Triệu phú Mỹ mất con vì sự trả thù man rợ của khách hàng

Khi một triệu phú Mỹ từ chối hoàn tiền cọc căn hộ cho một khách hàng, ông không thể ngờ sự việc sẽ dẫn tới cái chết của con trai ông.

Jesus Portela, một người Mỹ gốc Cuba, đã gây dựng một đế chế bất động sản thành công ở thành phố Miami, bang Florida sau khi nhập cư vào Mỹ năm 1962. Mario Portela, con trai ông, gia nhập bộ phận kinh doanh của công ty sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1984.

Ngày 7/8/1984, một phụ nữ và hai nam giới tới văn phòng kinh doanh bất động sản của Jesus Portela để hỏi giá căn hộ chung cư của công ty. Khi đó có Mario, chú của anh và một người nữa làm việc ở văn phòng.

Khi Mario bước ra ngoài văn phòng bất ngờ bị nhóm khách hàng 3 người tấn công, khống chế đưa lên ôtô rồi phóng đi mất. Chú của Mario chỉ kịp nhìn 3 số cuối trong biển số của chiếc xe Chevrolet màu xanh dương và xám mà bọn bắt cóc sử dụng.

Yêu cầu tiền chuộc mạng 3 triệu USD

Khi cảnh sát biết tin về vụ bắt cóc Mario, họ nhận định nhóm bắt cóc muốn tiền chuộc. Nhóm bắt cóc không để lại vân tay hay bất kỳ thứ gì tại hiện trường vụ án.

 Kẻ gọi điện thoại tới triệu phú Jesus Portela luôn thực hiện cuộc gọi ở buồng điện thoại công cộng. Ảnh: LA Times.

Kẻ gọi điện thoại tới triệu phú Jesus Portela luôn thực hiện cuộc gọi ở buồng điện thoại công cộng. Ảnh: LA Times.

Chưa tới một giờ sau vụ bắt cóc, điện thoại ở bàn làm việc của triệu phú Jesus Portela reo. Người gọi nói tiếng Tây Ban Nha, tuyên bố anh ta là thành viên của một tổ chức khủng bố.

Người gọi điện nói rằng nếu Jesus muốn con trai trở về, ông phải nộp khoản tiền chuộc 3 triệu USD và không báo tin cho cảnh sát hay FBI.

Một cảnh sát trong nhóm điều tra nhận ra chất giọng của người Colombia sau khi nghe nội dung cuộc gọi điện thoại. Khi Jesus yêu cầu nói chuyện với con trai, tên bắt cóc nói sẽ gọi điện thoại tới nhà riêng của ông sau 3 ngày. Cảnh sát cử hai nhà điều tra túc trực ở nhà riêng của Jesus để theo dõi các cuộc gọi của bọn bắt cóc.

Vì khoản tiền chuộc lên tới hàng triệu USD và tính chất nghiêm trọng của vụ việc, FBI đã vào cuộc. Đặc vụ FBI hỏi Jesus rằng ông có thể nhớ vụ tranh cãi nào trong thời gian gần vụ bắt cóc.

Vị doanh nhân chỉ nhớ đúng một vụ duy nhất cách đó 8 tháng, khi một nữ khách hàng có tên Rose DeParias cùng em trai bước vào văn phòng công ty và chất vấn ông về việc người hàng xóm mua căn hộ cùng diện tích với mức giá rẻ hơn. Jesus giải thích rằng một số khách hàng có thể mua căn hộ của ông với giá thấp hơn mức giá công ty bán vì họ vay tiền ngân hàng để mua và ngân hàng ưu đãi vốn cho họ. Rose đề nghị Jesus trả lại cô ta tiền đặt cọc căn hộ, nhưng ông từ chối. Người phụ nữ dọa rằng cô ta sẽ lấy lại khoản tiền cọc bằng mọi giá.

Vào thời điểm vụ bắt cóc xảy ra, Rose DeParias sống ở một bang khác, và cô ta cũng đưa ra chứng cứ ngoại phạm nên nhóm điều tra loại cô ta khỏi danh sách nghi phạm.

Trong lần gọi thứ hai tới nhà riêng của triệu phú Jesus, kẻ nói tiếng Tây Ban Nha cho ông nghe một đoạn ghi âm giọng nói của Mario. Chàng trai cầu xin cha nộp tiền chuộc mạng.

