Triệu Phong đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Hiện nay, huyện Triệu Phong đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệptiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN); chú trọng công tác quy hoạch phát triển CN-TTCN và chủ động điều chỉnh quy hoạch phù hợp với tình hình chung để phát triển CN-TTCN; tìm các giải pháp hữu hiệu để tiếp tục đẩy mạnh phát triển CN-TTCN đạt kết quả cao hơn, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện.

Sản xuất, chế biến gỗ rừng trồng tại Cụm công nghiệp Ái Tử - Ảnh: N.V

Theo đó, huyện Triệu Phong đã chú trọng triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án của tỉnh trên lĩnh vực CN-TTCN; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án số 829/ĐAUBND ngày 13/4/2018 về một số chính sách hỗ trợ phát triển CN-TTCN, thương mại-dịch vụ giai đoạn 2018-2021; Kế hoạch phát triển CN-TTCN giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 1859/QĐUBND ngày 27/12/2013 về việc phê duyệt kế hoạch củng cố, khôi phục và phát triển làng nghề, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020 trên địa bàn huyện Triệu Phong…

Bên cạnh đó, huyện Triệu Phong cũng đã chú trọng phát triển các ngành CNTTCN có khả năng cạnh tranh cao, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của huyện và phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn như chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí và các sản phẩm từ kim loại; ưu tiên thu hút các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn, công nghiệp sạch, có giá trị kinh tế lớn và đảm bảo môi trường… Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế của huyện Triệu Phong hiện đã chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng ngành CN-TTCN và thương mại- dịch vụ; giảm dần tỉ trọng ngành nông, lâm, thủy sản trong tổng giá trị sản xuất.

Đến nay, trên địa bàn huyện Triệu Phong có Cụm công nghiệp Ái Tử hiện thu hút 11 doanh nghiệp đầu tư; Cụm công nghiệp Đông Ái Tử có 20 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư với các ngành nghề như may mặc, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, gia công bề mặt ván, sản xuất thiết bị điện, khí công nghiệp, chế biến nông, lâm sản và dược liệu…; Điểm công nghiệp-làng nghề sản xuất bún Thượng Trạch, xã Triệu Sơn với diện tích 1 ha hiện đang duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, hiệu quả; Điểm công nghiệp-làng nghề sản xuất bún Linh Chiểu, xã Triệu Sơn với diện tích mặt bằng khoảng 2 ha để đưa 62 hộ sản xuất bún ở thôn Linh Chiểu vào sản xuất tập trung, hiện đã hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; Điểm công nghiệp-làng nghề chế biến mắm, ruốc xã Triệu Lăng có quy mô 5ha hiện đã hoàn thành quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và đang xúc tiến kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; Điểm công nghiệp - làng nghề thị trấn Ái Tử có quy mô dự kiến 1,8 ha… Ngoài ra, các ngành nghề truyền thống được huyện Triệu Phong duy trì và tăng trưởng; các cơ sở CN - TTCN ở các xã ngày càng được củng cố và phát triển; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các ngành nghề mới như chế biến dăm gỗ, nông sản, may mặc… đang phát triển ở nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện…

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Triệu Phong có 1.128 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN với các ngành nghề như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, chế biến thủy sản… thu hút 4.695 lao động…

Giám đốc Trung tâm Phát triển Cụm Công nghiệp và Khuyến công huyện Triệu Phong Đoàn Quang Luận cho biết, thời gian tới huyện Triệu Phong sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất CN-TTCN, thương mại-dịch vụ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện; duy trì và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người dân…

Huyện Triệu Phong cũng đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành CN-TTCN là 18-19%. Để đạt được mục tiêu đó, huyện sẽ ưu tiên phát triển các ngành CN-TTCN có lợi thế như công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may, công nghiệp phụ trợ, sản xuất vật liệu xây dựng…; đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Đông Ái Tử; từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng Điểm công nghiệp-làng nghề chế biến mắm, ruốc Triệu Lăng; triển khai quy hoạch và đầu tư xây dựng Điểm công nghiệp-làng nghề thị trấn Ái Tử; khai thác có hiệu quả Cụm công nghiệp Ái Tử, Cụm công nghiệp Đông Ái Tử, Điểm công nghiệp-làng nghề sản xuất bún Thượng Trạch, Điểm công nghiệp-làng nghề sản xuất bún Linh Chiểu (xã Triệu Sơn); hoàn thành quy hoạch chi tiết và triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Tây Triệu Phong và kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư vào các ngành nghề như: Chế biến mủ cao su, nông, lâm sản, cơ khí cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ khác…; tích cực phối hợp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, triển khai các dự án tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; chỉ đạo thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển CN - TTCN, thương mại-dịch vụ trên địa bàn huyện…

Bên cạnh đó, huyện Triệu Phong cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường hỗ trợ kinh phí khuyến công để khôi phục, phát triển ngành nghề truyền thống và du nhập ngành nghề mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại; huy động nguồn vốn từ các chương trình, dự án, vốn ngân sách tỉnh, huyện, vốn đấu giá quyền sử dụng đất, xã hội hóa… để xây dựng các cụm, điểm công nghiệp.

Hoàng Tiến Sỹ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=166581&title=day-manh-phat-trien-cong-nghiep--tieu-thu-cong-nghiep