Triển khai phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người có hiệu quả

Hàng năm, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (viết tắt Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh) đều triển khai công tác phòng, chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm buôn bán người. Đồng thời chỉ đạo Công an tỉnh mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1957 ngày 30/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em (viết tắt là Công ước ACTIP) trên địa bàn tỉnh.

Bộ đội Biên phòng phối hợp với Công an tuần tra, kiểm soát và phòng, chống các loại tội phạm khu vực biên giới huyện Tân Hồng

Bộ đội Biên phòng phối hợp với Công an tuần tra, kiểm soát và phòng, chống các loại tội phạm khu vực biên giới huyện Tân Hồng

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước ACTIP và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Theo đó, toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được 2.237 cuộc với hơn 100.000 lượt người dự; thực hiện 3 chương trình truyền hình trực tiếp với chủ đề “Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo mới” để tư vấn, hướng dẫn người dân về cách thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo đi làm việc ở Campuchia với mục đích mua bán người. Bên cạnh đó, duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình như “Tổ phụ nữ xây dựng gia đình không tội phạm và tệ nạn xã hội”, Câu lạc bộ “Phòng, chống mua bán người”... góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác của người dân trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người.

Thời gian qua, tỉnh chưa tiếp nhận, giải cứu trường hợp người Đồng Tháp bị mua bán sang các nước ASEAN trở về. Lực lượng chức năng tỉnh chỉ tiếp nhận 5 trường hợp do các ngành chức năng của Campuchia trao trả về Việt Nam (qua điều tra, xác minh không có dấu hiệu của tội phạm mua bán người) và hỗ trợ, giúp đỡ các trường hợp trở về gia đình, ổn định cuộc sống. Cụ thể: năm 2022, tỉnh tiếp nhận 4 người, trong đó 2 người có dấu hiệu bị lừa sang Campuchia “làm việc nhẹ lương cao” được Hội Khmer - Việt Nam tỉnh Prey Veng đưa về Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà; 1 người được Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville Campuchia giải cứu tại Công ty Lin Xing Group, tỉnh Preah Sihanouk - Vương quốc Campuchia (trong danh sách 54 trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp hoặc cư trú quá hạn) và 1 người bị lôi kéo sang Campuchia làm việc được giải cứu tại Công ty K99 Group.

Năm 2023, tỉnh tiếp nhận 1 người có dấu hiệu bị lừa sang Campuchia “làm việc nhẹ lương cao” được Ty Công an tỉnh Prey Veng trao trả qua cửa khẩu Thông Bình, huyện Tân Hồng. Tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh diễn biến ít phức tạp, chưa phát hiện các tổ chức, đường dây tội phạm mua bán người từ Việt Nam sang các nước ASEAN và ngược lại; chủ yếu chỉ tiếp nhận, xác minh một số trường hợp là công dân tỉnh Đồng Tháp có dấu hiệu nghi bị lừa đảo tuyển dụng lao động sang Campuchia “làm việc nhẹ lương cao”.

Trên cơ sở Công ước ACTIP, Biên bản thỏa thuận giữa 2 tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) và Prey Veng (Vương quốc Campuchia) đã ký kết hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng 3 huyện, thành phố biên giới (TP Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, huyện Tân Hồng) chủ động quan hệ, tiếp xúc với chính quyền, lực lượng vũ trang 3 huyện: Sa Đách, Tà Péc, Piềm Chô và các đồn, trạm của tỉnh Prey Veng đóng ở khu vực biên giới để phối hợp bảo vệ an ninh, trật tự, giải quyết các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn giữa người dân ở khu vực biên giới 2 tỉnh. Đồng thời cử nhiều lượt đoàn cán bộ sang các huyện biên giới tỉnh Prey Veng và tiếp nhiều Đoàn cán bộ của chính quyền, các lực lượng vũ trang tỉnh Prey Veng sang trao đổi tình hình, bàn biện pháp phối hợp bảo vệ an ninh biên giới. Định kỳ hoặc đột xuất, 2 bên luân phiên tổ chức họp liên tịch giữa chính quyền, lực lượng vũ trang xã, huyện, tỉnh giáp biên để trao đổi, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện những nội dung đã thỏa thuận, hợp tác về bảo vệ an ninh, trật tự khu vực biên giới.

Nhìn chung, các cấp, ngành và địa phương khu vực biên giới của tỉnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Công ước ACTIP và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung. Công tác hợp tác quốc tế, phối hợp giữa lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp (Việt Nam) và tỉnh Prey Veng (Vương quốc Campuchia) ngày càng chặt chẽ, tạo cơ sở pháp lý trong thực hiện quan hệ đối ngoại, nhất là việc phối hợp phòng, chống mua bán người và ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động của các loại tội phạm ở khu vực biên giới.

DŨNG CHINH

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/phap-luat/trien-khai-phong-ngua-dau-tranh-voi-toi-pham-mua-ban-nguoi-co-hieu-qua-117569.aspx