Triển lãm 'Theo dấu chân Đại tướng' và khánh thành 'Không gian trải nghiệm số' giai đoạn 1

Sáng 13/3, Bảo tàng Nghệ An phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung tổ chức triển lãm: 'Theo dấu chân Đại tướng'; khánh thành giai đoạn 1 'Không gian trải nghiệm số'.

Tham dự buổi lễ có đồng chí: Lê Quốc Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung; bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các sở, ban, ngành; đông đảo cựu chiến binh, học sinh tỉnh Nghệ An.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung tặng hoa chúc mừng nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung và bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Phạm Bằng

Triển lãm được tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), 113 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911- 2024); 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024).

Kết nối giữa hình ảnh tư liệu và thơ nhằm tái hiện sinh động những dấu mốc của chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954). Chiến thắng Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn, nhà cách mạng kiên trung của Đảng, nhà quân sự thiên tài của dân tộc Việt Nam.

Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” gồm 92 tấm pa-nô với những bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Thông tấn xã Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trần Hồng cung cấp; cùng 110 bài thơ diễn ca của nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung, người có cơ duyên gặp gỡ, viết nhiều bài báo, nhiều bài thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hơn 20 năm qua với một sự tôn kính và tình cảm sâu sắc.

Triển lãm được thể hiện theo 3 chủ đề: “Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ”, “Vị tướng trong lòng dân” “Sáng mãi ngàn năm”. Phần 1 bao gồm các tác phẩm nhằm giới thiệu về toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từng đối sách chiến đấu, từng trận chiến giằng co trên chiến trường Điện Biên Phủ gắn với những địa danh huyền thoại như đồi A1, đồi C1, đồi E1, cánh đồng Mường Thanh, Hồng Cúm, đồi Độc lập, đồi Him Lam, hầm Đờ Cát…

Phần 2 giới thiệu những khoảnh khắc đời thường, dung dị về một vị tướng huyền thoại, một nhà quân sự lỗi lạc của Việt Nam. Đó là những phút giây bình dị an nhiên giữa đời thường hay những khoảnh khắc phiêu bồng của một tâm hồn nghệ sĩ, hoặc giản đơn là nụ cười ấm áp với những người thân trong cuộc sống thường nhật.

Phần 3 nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ghi nhớ những tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm sâu sắc của Đại tướng kính yêu đối với nhân dân.

Nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung giới thiệu các bài thơ, diễn ca về Đại tướng Võ Nguyên Giáp Ảnh: Phạm Bằng

Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung, tác giả của các tác phẩm trưng bày tại triển lãm chia sẻ: Bản thân bà là người đã có nhiều cơ duyên được gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và được Đại tướng kể nhiều câu chuyện về trong cuộc đời, sự nghiệp của người. Bởi vậy, bà đã biến những câu chuyện ấy thành những bài thơ, đồng thời trong những lần được gặp gỡ Đại tướng, chứng kiến cuộc sống đời thường của gia đình Đại tướng cũng là cảm hứng để tác giả viết nên những bài thơ này.

Đây là lần thứ sáu triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” được tổ chức. Để kiến thức lịch sử dễ được ghi nhớ, hình thức diễn ca, tức là diễn thành thơ là phương pháp rất ưu việt. Nếu đọc hết các bài thơ, sẽ tái hiện một cách khá đầy đủ các sự kiện lịch sử, diễn biến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 56 ngày đêm. Việc học sử qua thơ sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước đến các thế hệ mai sau”, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung chia sẻ tại triễn lãm.

Bằng sự kết nối giữa hình ảnh tư liệu và thơ, triển lãm đã tái hiện sinh động những dấu mốc của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cũng như cuộc sống đời thường của vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và tình cảm nhân dân dành cho Đại tướng.

Triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ biết trân trọng sự hy sinh của thế hệ cha anh, nuôi dưỡng, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng để xây dựng quê hương đất nước thêm giàu đẹp.

Là du khách đến tham quan triển lãm, anh Trần Minh Hùng (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) cảm thấy vô cùng xúc động khi đọc những tác phẩm thơ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là những tác phẩm tái hiện từ những chiến công của Đại tướng trong chiến dịch cho đến những khoảnh khắc đời thường, bữa cơm đạm bạc với gia đình. Tất cả đều được tác giả thể hiện bằng câu từ dung dị, đời thường nhưng mang lại rất giàu cảm xúc. Đây là triển lãm rất ý nghĩa trên quê hương Bác Hồ kính yêu, cho chúng tôi được ôn lại những năm tháng kháng chiến hào hùng của dân tộc.

Đồng chí Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Nghệ An, nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung cắt băng khánh thành giai đoạn 1 “Không gian trải nghiệm số” tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Đáp ứng thực tiễn phát triển và nhu cầu thưởng lãm giá trị lịch sử văn hóa

Cũng nhân dịp này, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An tổ chức khánh thành giai đoạn 1 “Không gian trải nghiệm số” tại Bảo tàng Nghệ An. Đây là hoạt động nhằm đáp ứng thực tiễn phát triển và nhu cầu thưởng lãm giá trị lịch sử văn hóa ngày càng cao của đông đảo công chúng, thực hiện Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2030.

“Không gian trải nghiệm số” gồm nhiều phần trưng bày thực tế như không gian trưng bày, nội dung thuyết minh được số hóa và truyền tải thông tin qua nhiều phương thức ứng dụng công nghệ như trưng bày ảo, tham quan tương tác 3D, thuyết minh tự động, tham quan qua kính thực tế ảo…

Năm 2023, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, ngành Văn hóa đã ưu tiên công tác chuyển đổi số trong hoạt động trưng bày của Bảo tàng Nghệ An. Đến nay, Bảo tàng Nghệ An đã hoàn thành một số sản phẩm văn hóa ứng dụng công nghệ số hiện đại hàng đầu và có chất lượng cao, là sự kết hợp của khoa học kỹ thuật với công nghệ tương tác và kỹ thuật ghi hình, số hóa 3D và nghiên cứu bảo tàng - lịch sử - văn hóa.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, tỉnh Nghệ An tham gia trải nghiệm “Không gian trải nghiệm số” tại Bảo tàng Nghệ An bằng phần mềm trình chiếu, tương tác hỏi đáp ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI. Ảnh: Phạm Bằng

Tại buổi lễ, các đại biểu đã được tham quan, trải nghiệm không gian trưng bày công nghệ số “Đất và người Nghệ An” với phần mềm trình chiếu, tương tác hỏi đáp ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI, phần mềm Timeline điện tử; trang thiết bị công nghệ 3D, 3D mapping; Thiết bị Kiosk tra cứu thông tin tương tác đa điểm; số hóa 3D các hiện vật...

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh, dự án không gian trải nghiệm số là tiền đề quan trọng để tạo thêm một kênh thông tin chính thống nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu lịch sử văn hóa đất và người tỉnh Nghệ An một cách hiệu quả đến du khách trong và ngoài nước, góp phần, lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa phong phú của Nghệ An.

Đồng thời, dự án đóng góp, thúc đẩy phát triển du lịch một cách bền vững. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ triển khai các hạng mục công nghệ trong giai đoạn tiếp theo, để hoàn thiện Dự án bảo tàng số, đưa Bảo tàng Nghệ An trở thành điểm đến giá trị, hấp dẫn của tỉnh Nghệ An.

Trần Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trien-lam-theo-dau-chan-dai-tuong-va-khanh-thanh-khong-gian-trai-nghiem-so-giai-doan-1-post287757.html