Triển khai quyết liệt phòng chống dịch truyền nhiễm, tăng cường tiêm bù, vét cho trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ

Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai quyết liệt phòng chống dịch truyền nhiễm, tăng cường tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ; chịu trách nhiệm về đề xuất nhu cầu vaccine tiêm chủng mở rộng...

Một số bệnh có vaccine phòng bệnh đã có xu hướng tăng

Như Sức khỏe & Đời sống đã thông tin, chiều qua (10/4), Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh.

Tại hội nghị, các Cục, Vụ, Viện tuyến trung ương, đại diện một số Sở Y tế và nhiều tổ chức quốc tế đã chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động triển khai các biện pháp khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo an ninh y tế của quốc gia, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Qua các báo cáo của các đơn vị trong ngành y tế cùng các ý kiến tham luận tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuy nhiên tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nói chung vẫn luôn diễn biến khó lường, khó dự báo.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những cống hiến, nỗ lực, không ngại khó khăn vất vả của đội ngũ cán bộ phòng, chống dịch trong suốt thời gian qua; đồng thời bày tỏ mong muốn và tin tưởng đội ngũ cán bộ phòng, chống dịch sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh...

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong những năm qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em, một số bệnh có vaccine phòng bệnh đã có xu hướng tăng; Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao cùng với diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm.

Phải triển khai quyết liệt phòng chống dịch truyền nhiễm; tăng cường tổ chức tiêm bù, tiêm vét trong tiêm chủng mở rộng

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Để tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả công tác y tế dự phòng, đặc biệt là hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phốbố trí kinh phí triển khai bằng nguồn kinh phí địa phương; Trình HĐND ban hành định mức chi cho hoạt động y tế dự phòng để chủ động triển khai các hoạt động kịp thời, hiệu quả ngay từ những tháng đầu năm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị.

Đồng thời nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đơn vị trong chỉ đạo và triển khai công tác phòng chống dịch, chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Đốivới Sở Y tế các tỉnh, thành phốcần chủ động tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024, bố trí kinh phí cho công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch... "Hiện đã là tháng 4 và dịch bệnh còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, diễn biến khó lường, vì vậy đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phải triển khai quyết liệt việc phòng chống dịch truyền nhiễm"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan lưu ý.

Cùng đó, ngành y tế các địa phương phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động triển khai hiệu quả giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong, chú trọng bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao, có nguy cơ gia tăng số mắc (sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, sởi, ho gà...); Thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời...

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024 và triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tăng cường tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ là đối tượng tiêm chủng của năm 2023 chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Các điểm cầu tham gia hội nghị, thảo luận.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan lưu ý trong Nghị định 13 của Chính phủ ban hành tháng 2/2024 nêu rõ trách nhiệm của các cơ sở tiêm chủng ở địa phương cần căn cứ số lượng đối tượng tiêm chủng, thời gian và định mức sử dụng từng loại vaccine để lập dự kiến nhu cầu vaccine của cả năm gửi cơ quan được giao quản lý về tiêm chủng cấp huyện tổng hợp gửi Sở Y tế trước ngày 30/5 hằng năm để chỉ đạo việc cấp vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

"Như vậy tính đến thời điểm này, các địa phương còn hơn 1 tháng để tập hợp nhu cầu, trên cơ sở đó, Sở Y tế trình UBND cấp tỉnh phê duyệt, sau đó gửi về Bộ Y tế trước 30/6 để Bộ Y tế xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo. Đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố đặc biệt chú ý điều này và chịu trách nhiệm về đề xuất của mình. Trên cơ sở số lượng các địa phương đề xuất, Bộ Y tế dựa vào đó để mua vaccine, tránh tình trạng đề xuất thì ít nhưng lại phát sinh nhu cầu tăng"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Cùng đó, người đứng đầu ngành y tế đề nghị các Sở Y tế thực hiện rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực... phục vụ cho các hoạt động y tế dự phòng, nhất là đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.

Lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh

Đốivới Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, hỗ trợ kỹ thuật về xét nghiệm cho các đơn vị y tế địa phương.

"Tăng cường giám sát, hỗ trợ, nâng cao chất lượng và tỷ lệ tiêm chủng các loại vaccine, phòng, chống các bệnh có nguy cơ bùng phát hoặc có số tử vong cao (dại, sởi, bạch hầu...); phân tích, đánh giá, dự báo tình hình dịch bệnh"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW Phan Trọng Lân phát biểu tại hội nghị.

Cùng đó, các Viện phải tiếp tục nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, yếu tố nguy cơ, dự báo dịch của những bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh mới phát sinh, những yếu tố và quy luật phát triển của bệnh dịch mang tính đặc thù trong khu vực, các yếu tố đặc thù về dinh dưỡng, môi trường, an toàn thực phẩm để đề xuất các biện pháp phù hợp trong thời gian tới.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan yêu cầu Cục Y tế dự phòngđôn đốc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, cập nhật tình hình dịch trong nước và quốc tế, thường xuyên báo cáo, tham mưu các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp;

Tham mưu các giải pháp phòng, chống, chuẩn bị ứng phó với các bệnh có vaccine dự phòng, nhất là bệnh sởi; Tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. "Cục Y tế dự phòng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh ở địa phương trong thời gian sớm"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhắc.

Đốivới các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan yêu cầutổ chức triển khai các hoạt động theo chức năng và nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với các Viện, các đơn vị y tế địa phương giám sát, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các hoạt động tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh.

Đại diện các tổ chức quốc tế tham luận tại hội nghị.

Thái Bình/ Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trien-khai-quyet-liet-phong-chong-dich-truyen-nhiem-tang-cuong-tiem-bu-vet-cho-tre-chua-duoc-tiem-chung-day-du-169240411090209956.htm