Triển lãm 'Nét đan thanh'- Khi thư pháp kết hợp ánh sáng

Vẫn là các thể chữ truyền thống: Triện, Lệ, Khải, Hành, Thảo và một số lối viết khác, nhưng các tác phẩm thư pháp được giới thiệu tại triển lãm 'Nét đan thanh' dường như được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới với sắp đặt ánh sáng.

Triển lãm hội tụ 60 tác phẩm thư pháp của 15 tác giả- các nhà thư pháp tên tuổi như: Châu Hải Đường, Phạm Văn Ánh, Nguyễn Quang Duy, Nguyễn Văn Nguyên, Bùi Quang Tuấn… đang diễn ra tại Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám đến hết ngày 30/11.

Các tác giả tham gia triển lãm đều là những người gắn bó với Văn Miếu Quốc Tử Giám trong nhiều năm. Nhiều người trong số họ thuộc ban khảo tuyển lựa chọn người viết thư pháp tại Hồ Văn trong Hội chữ Xuân. Thư pháp là một trong những hoạt động không thể thiếu của Văn Miếu Quốc Tử Giám. Địa chỉ văn hóa này cũng là nơi hội tụ các nhà thư pháp, từ góc độ truyền thống cũng như trong các hoạt động triển lãm, trình diễn các tác phẩm.

Triển lãm Nét đan thanh với điểm nhấn là chiếc nón được xếp với các dải thư pháp dài ở giữa không gian triển lãm

Triển lãm Nét đan thanh với điểm nhấn là chiếc nón được xếp với các dải thư pháp dài ở giữa không gian triển lãm

Nhà thư pháp Nguyễn Quang Duy là tác giả hai tác phẩm: “Thiên hạ hưng vong trị loạn chi nguyên luận” (bài sớ của một vị thiền sư đời Lý, dâng lên vua Lý Thần Tông, can gián nhà vua làm những việc ích nước lợi dân) và “Nam ông mộng lục” (tác giả Hồ Nguyên Trừng, viết về tiểu sử Chu Văn An). Đối với anh, triển lãm “Nét đan thanh”có sự đan xen truyền thống và nghệ thuật sắp đặt hiện đại, mở ra hướng tiếp cận cởi mở hơn với công chúng. Người xem không cần phải biết chữ Hán mà thông qua nghệ thuật thị giác ánh sáng để có thể tiếp cận thư pháp theo hướng mở hơn. Riêng với những người biết chữ Hán, triển lãm này đã có những đột phá khi các nhà thư pháp sử dụng các thể thư pháp do cha ông ta sáng tạo ra. Ví dụ như thể thư pháp dưới thời Lê. Những tác phẩm chữ Hán đều viết lại các tác phẩm thơ, văn trung đại, khơi gợi tinh thần dân tộc trong mỗi chúng ta.

Dịch giả Châu Hải Đường có 4 bức thư pháp viết về 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông của Thái Thuận (thời nhà Lê), được viết theo thể chữ Lệ, mà ở đó người xem không chỉ cảm thấy thú vị với những nét chữ thanh thoát, khỏe khoắn mà còn được chính tác giả dịch nghĩa những câu thơ miêu tả cảnh đẹp bốn mùa đất nước, với hoa lựu đỏ, màu cỏ xanh như khói biếc, cây ngô đồng, hoa cúc, hoa mai…

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho biết: Trên nền di sản của Văn Miếu Quốc Tử Giám, nhóm làm việc đã thể hiện những tác phẩm thư pháp sáng tạo, kết hợp nghệ thuật và thiết kế, sắp đặt tác phẩm với ánh sáng, đã tạo ra nét mới trong triển lãm năm nay. Điều này dường như tạo cảm hứng, động lực cho các nhà thư pháp tiếp tục sáng tạo, tạo nên sinh khí mới trong đời sống thư pháp cũng như những sinh hoạt mới của Văn Miếu Quốc Tử Giám trong thời gian tới.

Nhà thư pháp Châu Hải Đường giới thiệu tác phẩm thư pháp viết về 4 mùa trong năm

Nhà thư pháp Châu Hải Đường giới thiệu tác phẩm thư pháp viết về 4 mùa trong năm

Xuân Như Vũ Xuân Tùng, giám tuyển triển lãm nhận định: những nét vẽ truyền thống được pha trộn những mảng mực, mảng màu mang sắc thái của nghệ thuật đương đại. Điểm nhấn là chiếc nón được xếp theo hình quạt với các dải giấy dài, đặt ở giữa không gian trưng bày gợi nhớ những gì thuộc về truyền thống Việt Nam. Tác phẩm nổi bật hơn nhờ sự sắp đặt về ánh sáng, gợi nhiều liên tưởng về truyền thống cũng như hiện tại, như một sự khẳng định những giá trị văn hóa của cha ông vẫn hiện diện trong đời sống hôm nay.

“Triển lãm “Nét đan thanh” là sự kết hợp cổ điển và hiện đại, quá khứ và đương đại. Hơi thở cuộc sống được đưa vào tác phẩm thư pháp, bằng nghệ thuật sắp đặt ánh sáng. Các tác phẩm kinh điển phải rất kinh điển, hiện đại cũng rất hiện đại. Phần hiện đại ở đây là sắp đặt, trưng bày. Trong nhiều năm gần đây phong trào thư pháp được quan tâm nhiều hơn. Điều đó có nghĩa là Hán Nôm cũng được gìn giữ, phát triển. Hán Nôm cũng như “chìa khóa” để mở ra kho tàng di sản của cha ông, nếu không cánh cửa quá khứ sẽ bị đóng lại. Thư Pháp làm cho Hán Nôm đến với mọi người thuận lợi hơn và ánh hào quang của quá khứ sẽ hiện ra rõ ràng hơn”- nhà thư pháp Xuân Như Vũ Xuân Tùng nói.

Phương Thúy/VOV6

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/trien-lam-net-dan-thanh-khi-thu-phap-ket-hop-anh-sang-post1059229.vov