Triển lãm 'Những trường thị giác' của 3 họa sĩ trẻ tại Đà Lạt

'Những trường thị giác' - chương 1: Sinh cảnh là triển lãm nhóm của 3 nghệ sĩ trẻ Phan Thị Thanh Nhã, Phạm Xeen và Hà My sẽ khai mạc vào ngày 9/12 tại Đà Lạt.

Triển lãm trưng bày 35 tác phẩm được 3 nghệ sĩ sáng tác trong 3 tháng tại Đà Lạt, tập trung vào cách 3 xử lý và thể hiện những cự ly xa gần trong việc khai thác chủ đề cảnh quan và quần thể sinh vật Đà Lạt. Ban tổ chức hy vọng rằng, những khán giả đến xem triển lãm sẽ cảm nhận được những “sinh cảnh” theo những “trường thị giác” của riêng mình.

Phan Thị Thanh Nhã là một nhà Thực vật học và Họa sỹ Minh họa Thực vật. Xuất phát điểm là một nhà nghiên cứu khoa học, Thanh Nhã bước vào cộng đồng Thực vật họa từ năm 2021, sau một thời gian dài vẽ Minh họa Thực vật. Cô trợ giảng tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia HCM. Thanh Nhã là đại diện đầu tiên của Việt Nam được vinh danh trong Cuộc thi Minh họa Thực vật Quốc tế tại Giải thưởng Margaret Flockton năm 2023 ở Australia.

Phạm Xeen là một họa sỹ tốt nghiệp khoa Lụa tại trường Đại học Mỹ thuật Tp.HCM. Thực hành của anh xoay quanh những khung cảnh gần gũi, những quán xá khuyết đi bóng dáng con người. Đối với Xeen, việc sáng tác đồng nghĩa với việc giải tỏa cảm xúc và đón chào những góc nhìn thấu cảm. Triển lãm đầu tay “Ai/ Ở Đâu/ Khi Nào” (2023) của Phạm Xeen gây ấn tượng với quá trình khám phá kỹ thuật lụa ứng dụng trên sơn dầu của họa sỹ.

Hà My là một trong những họa sỹ hiếm hoi kiên trì theo đuổi phong cách Trung Quốc họa với thể loại Hoa Điểu họa, cô sử dụng kỹ thuật công bút để có thể truyền tải trọn vẹn vẻ đẹp của các sự vật tự nhiên.

Tác phẩm của Phạm Xeen.

Tác phẩm của Phạm Xeen.

"Trường thị giác" là toàn bộ khu vực có thể nhìn thấy khi mắt tập trung vào một điểm cố định duy nhất. Mỗi cá nhân sở hữu một trường thị giác và một quang phổ riêng, những gì từng người nhìn thấy là đặc trưng, và độc bản, kể cả khi họ đang quan sát cùng một vật thể. Chính đặc điểm này tạo nên sự đa dạng trong những tạo tác của mỗi nghệ sĩ.

Với Phạm Xeen, mọi thứ như được lọc qua một lớp sương mù, toàn bộ khung cảnh hiện ra từ từ, như trước khi ống kính máy ảnh được điều chỉnh về tiêu cự chuẩn, cảm giác về sự nhòe lúc này hiện diện rõ hơn bao giờ hết. Những vệt loang trên toan của Phạm Xeen là một không gian không xác định, mơ màng với những các kí ức phân mảnh. Những sinh hoạt, sinh cảnh lấp ló dưới những cơn mưa, vệt nắng. Xeen sử dụng những kỹ thuật trên lụa để vẽ với sơn dầu, tạo nên hiệu ứng mờ nhòe đặc trưng cho thực hành của anh.

Tác phẩm của Phan Thị Thanh Nhã.

Tác phẩm của Phan Thị Thanh Nhã.

Khi màn sương tan dần, cũng là lúc các sinh vật trở mình và hiện lên rõ nét. Có thể thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của những dàn cây leo, hoa dại xâm chiếm các bề mặt. Dàn cây rạng đông lấp lánh dưới ánh nắng sớm, bông súng bẽn lẽn san sát bên mặt hồ, khóm chuỗi ngọc óng ánh như tên gọi của chúng... Những mảng sáng và các đốm trắng tượng trưng cho những giọt sương sớm đã được Hà My lột tả vô cùng uyển chuyển, thanh thoát. Những chủ thể của My là chim muông và cây cỏ, hay còn được biết với tên gọi Hoa Điểu Họa trong Trung Quốc Họa, cô áp dụng những quy tắc trong Lục pháp luận để truyền tải các sự vật được tự nhiên nhất.

Tác phẩm của Hà My.

Tác phẩm của Hà My.

Với góc nhìn của một nhà thực vật học kiêm họa sĩ, ta đi vào những lớp bóc, tách và từng giai đoạn phát triển của mỗi loài cây. Phan Thị Thanh Nhã có một sự tỉ mẩn tới nghiêm khắc, khó có một loài cây nào lướt qua lại không lọt vào tầm quan sát của cô. Việc quan sát là một sự dẫn nhập, đưa từng cá thể lại gần với các sinh vật hơn, thị giác, dần già tới xúc giác, thính giác, khứu giác và vị giác, kết hợp lại thành một bữa tiệc đa giác quan. Việc quan sát không chỉ dừng lại ở góc nhìn, mà còn là sự phân tích chi tiết từng nhành cây, ngọn cỏ, là sự tìm hiểu sâu hơn bề mặt qua từng trang sách qua quá trình định danh loài.

Hà Phương/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/trien-lam-nhung-truong-thi-giac-cua-3-hoa-si-tre-tai-da-lat-post1062300.vov