Triệu Phong - miền quê anh hùng ngày càng đổi mới

Huyện Triệu Phong là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Nhân dân Triệu Phong có truyền thống yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, kiên cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, Triệu Phong càng tự hào hơn bởi nơi đây đã sinh thành, dưỡng dục nhiều bậc hiền tài, những người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc, tiêu biểu là Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Đoàn Khuê và nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước...

Thế hệ mầm non trên quê hương Đại tướng Đoàn Khuê, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong -Ảnh: P.V

Thế hệ mầm non trên quê hương Đại tướng Đoàn Khuê, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong -Ảnh: P.V

Phát huy truyền thống anh hùng, tự hào là quê hương của các bậc tiền bối cách mạng, là quê hương của Đại tướng Đoàn Khuê, quân và dân Triệu Phong luôn sắt son một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ, chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Từ cuối năm 1929, đầu năm 1930, Chi bộ Đảng An Tiêm, xã Triệu Thành và Chi bộ Đảng Tường Vân, xã Triệu An ở huyện Triệu Phong ra đời đánh dấu mốc quan trọng trong giai đoạn lịch sử của một địa phương vốn có truyền thống yêu nước kiên cường, bất khuất. Đây là 2 chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Trị được thành lập để lãnh đạo phong trào cách mạng. Triệu Phong còn là nơi thành lập Tỉnh ủy Quảng Trị lâm thời vào ngày 21/4/1930.

Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, với lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, bằng ý chí quyết tâm sắt đá, chấp nhận mọi sự hy sinh, gian khổ, Đảng bộ, quân và dân Triệu Phong đã làm nên những thắng lợi to lớn, những kỳ tích vang dội; với các chiến khu Chợ Cạn, Ba Lòng, Triệu Phong vừa là hậu phương lớn, vừa là tuyến đầu đánh giặc.

Hơn 20 năm chống Mỹ, cứu nước, đối mặt với những thủ đoạn chiến tranh đẫm máu của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước, Triệu Phong là chiến trường trực tiếp tiêu diệt địch với những tên làng, tên đất đã đi vào lịch sử như Ái Tử, Nhan Biều, Long Quang, Thạnh Hội, Cửa Việt ... Trong đổ nát hoang tàn bởi hàng ngàn tấn bom đạn mà quân thù chà đi xát lại, con người Triệu Phong luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng sâu sắc về ngày thắng lợi cuối cùng.

Sau ngày huyện Triệu Phong được giải phóng (29/4/1972), đứng trước bộn bề thử thách, nhưng với ý chí tự lực tự cường, đoàn kết vươn lên, Đảng bộ Triệu Phong đã lãnh đạo Nhân dân từng bước đẩy mạnh tăng gia sản xuất; phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, đoàn kết, đồng thuận, huy động tốt các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của huyện đạt trên 12%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 63,5 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 3,5%, hộ cận nghèo còn 3,9%, không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; các mô hình sản xuất lúa canh tác tự nhiên, hữu cơ, sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được áp dụng hiệu quả. Huyện đã tập trung xây dựng đưa vào khai thác các cụm công nghiệp, làng nghề; phát huy tốt tiềm năng, lợi thế và tạo môi trường thuận lợi để xúc tiến đầu tư; phát triển thương mại, dịch vụ.

Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân được nâng lên đáng kể. Sự nghiệp giáo dục, y tế, dân số đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các vấn đề xã hội được tập trung giải quyết có hiệu quả; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được chú trọng; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, điều hành của chính quyền các cấp có hiệu lực, hiệu quả; phòng chống hiệu quả những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường, quyền làm chủ của Nhân dân được phát huy.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, đồng bộ và đã đạt được kết quả quan trọng; bộ mặt nông thôn, đô thị ngày càng khởi sắc. Đến nay toàn huyện có 17/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2023.

BTV(tổng hợp)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/trieu-phong-mien-que-anh-hung-ngay-cang-doi-moi/180851.htm