Triệu Phong triển khai các giải pháp phát triển kinh tế

Năm 2021, mặc dù chịu hậu quả thiên tai năm 2020 để lại khá nặng nề cùng với diễn biến phức tạp của COVID-19 kéo dài nhưng bằng sự lãnh đạo, điều hành khoa học, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực của người dân nên nền kinh tế huyện Triệu Phong tiếp tục phát triển mạnh, có 15/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo đó, sản xuất nông nghiệp được mùa toàn diện, thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay, đạt trên 150% dự toán tỉnh giao, gần 150% dự toán huyện giao. Tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 5.690,051 tỉ đồng, tăng 12,2% so với năm 2020. Hiện toàn huyện đã có 14/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 57 triệu đồng.

Người dân chăm sóc cây lạc - Ảnh: X.V

Để tiếp tục phát triển nền kinh tế trong năm 2022, huyện Triệu Phong đặt ra mục tiêu đạt tổng giá trị sản xuất các ngành tăng 13 - 14%, trong đó giá trị nông- lâm- thủy sản tăng 4 - 5%; công nghiệp - xây dựng tăng 16-17%; thương mại- dịch vụ tăng 15 - 16%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 63 - 65 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 1.978 tỉ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 493,993 tỉ đồng. Tạo việc làm mới cho 1.850 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 200 người. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,8%, trong đó lao động qua đào tạo nghề 48,4%. Giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%...

Để đạt được mục tiêu đó, huyện Triệu Phong tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa, đảm bảo an ninh lương thực. Từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp như lúa chất lượng cao, lúa canh tác tự nhiên, sản phẩm tôm nuôi nước mặn - lợ, sản phẩm cây có múi, cây dược liệu vùng gò đồi của huyện. Đồng thời chọn một số cánh đồng lớn có khả năng, điều kiện nước tưới, đặc biệt diện tích đã được khảo sát, quy hoạch năm 2021 để mở rộng sản xuất lúa hữu cơ, lúa Vietgap cũng như đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, huyện Triệu Phong tiếp tục phát triển đàn trâu, tăng quy mô đàn bò, đàn gia cầm và một số vật nuôi mới. Chú trọng phát triển chăn nuôi bò theo hướng thâm canh, kết hợp trồng cỏ, trồng ngô tạo nguồn thức ăn cho bò; đồng thời phát triển mô hình nuôi bò thịt từ tinh bò ngoại như 3B, Droughmaster, Charolais. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo vùng; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Đẩy mạnh tái đàn, phục hồi đàn lợn, khuyến khích đầu tư mô hình nuôi lợn công nghệ cao, nuôi lợn liên kết, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Nhân rộng, phát triển mô hình nuôi gà, lợn theo phương pháp canh tác tự nhiên, tạo sản phẩm mang thương hiệu gà sạch, lợn sạch Triệu Phong, nhất là các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ.

Trên lĩnh vực ngư nghiệp, huyện tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện dự án nuôi tôm 2 giai đoạn, áp dụng quy trình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, men vi sinh, hạn chế sử dụng kháng sinh nhằm xây dựng vùng nuôi tôm bền vững, tôm sạch, vùng tôm nguyên liệu. Để thực hiện tốt mục tiêu này, các địa phương phát huy tổ cộng đồng nuôi tôm để giám sát xử lý dịch bệnh, hỗ trợ nhau khâu chọn giống, vận hành cấp thoát nước, xử lý môi trường và phòng, chống dịch bệnh.

Trên cơ sở quy hoạch và chuyển đổi diện tích sang nuôi thủy sản, huyện Triệu Phong tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống ao hồ, cấp thoát nước đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chú trọng nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, sản lượng trên đơn vị diện tích. Khai thác và sử dụng hiệu quả diện tích hồ nước lớn, sông suối, hỗ trợ đầu tư phát triển hình thức nuôi lồng trên sông, hồ. Khuyến khích ngư dân đầu tư nâng cấp cải hoán tàu thuyền, đầu tư ngư lưới cụ vươn ra ngư trường xa bờ cũng như du nhập nghề mới phù hợp với ngư trường, đa dạng hóa nghề khai thác nhằm tăng thời gian đánh bắt trong năm, tăng năng suất, sản lượng và hải sản xuất khẩu. Khai thác gắn với bảo vệ môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản. Nghiêm cấm sử dụng phương tiện khai thác mang tính hủy diệt, thực hiện tốt Luật Thủy sản năm 2017.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, huyện Triệu Phong tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng gỗ lớn, mở rộng diện tích rừng đăng ký FSC, VFCS. Hỗ trợ kinh phí, khuyến khích những nơi có điều kiện chuyển đổi đất rừng sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, giám sát việc khai thác rừng trồng theo quy định của pháp luật, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng. Nâng cấp rừng phòng hộ ở những nơi xung yếu, có phương án chuyển đổi rừng phòng hộ kém hiệu quả sang rừng sản xuất, đất trồng trọt ở vùng cát, vùng biển để hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân.

Thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ hoạt động của HTX, trong đó khuyến khích phát triển dịch vụ mang tính thương mại như tín dụng nội bộ, liên kết tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ vật tư nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng hỗ trợ kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển. Trong năm 2022, huyện Triệu Phong phấn đấu xây dựng được 2 - 4 HTX kiểu mới để được công nhận HTX điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025.

Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện Triệu Phong đẩy mạnh phát triển công nghiệp- TTCN, thương mại- dịch vụ, du lịch. Theo đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của COVID-19, cải thiện môi trường đầu tư thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng tại Cụm công nghiệp Đông Ái Tử; phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp triển khai đầu tư tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, lập quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp Tây Triệu Phong. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các chợ, điểm kinh doanh thương mại, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh để phát triển kinh tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Xây dựng nhãn hiệu tập thể, cá nhân cho sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện. Triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng như duy trì, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia ISO 9001:2015 vào quản lý hành chính nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Xuân Vinh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=164416&title=trieu-phong-trien-khai-cac-giai-phap-phat-trien-kinh-te