Triển lãm tranh của cố họa sỹ Ngọc Thọ - 'về miền di sản của nghệ thuật hội họa'

Sau thành công của 2 cuộc triển lãm, dự kiến sẽ còn những triển lãm tiếp theo nhằm tôn vinh và lan tỏa nhiều hơn tên tuổi một người họa sĩ tài hoa, có nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà.

Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 1/2024, tại Thủ đô Hà Nội, 2 triển lãm tranh của cố họa sĩ Ngọc Thọ (tức Nguyễn Ngọc Thọ, 1925-2016) đã được tổ chức tại Không gian văn hóa Việt (16 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội), góp thêm một địa chỉ văn hóa-nghệ thuật phục vụ công chúng yêu mỹ thuật. Cả 2 cuộc triển lãm tranh này đều thu hút rất đông khách tham quan.

Họa sỹ Ngọc Thọ quê ở Bình Thuận. Ông là một trong 76 học viên của Khóa Tô Ngọc Vân (1955 – 1957) và học khóa Cao đẳng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, cũng một trong 3 người đầu tiên học chuyên ngành sơn mài. Tốt nghiệp ra trường, ông trở thành giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), gắn bó với nghiệp vẽ và nghề giáo cho đến lúc về hưu năm 1986.

Họa sỹ Ngọc Thọ được giới chuyên môn đánh giá cao bởi tài năng, cá tính và nghị lực. Đặc biệt, lối vẽ nét thảo sáng trên nền đỏ và đen của ông được nhiều người ca ngợi, bởi chỉ những họa sỹ vững nghề, có tư duy và kỹ năng đa dạng mới thể hiện được.

Tranh của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và nhiều bộ sưu tập tư nhân trong nước, quốc tế. Ông có nhiều tác phẩm được trao giải thưởng mỹ thuật như: sơn mài "Ngựa", sơn dầu "Hổ", sơn mài "Người con gái Việt Nam", sáng tác năm 1984, giải Nhất triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 1989; tranh sơn mài "Long Hổ" (1984), được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng Hội Mỹ thuật Ba Lan trong Triển lãm giao lưu văn hóa quốc tế 12 nước xã hội chủ nghĩa. Tác phẩm sơn mài "Ngóng đợi" (1984) của ông tham gia Triển lãm 12 nước xã hội chủ nghĩa năm 1984 tại Tiệp Khắc, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Ba Lan...

Đặc biệt, tác phẩm "Hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ của nhân dân ba miền Bắc, Trung, Nam", chất liệu đá dăm nhuộm sơn màu, công bố năm 1970 đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao tặng giải thưởng vì đóng góp cho công cuộc giải phóng đất nước, vào năm 1981; tác phẩm sơn mài "Rồng Thăng Long" được giải Diplôme do Cộng hòa Dân chủ Đức trao tặng tại Hội chợ Lepzic, Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô năm 1992…

Một số tác phẩm được triển lãm của họa sĩ Ngọc Thọ

Với những cống hiến cho đất nước và nghệ thuật, họa sỹ Nguyễn Ngọc Thọ đã được trao nhiều giải thưởng cao quý tại các triển lãm mỹ thuật trong nước và quốc tế. Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất…

Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày sinh của ông, họa sỹ Phạm Thị Yên Hòa - vợ cố họa sỹ Ngọc Thọ và các nhà sưu tập phối hợp tổ chức, giới thiệu tới công chúng 75 tác phẩm mỹ thuật với nhiều chất liệu.

Với lối biểu hiện chân thực, nhẹ nhàng, không khoa trương, cường điệu, Ngọc Thọ đã níu kéo và lưu giữ người xem bằng vẻ đẹp thơ ngây, trong sáng. Ông không hề quan tâm đến trường phái khi vẽ mà chỉ cốt nêu lên cái thần thái của nhân vật.

Về phong cách nghệ thuật, ông là số ít họa sỹ có sự thể nghiệm với nhiều chất liệu, thể loại khác nhau và chất liệu, thể loại nào cũng có tác phẩm thành công. Ông cũng là một trong những họa sỹ đi đầu trong việc thể nghiệm, sáng tạo từ chất liệu sơn ta để làm tranh sơn mài, đưa sơn mài thành một chất liệu hội họa nổi tiếng, mang đặc trưng nghệ thuật của hội họa dân tộc Việt Nam.

Triển lãm của cố họa sĩ được giới chuyên môn đánh giá cao

Với con mắt tinh đời của người sưu tập đồ cổ kết hợp với sự cảm thụ của một nghệ sĩ, họa sĩ Trần Đức Vinh cho biết, từ lúc còn đi học, ông đã sớm sưu tập tranh của bậc thầy Ngọc Thọ.

Còn nhà sưu tập Trần Cường cho biết, vốn là hàng xóm của họa sĩ Ngọc Thọ, ông và cha vợ, cũng là một nhà sưu tầm nghệ thuật, thường sang nhà ông ngắm tranh, rồi dần trở nên thân thiết. Khoảng năm 2012-2013, khi họa sĩ đã tuổi cao sức yếu, phải điều trị trong bệnh viện, vợ ông là họa sĩ Yên Hòa chia sẻ nhiều về tâm huyết của ông bà cũng như nỗi niềm, hoàn cảnh riêng tư. Chiêm ngưỡng, xúc động trước tác phẩm, đồng thời hiểu rõ họa sĩ điều trị rất tốn kém kinh phí, gia đình nhà sưu tập đã nhận sự chuyển nhượng từ gia đình họa sĩ.

Có thể khẳng định, đây là một bộ tranh khá đầy đủ, khẳng định rõ nét chân dung, cống hiến của cố họa sĩ Ngọc Thọ bằng mọi chất liệu, nhiều kích thước, qua nhiều giai đoạn gắn với sự thay đổi của đời sống, lịch sử, văn hóa của nước nhà.

Nhà sưu tập Trần Cường cũng bộc bạch, trước khi được gia đình họa sĩ chuyển nhượng, nhiều lần tới thăm họa sĩ đang nằm trên giường bệnh, lúc ông đã yếu, dù nghe được, nhưng không còn nói được, ông có đồng tình khi nhà sưu tập bày tỏ mong muốn vào thời điểm hợp lý sẽ phối hợp gia đình làm sách và tổ chức triển lãm cho họa sĩ.

Nhà sưu tập cũng cho biết, họa sĩ Ngọc Thọ được đào tạo chuyên nghiệp, tính tình cương trực và có uy tín trong nghề. Vừa là họa sĩ, vừa là nhà giáo, ông được giới chuyên môn đánh giá rất cao và tranh gần như không gửi bán ở Gallery. Với tình cảm, đam mê và tâm huyết, suốt nhiều năm qua, gia đình nhà sưu tập chưa từng bán một bức tranh nào của họa sĩ Ngọc Thọ. Các cuộc triển lãm vừa qua là dấu ấn về lời hứa giữa nhà sưu tập với họa sĩ.

Nhiều nhà chuyên môn đánh giá rằng, triển lãm tranh của Ngọc Thọ là một miền di sản về nghệ thuật hội họa nói chung và của bậc thầy Ngọc Thọ nói riêng. Theo dự định, sau triển lãm 75 bức tranh lần này, các nhà sưu tập sẽ tiếp tục in sách tranh và triển lãm hơn 100 tác phẩm còn lại nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của cố họa sĩ.

Thanh Hòa

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/ve-mien-di-san-cua-nghe-thuat-hoi-hoa-viet-nam_158425.html