Triển khai Đề án 06 ở huyện Chương Mỹ, cần nhiều hỗ trợ từ Thành phố

Bằng nhiều cố gắng, đến nay việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tại địa bàn huyện Chương Mỹ đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Chuyển biến về nhận thức

Đến nay 100% cán bộ, công chức các cơ quan hành chính trên địa bàn huyện Chương Mỹ được bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số và được trang bị máy tính, các thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công việc. Hệ thống họp giao ban trực tuyến của Thành phố đã được triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn. 100% xã, thị trấn có hạ tầng băng rộng cáp quang; phổ cập mạng thông tin di động 4G đến 100% xã, thị trấn và 100% các thôn, tổ dân phố. Tỷ lệ thuê bao sử dụng dịch vụ di động có điện thoại thông minh đạt khoảng 81%; tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao cáp quang đạt khoảng 80,85%.

Mô hình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại thôn Trí Thủy, xã Thủy Xuân Tiên. Ảnh tư liệu

Thực hiện chi trả trợ cấp tháng 3/2024 cho 4.542 đối tượng chính sách thông qua tài khoản ngân hàng, với số tiền trên 7,4 tỷ đồng. Đến hết ngày 13/3, đã có 32/32 xã, thị trấn ban hành quyết định kiện toàn, đổi tên tổ chuyển đổi số cộng đồng đến từng thôn, tổ dân phố, với 207 tổ, 1.456 thành viên…

Khi được hỏi về “chuyện chuyển đổi số”, chị Nguyễn Thị Hoa (xã Hoàng Diệu) cho biết: "chỉ thông qua điện thoại, việc mua bán ở quê bây giờ cũng ít khi phải dùng tiền mặt, người dân chúng tôi thấy thế rất hay, rất tiện. Theo quan sát của chúng tôi, ngoài các siêu thị, một số chợ dân sinh như chợ xã Quảng Bị, chợ thị trấn Chúc Sơn, Xuân Mai… việc giao dịch mua bán của người dân thông qua việc quét mã QR ngày càng trở nên phổ biến. Thậm chí tại những quán ăn sáng – thay vì thanh toán tiền mặt, nhiều người đã dùng điện thoại quét mã QR để thanh toán tiền cho bát phở, bát bún giá chỉ vài ba chục ngàn đồng".

Vướng mắc cần tháo gỡ

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Hoàng Minh Hiến nhận xét, thời gian thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 gấp, chưa có trong tiền lệ, nên nhiều ban, ngành, đoàn thể vẫn còn bỡ ngỡ dẫn đến việc phối hợp chưa được đồng bộ giữa các bên dẫn đến tiến độ còn chậm. Cơ sở vật chất thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 còn hạn chế, chưa được triển khai đồng bộ, nhiều đơn vị còn sử dụng máy vi tính đã cũ, đã lạc hậu, thường xuyên hỏng hóc, chất lượng không đảm bảo. Đường truyền dữ liệu chậm, còn chưa đáp ứng được yêu cầu; hệ thống đường truyền thường xuyên lỗi, phần mềm còn xảy ra tình trạng lỗi tải file đính kèm tài liệu khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiếp nhận giải quyết hồ sơ…

Shẩm OCOP của huyện Chương Mỹ được hỗ trợ trên các sàn giao dịch điện tử. Ảnh tư liệu.

Theo ông Hoàng Minh Hiến, hiện nay huyện Chương Mỹ rất cần Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành tích hợp với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Trong đó cần Sở Tư pháp đôn đốc các sở, ngành trong việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06; cần Sở TT&TT tổ chức tập huấn chuyên sâu về công nghệ thông tin, cách cài đặt, sử dụng phần mềm tích hợp để thực hiện các dịch vụ trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, Sở Tài Chính cần hướng dẫn hoặc có cơ chế đặc thù để kịp thời thực hiện việc mua sắm các trang thiết bị nằm trong danh mục mua sắm tập trung.

“Vì việc này hiện đang vướng mắc về quy trình thực hiện, dẫn tới việc chậm muộn trong quá trình mua sắm. Đồng thời có hướng dẫn về chi kinh phí cho các hoạt động của Đề án 06 đối với cấp huyện, cấp xã…”- ông Hoàng Minh Hiến cho biết thêm.

Trần Thụ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trien-khai-de-an-06-o-huyen-chuong-my-can-nhieu-ho-tro-tu-thanh-pho.html