Triển vọng lợi nhuận của các công ty chứng khoán cải thiện nhờ đâu?

Năm 2024, triển vọng của các công ty chứng khoán tiếp tục được cải thiện, nhờ lợi nhuận cho vay ký quỹ và đầu tư tăng trưởng trong điều kiện thị trường thuận lợi, cũng như chất lượng tài sản ổn định hơn nhờ tỷ lệ chậm trả gốc, lãi trái phiếu giảm dần.

Đây là nhận định của các chuyên gia VIS Rating đưa ra trong báo cáo Triển vọng ngành Chứng khoán vừa mới phát hành.

ROAA sẽ cải thiện 50 - 70 điểm cơ bản

Tiếp nối sự phục hồi lợi nhuận của các công ty chứng khoán (CTCK) năm 2023, các chuyên gia của VIS Rating kỳ vọng, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của ngành năm 2024 sẽ tiếp tục cải thiện tương đồng.

Khối lượng giao dịch chứng khoán tăng mạnh và tâm lý thị trường cải thiện trong bối cảnh lãi suất thấp sẽ thúc đẩy lợi nhuận cho vay ký quỹ và đầu tư công cụ có thu nhập cố định. Khi các CTCK mở rộng đầu tư và cho vay ký quỹ, tỷ lệ đòn bẩy và sự phụ thuộc vào vay ngắn hạn từ ngân hàng sẽ tăng dần, tuy nhiên rủi ro được giảm thiểu nhờ tăng huy động vốn mới.

Theo đó, ROAA của ngành sẽ cải thiện 50-70 điểm cơ bản so với năm trước, đạt mức 4,8% - 5,0% trong năm 2024, nhờ tăng trưởng lợi nhuận đầu tư công cụ có thu nhập cố định và cho vay ký quỹ, đặc biệt là các CTCK quy mô lớn.

Các công ty lớn thường đầu tư nhiều vào công cụ có thu nhập cố định và nhiều khả năng sẽ tăng cường hoạt động này khi tâm lý thị trường cải thiện. Nhờ nguồn vốn lớn và mạng lưới khách hàng rộng, các công ty lớn còn có nhiều lợi thế hơn trong việc mở rộng cho vay ký quỹ, đặc biệt khi hoạt động giao dịch chứng khoán gia tăng trong môi trường lãi suất thấp.

Ngoài ra, theo VIS Rating, kế hoạch của cơ quan quản lý để nâng cấp cơ sở hạ tầng giao dịch và bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ giúp thu hút nhà đầu tư mới theo thời gian.

“Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận từ hoạt động môi giới của các CTCK sẽ bị hạn chế bởi sự cạnh tranh gay gắt về phí, đặc biệt đối với các CTCK nước ngoài do biên lợi nhuận thấp hơn” - chuyên gia của VIS Rating cho hay.

Chất lượng tài sản sẽ dần ổn định

Báo cáo của VIS Rating cho biết thêm, chất lượng tài sản của các CTCK cũng sẽ dần ổn định khi tốc độ trái phiếu doanh nghiệp chậm trả gốc, hoặc lãi phát sinh mới chậm lại.

Tỷ lệ đòn bẩy các CTCK thuộc mức thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, “chúng tôi kỳ vọng rủi ro tài sản vẫn ở mức cao đối với một số công ty tập trung phân phối trái phiếu do việc gia tăng nắm giữ tài sản có rủi ro cao, bao gồm cổ phiếu chưa niêm yết và trái phiếu doanh nghiệp, khi tâm lý thị trường được cải thiện. Những tài sản này thường tập trung vào một vài khách hàng lớn và khiến CTCK phải đối mặt với các rủi ro sự kiện. Ngoài ra, khi các công ty đẩy mạnh hoạt động phân phối trái phiếu, họ có thể cam kết mua lại theo yêu cầu từ các nhà đầu tư nhiều hơn. Rủi ro cho vay ký quỹ vẫn được quản lý tốt nhờ giá trị tài sản đảm bảo lớn và sự phục hồi của giá cổ phiếu"”- chuyên gia của VIS Rating cho hay.

Cũng theo đơn vị này, đòn bẩy của các CTCK sẽ tăng lên để hỗ trợ việc mở rộng hoạt động cho vay ký quỹ và danh mục đầu tư, tuy nhiên rủi ro được giảm thiểu bằng các đợt tăng vốn gần đây.

“Các CTCK trong nước sẽ gia tăng các khoản vay nợ và huy động vốn mới để hỗ trợ tăng trưởng tài sản của họ. Nhìn chung, tỷ lệ đòn bẩy các CTCK thuộc mức thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC)” - VIS Rating cho biết thêm.

Ngoài ra, theo VIS Rating, nguồn vốn và thanh khoản sẽ vẫn ổn định mặc dù các CTCK huy động thêm vốn ngắn hạn. Cơ quan quản lý hiện đã cấm các CTCK huy động tiền từ khách hàng, vì vậy một số CTCK sẽ cần tìm kiếm nguồn vốn thị trường để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các công ty không có mối liên kết chặt chẽ với ngân hàng./.

Thái Duy

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trien-vong-loi-nhuan-cua-cac-cong-ty-chung-khoan-cai-thien-nho-dau-147001.html