Triển khai mô hình điểm đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải

Thực hiện Đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030' (Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải), tại Trà Vinh, vụ Hè Thu 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai 2 mô hình điểm tại Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ) và Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo (xã Phước Hảo), huyện Châu Thành với diện tích tham gia 50 ha mỗi hợp tác xã.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (thứ 4 từ phải qua) tham quan cánh đồng lúa của Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo, huyện Châu Thành. Ảnh tư liệu: Thanh Hòa/TTXVN

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (thứ 4 từ phải qua) tham quan cánh đồng lúa của Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo, huyện Châu Thành. Ảnh tư liệu: Thanh Hòa/TTXVN

Đây là 2 trong 7 hợp tác xã ở 5 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Trà Vinh) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn làm mô hình thí điểm canh tác theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp để nhân rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình thí điểm tại 2 hợp tác xã này được thực hiện liên tiếp 3 vụ: Hè Thu 2024, Thu Đông 2024 và Đông Xuân 2024-2025.

Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài hiện có 94 thành viên, với tổng diện tích sản xuất 150 ha. Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo có 60 thành viên, với tổng diện tích sản xuất 650 ha. Đây là 2 hợp tác xã chuyên sản xuất lúa giống chất lượng cao, rất tiêu biểu ở Trà Vinh nhờ cung cách làm ăn mới, luôn đặt lợi ích của thành viên lên cao nhất. Ban Giám đốc hợp tác xã chú trọng việc thắt chặt liên kết sản xuất với các doanh nghiệp từ cung cấp vật tư đầu vào đến thị trường tiêu thụ đầu ra, từ đó giảm đáng kể chi phí sản xuất, lúa thương phẩm được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường nên lợi nhuận thành viên luôn cao hơn từ 30% trở lên so với trước khi tham gia hợp tác xã. Đặc biệt, 2 hợp tác xã này luôn đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành.

Ông Trần Văn Chung, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài cho biết, trước đó, khi được chọn tham gia mô hình, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, biết được thực hiện đề án này có thể bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu nên ông và nhiều thành viên mong muốn tham gia. Trong 2 ngày 20-21/5, thành viên 2 hợp tác xã tham gia Đề án được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập huấn đợt thứ 2, hướng dẫn quy trình sản xuất “1 phải + 5 giảm”, biện pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch, hạn chế nước ngập ruộng sau thu hoạch lúa, hướng dẫn phương pháp sạ cụm để giảm lượng giống gieo sạ dưới 70 kg/ha, giảm 30% lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; giảm 20% lượng lượng nước tưới so với canh tác truyền thống... Hợp tác xã cũng vừa xuống giống dứt điểm vụ lúa Hè Thu theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải, bên cạnh hiệu quả kinh tế là hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường, thông qua việc áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, giảm phân thuốc có nguồn gốc hóa học, giảm lượng giống gieo sạ sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ trồng lúa. Việc áp dụng quy trình canh tác bền vững, tổ chức lại sản xuất sẽ giúp ổn định giá bán lúa, dự kiến giá bán lúa sẽ tăng 10% so với canh tác truyền thống.

Đề án sẽ giúp người trồng lúa có thu nhập ổn định, với lợi nhuận đạt ít nhất 40% giá bán, chưa tính doanh thu từ việc bán rơm. Bên cạnh đó là giảm thiểu được rủi ro do thiên tai, dịch bệnh. Nông dân tham gia Đề án còn được tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ như chính sách bảo hiểm, tín dụng, quản lý đất lúa. Cùng với đó, chất lượng và uy tín của lúa gạo Việt Nam sẽ được nâng cao trên trường quốc tế, thể hiện tốt việc thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Đặc biệt, Đề án mang lại hiệu quả rất lớn về môi trường, thông qua việc áp dụng các quy trình canh tác bền vững, xử lý sau thu hoạch hiệu quả sẽ góp phần giảm phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa, không gây tác hại xấu đến môi trường

Tham gia Đề án, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo năm 2025 ở Trà Vinh dự kiến tăng 30%; trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%; đến năm 2030, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/11/2023. Mục tiêu của Đề án là hình thành được 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa.

Đồng thời, Đề án nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Đề án được thực hiện tại 12/13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (trừ tỉnh Bến Tre). Tại Trà Vinh, giai đoạn 1 (2024-2025), tỉnh tham gia Đề án với tổng diện tích 9.900 ha, giai đoạn 2 (2026-2030), nâng tổng diện tích lên 30.736 ha tại địa bàn 6 huyện sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang.

Thanh Hòa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/trien-khai-mo-hinh-diem-de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-giam-phat-thai-20240521104047506.htm