gia-tri-quan-the-lang-mo-trinh-hoai-duc-527437f/