Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2023

Ngày 31/8, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ Mùa năm 2023, tổng kết sản xuất vụ Đông năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông năm 2023.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Vụ Mùa 2023, toàn tỉnh đã gieo trồng được 35.392,4 ha cây trồng các loại, trong đó cây lúa là 31.157,2 ha. Về cơ cấu, trà Mùa sớm chiếm gần 30%, trà Mùa trung gần 60%, còn lại là trà Mùa muộn. Diện tích lúa cấy chiếm 46% tổng diện tích gieo cấy, tăng hơn 1.100 ha so với vụ Mùa năm trước. Diện tích lúa chất lượng cao sản xuất theo hướng hữu cơ là khoảng 857 ha.

Nhìn chung, vụ Mùa này thời tiết tương đối thuận lợi, mưa rải vụ nên lúa và các cây trồng khác đều sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên, các đối tượng sinh vật hại cây trồng phát sinh sớm với quy mô và mức độ gây hại cao hơn so với vụ Mùa 2022, đặc biệt là rầy và sâu cuốn lá nhỏ phát sinh không trùng nhau gây khó khăn cho công tác phòng trừ. Do vậy từ nay đến cuối vụ cần theo dõi chặt chẽ đồng ruộng, có hiện pháp chăm sóc, phòng trừ kịp thời.

Về sản xuất vụ Đông, do ảnh hưởng vì lúa Mùa thu hoạch muộn, mưa đầu vụ kéo dài nên diện tích vụ Đông 2022 giảm gần 300 ha so với vụ Đông 2021, chỉ còn 7.839,6 ha. Tuy nhiên, điều đáng mừng là sản xuất đã chuyển dịch theo hướng hàng hóa, chú trọng đầu tư thâm canh cây trồng có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng trồng tập trung, có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Điển hình như: Mô hình sản xuất rau an toàn và cây dược liệu gắn với tiêu thụ tại các xã Đồng Phong, Sơn Lai, Lạng Phong, huyện Nho Quan, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha; mô hình trồng dưa công nghệ cao ở Yên Mô, cho doanh thu khoảng 4 tỷ đồng/năm; mô hình trồng ngô ngọt, dược liệu ở Yên Khánh …

Tổng giá trị sản xuất vụ Đông năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 996,2 tỷ đồng, giá trị sản xuất bình quân ước đạt 127,07 triệu đồng/ha.

Vụ Đông 2023, ngành nông nghiệp xác định tiếp tục duy trì, phát triển với quy mô hợp lý, tập trung theo hướng thực chất, hiệu quả. Toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng khoảng 7.800 ha. Trong đó, cây trồng chính là ngô, lạc, khoai tây, khoai lang, bí, cà chua, dưa chuột và rau đậu các loại.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận nêu lên thực trạng, khó khăn về tình hình sâu bệnh vụ Mùa và đề xuất các giải pháp để phòng trừ, bảo vệ sản xuất.

Với sản xuất vụ Đông, để đảm bảo hiệu quả, ăn chắc, nhiều ý kiến cho rằng cần bố trí thời vụ, cơ cấu cây trồng hợp lý, lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật phù hợp với thực tế sản xuất, thay thế dần những giống cây trồng cũ nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản xuất; tăng cường năng lực tưới tiêu; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm...

Đặc biệt, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 Quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh để làm động lực thúc đẩy sản xuất.

Nguyễn Lựu - Minh Đường

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/trien-khai-ke-hoach-san-xuat-vu-dong-nam-2023/d20230831140140683.htm