Theo hướng dẫn của FBI, Jesus yêu cầu nhóm bắt cóc trả lời vài câu hỏi để chứng minh con trai còn sống, chẳng hạn như tên con chó của gia đình, hay biệt danh của Mario khi còn nhỏ. Ông cũng nói với tên bắt cóc rằng ông đang huy động tiền mặt từ ngân hàng nhưng vẫn chưa có đủ 3 triệu USD.

Kẻ bắt cóc cung cấp những câu trả lời để chứng minh Mario còn sống trong lần gọi thứ ba, đồng thời tiếp tục đòi tiền chuộc. Jesus nói ông chỉ có 1 triệu USD vào lúc đó và đề nghị chúng chờ thêm vài ngày. Tuy nhiên, tên bắt cóc nói chúng chỉ cần 1 triệu USD và không muốn chờ thêm.

 Julita DeParias (phải) và Julio DeParias, hai người em của Rose DeParias, đã thuê xe Chevrolet liên quan tới vụ bắt cóc Mario Portela. Ảnh: LA Times.

Julita DeParias (phải) và Julio DeParias, hai người em của Rose DeParias, đã thuê xe Chevrolet liên quan tới vụ bắt cóc Mario Portela. Ảnh: LA Times.

Chúng yêu cầu Jesus tự lái xe, mang theo tiền tới một nhà hàng trong thành phố Miami và tới một buồng điện thoại công cộng ngay sát nhà hàng để chờ cuộc gọi của chúng. Jesus thực hiện theo chỉ dẫn của nhóm bắt cóc, song chúng không xuất hiện để lấy tiền. Sau sự việc đó, chúng không gọi điện thoại nữa.

Những cuộc điện thoại nhàm chán để tìm manh mối

Không còn manh mối từ những cuộc gọi của nhóm bắt cóc, cảnh sát và FBI buộc phải áp dụng một biện pháp tốn công và đơn điệu để tìm manh mối. Nhận định rằng rất có thể bọn bắt cóc thuê xe để tránh nguy cơ bị phát hiện từ biển số, họ gọi tới từng cơ sở thuê ôtô ở thành phố Miami để hỏi về những chiếc xe Chevrolet màu xanh dương và xám, với 3 số cuối trong biển số xe mà chú của Mario đã thấy.

Sau hàng nghìn cuộc gọi, họ đã gặp may. Một cơ sở cho thuê xe xác nhận họ đã cho thuê một xe Chevrolet với biển số xe bao gồm 3 số cuối giống 3 số cuối mà chú của Mario thấy. Ngày mà họ cho thuê xe là 7/8/1984, cũng là ngày vụ bắt cóc Mario diễn ra. Người thuê xe là Julita DeParias, em gái của Rose DeParias - người từng yêu cầu Jesus trả lại tiền cọc 8 tháng trước. Hôm đó, Julita đi tới cơ sở thuê xe cùng Julio DeParias, em trai của cô ta.

Khám xét chiếc xe, nhóm điều tra thấy chùm chìa khóa ôtô của Mario. Vật chứng ấy cho thấy chiếc xe chính là phương tiện bọn bắt cóc sử dụng để gây án.

Trong quá trình theo dõi gia đình DeParias, nhóm điều tra phát hiện một người đàn ông thường xuyên đi cùng Julita. Vì hai người có hành vi tình cảm, họ nhận định người đàn ông là nhân tình của Julita. Tên của người này là Jesse Ramirez.

Số phận bi thảm của nạn nhân

13 ngày sau khi vụ bắt cóc Mario Portela diễn ra, hai thiếu niên phát hiện thi thể chàng trai ở một khu vực hoang vắng thuộc thành phố Davey, bang Florida. Đó là cú sốc lớn đối với gia đình triệu phú Jesus Portela, cảnh sát thành phố Miami và FBI. Hung thủ đã đánh thanh niên 22 tuổi trước khi quấn băng dính quanh đầu anh khiến anh tử vong vì ngạt thở.

