Triển khai đề án một triệu hec-ta lúa chuyên canh chất lượng cao

Khu vực ĐBSCL có sản lượng lúa ổn định ở mức 24 -25 triệu tấn mỗi năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Trong khuôn khổ Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, sáng 12/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ phát động triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Lễ phát động được tổ chức tại ruộng nhà ông Nguyễn Văn Em, ngụ ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang (dọc theo đường Hùng Vương). Nghi thức phát động tại buổi lễ là 8 thúng lúa nảy mầm đặt cạnh 8 máy gieo sạ để 8 đại biểu đổ lúa mầm vào các máy gieo sạ, sau đó cho các máy gieo sạ chạy.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Anh Khang.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Anh Khang.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói rằng hôm nay giữa đất trời Hậu Giang tươi đẹp, hào sảng và giàu truyền thống, chúng ta đã bắt đầu hành trình trải nghiệm đầy cảm xúc trong chuỗi sự kiện thuộc Festival Lúa gạo quốc tế 2023 tại Hậu Giang với chủ đề “Gạo xanh- Sống lành”.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” được Đảng và Nhà nước xác định “là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. Trong đó, sản xuất lúa gạo là ngành sản xuất trọng điểm, không chỉ giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm quốc tế.

Việt Nam là một trong số các nước sản xuất lúa gạo và xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam đang được củng cố và nâng cao hơn bao giờ hết. Không chỉ từ những con số ấn tượng về sản lượng và giá trị xuất khẩu trong những năm gần đây, mà còn thể hiện ở những phản hồi tích cực của người tiêu dùng thế giới về Gạo Việt, hay gạo của chúng ta liên tiếp được vinh danh trên trường quốc tế…

“Đồng bằng sông Cửu Long luôn là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24 -25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng”, tư lệnh ngành nông nghiệp chia sẻ.

Tiếp lời phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng nông nghiệp cho rằng với nhiều lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu; người dân cần cù, có truyền thống sản xuất lúa nước lâu đời, cùng với sự mạnh dạn trong áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, ngành lúa gạo của Đồng bằng sông Cửu Long đã thu được nhiều thành công và góp phần khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thông qua dự án VnSAT, người dân trồng lúa tại đây đã bước đầu quen thuộc với các quy trình canh tác bền vững, hướng tới giảm phát thải, đã bước đầu đo đạc được lượng khí phát thải từ sản xuất lúa.

Trình diễn cơ giới hóa gieo sạ. Ảnh: Anh Khang.

Trình diễn cơ giới hóa gieo sạ. Ảnh: Anh Khang.

Theo Bộ trưởng nông nghiệp, trong bối cảnh ba chữ “biến” ngày càng tác động mạnh hơn đối với nông nghiệp, trong đó có ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới.

Yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Đó là chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phải tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải; đó là phải nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất.

Tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Như vậy, có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải “chuyển mình”.

Trước những chữ “biến” đó, chúng ta sẽ lựa chọn từ chối, chần chừ, hay chủ động thích ứng. Chính từ bối cảnh ấy, đề án “Phát triển bền vững một triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt, ban hành với mục tiêu hình thành được một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo. Đề án này cũng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Các thí điểm thành công tại miền Tây sẽ được mở rộng ra toàn quốc. Ảnh: Anh Khang.

Các thí điểm thành công tại miền Tây sẽ được mở rộng ra toàn quốc. Ảnh: Anh Khang.

Trong quá trình triển khai đề án, chúng ta sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như: chi trả tín chỉ các-bon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo... Các thí điểm thành công tại miền Tây sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam. Sự thay đổi nhận thức của người sản xuất và kinh doanh lúa gạo; hợp tác công - tư hiệu quả; và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như WB, IFC, ADB, IRRI… sẽ là chìa khóa thành công cho đề án.

“Từ những chính sách mới và đột phát đó, đề án hướng tới mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra sinh kế và định hướng phát triển bền vững cho người nông dân trồng lúa – là chủ thể, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thịnh vượng khởi đầu từ người trồng lúa, tôi tin tưởng rằng quá trình triển khai đề án này chính là từng nấc thang đưa người trồng lúa đến với sự thịnh vượng”, ông Lê Minh Hoan chia sẻ.

Kết thúc lễ phát động đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Ban Tổ chức đã cho trình diễn công nghệ cơ giới hóa sản xuất phân hữu cơ rơm, trình diễn cơ giới hóa gieo sạ và máy xới, 9 máy bay trình diễn máy bay nông nghiệp và mô hình lúa sạ cụm 20 ngày.

Duy Khang

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/trien-khai-de-an-mot-trieu-hec-ta-lua-chuyen-canh-chat-luong-cao-c2a65118.html