Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa 2024

Chiều 22/4, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất vụ mùa năm 2023, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Mùa năm 2024; sơ kết sản xuất vụ Đông xuân 2023-2024.

Các đại biểu dự hội nghị.

Vụ Mùa 2023, toàn tỉnh gieo trồng trên 36.700 ha cây hàng năm. Trong đó, diện tích lúa trên 31.100 ha, năng suất đạt 54,2 tạ/ha, tương đương vụ Mùa 2022. Đối với cây màu, cây ăn quả, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, nên phần lớn đều có năng suất cao hơn vụ Mùa 2022. Không chỉ được mùa, giá nhiều loại nông sản, đặc biệt là giá lúa tăng, giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Ngoài ra, điểm nổi bật trong vụ sản xuất này là Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tiếp tục triển khai kịp thời các dự án, chương trình phát triển sản xuất trọng điểm, đẩy mạnh cơ giới hóa theo Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Trong đó có chương trình sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị và áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến, sử dụng phân bón hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy (mạ khay, máy cấy), đã giảm được công lao động, sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tạo dòng sản phẩm sạch, hiệu quả cao hơn lúa sản xuất thường từ 10-15%, từng bước thay đổi tập quán canh tác của người dân, góp phần hình thành nền nông nghiệp bền vững.

Trong vụ Mùa 2024, mục tiêu chung của ngành Nông nghiệp vẫn là chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hàng hóa. Toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 34 nghìn ha cây trồng các loại, trong đó diện tích lúa khoảng 30 nghìn ha, còn lại là cây rau màu. Về cơ cấu trà lúa, bố trí trà Mùa sớm hợp lý để thu hoạch sớm, hạn chế thiệt hại do mưa bão, giải phóng đất làm vụ Đông. Bên cạnh đó, quy hoạch các vùng sản xuất trà Mùa muộn để phát triển các giống lúa đặc sản, chất lượng cao cho hiệu quả kinh tế cao. Dự kiến toàn tỉnh có 25% diện tích gieo cấy trà Mùa sớm, 60% trà Mùa trung và 15% trà Mùa muộn. Thời gian gieo cấy từ đầu tháng 6 đến muộn nhất là 25/7.

Trước tình trạng thiếu hụt lao động trong nông nghiệp, vụ sản xuất này, ngành Nông nghiệp sẽ cùng các địa phương đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; tăng cường xây dựng các mối liên kết bền vững từ cung cấp vật tư nông nghiệp - sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, góp phần hình thành nên các chuỗi giá trị nông sản, ổn định đầu ra để người dân yên tâm sản xuất, đặc biệt là đối với nông sản chất lượng cao, sản xuất theo hướng hữu cơ.

Về vụ Đông xuân 2023-2024, các địa phương đã tập trung gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, toàn tỉnh trồng được 45 nghìn ha cây các loại, trong đó cây lúa 39 nghìn ha. Tuy nhiên, do thời tiết đầu vụ diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại nên các trà lúa trong vụ có khả năng sinh trưởng chậm hơn so với vụ Đông xuân 2022-2023 từ 5-7 ngày. Đặc biệt, trong tháng 3, thời tiết âm u, mưa phùn, độ ẩm không khí cao, đêm và sáng có sương mù, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, phát triển, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá gây hại cục bộ trên các giống lúa nhiễm.

Để đảm bảo sản xuất an toàn, thắng lợi, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị trong thời gian tới các địa phương cần đảm bảo đủ nước trong ruộng để cây lúa làm đòng, trỗ bông, nuôi hạt thuận lợi. Theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng sinh vật hại để có biện pháp phòng, chống kịp thời, khi tới ngưỡng, không phun thuốc tràn lan; tăng cường diệt chuột, nhổ bỏ lúa cỏ. Khi lúa đông xuân chín cần tập trung thu hoạch sớm để gieo cấy lúa Mùa, tránh ảnh hưởng tiêu cực do thiên tai, bão lũ, đồng thời tạo quỹ đất để gieo trồng cây vụ Đông.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng thuộc Sở cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thi công, cải tạo các công trình thủy lợi.

Nguyễn Lựu-Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trien-khai-ke-hoach-san-xuat-vu-mua-2024/d20240422163351372.htm