Sau khi giới truyền thông đưa tin về cái chết của Mario Portela, các nghi phạm Julita DeParias, Julio DeParias và Jesse Ramirez đồng loạt biến mất khỏi nơi cư trú. Cảnh sát thẩm vấn Rose DeParias và cô ta khai rằng rất có thể 3 nghi phạm tới thành phố Los Angeles, nơi cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha chiếm tỷ lệ khá lớn trong dân số.

 Jesse Ramirez, người tình của Julita DeParias, trực tiếp gây nên cái chết của nạn nhân Mario Portela. Ảnh: LA Times.

Jesse Ramirez, người tình của Julita DeParias, trực tiếp gây nên cái chết của nạn nhân Mario Portela. Ảnh: LA Times.

Lực lượng FBI ở Los Angeles nhanh chóng tới từng khách sạn, nhà trọ ở những khu vực mà cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha thường cư trú. Họ gặp may khi chủ của một nhà trọ bình dân xác nhận 4 người mới thuê phòng ở đó, và 3 người trong số họ có ngoại hình giống nhóm nghi phạm đang cư trú ở đó, nhưng họ rất hiếm khi về nhà.

Gần một tháng sau, vào ngày 24/9/1984, chủ nhà trọ gọi điện thoại tới các đặc vụ FBI, thông báo 3 kẻ khả nghi đã về khách sạn. Nhóm đặc vụ ập tới và bắt nhóm người. Họ chính là Julita DeParias, Hector DeParias (em trai của Julita và Julio) và Jesse Ramirez. Tuy nhiên, Julio DeParias đã không trở về nhà trọ và vô tình thoát khỏi sự truy bắt của lực lượng hành pháp.

Julita DeParias và Jesse Ramirez nhất quyết không khai, song Hector DeParias tỏ ra hối lỗi. Anh ta khai rằng bản thân không tham gia vụ bắt cóc Mario, nhưng sau khi giữ Mario trong một căn hộ, nhóm bắt cóc đã nhờ Hector canh chừng nạn nhân và hứa sẽ trả công 1.000 USD. Chúng đã hẹn triệu phú Jesus tới một nhà hàng để đưa tiền chuộc, nhưng chúng lại không dám tới để nhận tiền vì sợ sập bẫy của cảnh sát.

10 ngày sau vụ bắt cóc, Jesse Ramirez, Julio và Julita quyết định thủ tiêu Mario. Jesse Ramirez quấn băng dính quanh đầu Mario rồi cầm thanh sắt đánh liên tục vào đầu anh khiến nạn nhân bất động. Sau đó, chúng chở thi thể Mario tới khu vực hoang vắng ở thành phố Davey rồi đặt anh ở đó.

Căn cứ vào lời khai của Hector, cảnh sát tới căn hộ mà nhóm bắt cóc đã nhốt Mario. Họ thấy máu của nạn nhân trong căn hộ, băng dính mà chúng sử dụng để quấn quanh mặt anh, thanh kim loại mà Jesse dùng để đánh.

Với những bằng chứng trên, tòa án tuyên Julita DeParias và Jesse Ramirez án tù chung thân vì các tội bắt cóc, tra tấn, giết người, còn Hector DeParias lãnh án tù 40 năm.

Án chung thân của Jesse Ramirez khiến gia đình nạn nhân tức giận, vì bị cáo là người trực tiếp gây nên cái chết của Mario. Họ muốn người này phải lĩnh án tử hình. Mặc dù vậy, thẩm phán không thay đổi quyết định.

3 bị cáo đã lĩnh án, nhưng Julio DeParias vẫn chưa sa lưới, dù FBI đã yêu cầu các nước láng giếng giúp đỡ trong nỗ lực truy nã nhân vật này.

Đến tháng 11/1988, hải quan Costa Rica phát hiện Julio DeParias tại một sân bay nên đã bắt và báo tới giới chức Mỹ. Ngay lập tức, các đặc vụ FBI bay sang Costa Rica để đưa Julio về nước.

Khi Julio DeParias nói, cảnh sát nhận ra đây chính là giọng của kẻ thực hiện các cuộc gọi điện thoại tới triệu phú Jesus Portela. Bị cáo này cũng lĩnh án chung thân vì tội bắt cóc, tra tấn, giết người.

Kiến Văn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trieu-phu-my-mat-con-vi-su-tra-thu-man-ro-cua-khach-hang-post1303777.html