Triển khai các giải pháp tránh nhầm lẫn, gian lận trong khai báo hải quan

Sau khi thay đổi Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu, cơ quan hải quan đã phát hiện có tình trạng doanh nghiệp gian lận trong khai báo tên hàng, mã số để hưởng thuế suất thấp. Trước thực trạng này, cơ quan hải quan đang đề xuất một số giải pháp.

Công chức Hải quan Bắc Ninh hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục. Ảnh: Đỗ Quang

Công chức Hải quan Bắc Ninh hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục. Ảnh: Đỗ Quang

Phân tích, phân loại gặp nhiều khó khăn

Sau 5 năm rà soát, đàm phán, năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 29/ NQ-CP phê duyệt Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2022 (gọi tắt là Danh mục AHTN 2022). Danh mục AHTN 2022 được chi tiết ở cấp độ 8 số và dựa trên phiên bản HS 2022 của Hệ thống hài hòa mô tả và mã số hàng hóa của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Trên cơ sở Danh mục AHTN 2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 31/2022/ TT-BTC Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam 2022.

Thời gian qua, căn cứ Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các nghị định biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN, FTA) và phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các quyết định về thuế nhập khẩu bổ sung, các Danh mục quản lý chuyên ngành, Danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất được…

Mỗi lần ban hành danh mục mới, Tổng cục Hải quan đều có các văn bản hướng dẫn, nhấn mạnh các trường hợp có thay đổi về phân loại, các trường hợp theo phiên bản cũ… Đồng thời triển khai nhiều chương trình tập huấn cho cán bộ hải quan cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN) về nghiệp vụ phân loại và cập nhật các thay đổi. Đặc biệt hướng dẫn rất kỹ việc phân loại các mặt hàng khó, các mặt hàng có nhiều quan điểm phân loại khác nhau, tạo sự thống nhất trong toàn ngành.

Tuy nhiên, trên thực tế, từ ngày triển khai tới nay, việc phân loại hàng hóa vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, tình trạng một mặt hàng được khai báo nhiều mã số khác nhau hay tình trạng khai báo không đủ thông tin, mã số không đúng với bản chất hàng hóa, khai sai điều kiện áp dụng mức thuế, khai thủ công mức thuế không chính xác, khai sai thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ… thường xảy ra.

Nguyên nhân chính là do việc phân loại hàng hóa là nghiệp vụ kỹ thuật chuyên sâu, đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm của cán bộ hải quan trong việc xác định mã số hàng hóa. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều mặt hàng đã được phát minh, sản xuất với nhiều công dụng, nhiều thành phần... được tích hợp, chưa được liệt kê, quy định rõ trong chú giải, nội dung nhóm, phân nhóm của Danh mục. Một số mặt hàng bằng quan sát trực quan không xác định được rõ bản chất hàng hóa mà phải thông qua máy móc, thiết bị phân tích tại phòng thí nghiệm.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan đã phát hiện có DN gian lận trong khai báo tên hàng, mã số để hưởng thuế suất thấp. Điển hình như vụ việc Công ty CP Diligo Việt Nam làm thủ tục cho mặt hàng “Que giấy được làm từ giấy và cuộn chặt lại, dùng làm thân que tăm bông ngoáy tai” mã 4823.90.99 với mức thuế suất 20% nhưng khai báo là “Ống lõi giấy dùng làm thân que bông ngoáy tai” mã 4822.90.90 với mức thuế suất 5%. Công ty TNHH thương mại và kỹ thuật Tân Liên Minh làm thủ tục cho mặt hàng “Mỏ khò hàn KT-2104” mã 8205.60.00, có thuế suất MFN là 20%, nhưng lại khai báo là “Mỏ khò hàn kim loại KT-2104” mã 8468.20.90 có thuế suất MFN 0%.

Kiểm soát chặt theo chỉ dẫn rủi ro với luồng Xanh

Để nâng cao hiệu quả của công tác phân tích, phân loại, đảm bảo thống nhất một mặt hàng chỉ có một mã số, công tác phân tích, phân loại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, theo bà Đào Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), cần thiết tăng cường công tác đào tạo, nhất là đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật phân loại nhóm hàng bao gồm cả lấy mẫu; sử dụng có hiệu quả nguồn lực, trang thiết bị phục vụ phân loại hàng hóa.

Các cục hải quan tỉnh, thành phố phải quan tâm hơn nữa đến công tác phân loại hàng hóa để chỉ đạo các đơn vị, bộ phận thực hiện nghiêm túc quy định. Trong đó thường xuyên rà soát để phát hiện sai sót về phân loại, nhất là các mặt hàng đã có văn bản hướng dẫn để thực hiện thống nhất; hướng dẫn DN khai báo đầy đủ mô tả hàng hóa, chất liệu, nguyên lý hoạt động, thành phần, công dụng… Đồng thời, chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ theo chỉ dẫn rủi ro đối với tờ khai luồng Xanh để thực hiện kiểm tra sau thông quan trong vòng 60 ngày.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan cũng đang đề xuất cần sửa đổi, bổ sung quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đối với việc giảm lấy mẫu, tạo điều kiện cho DN giải phóng hàng trong trường hợp mặt hàng giống hệt đã được lấy mẫu đang chờ kết quả phân tích phân loại; việc gửi mẫu giám định trong trường hợp mặt hàng không phân tích tại các đơn vị thuộc Cục Kiểm định hải quan; việc chi tiết mã số hàng hóa trong Danh mục quản lý chuyên ngành, Danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất được không phù hợp với mã số phân loại theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam; quy định mẫu tái giám định khi có tranh chấp giữa cơ quan hải quan và DN về kết quả phân tích của chi cục kiểm định.

Kiểm soát chặt nhóm hàng nhạy cảm

Để nâng cao hiệu quả của công tác phân tích, phân loại, đảm bảo thống nhất một mặt hàng chỉ có một mã số, công tác phân tích, phân loại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ các nhóm hàng hóa nhạy cảm dễ nhầm lẫn do khó phân biệt bằng mắt thường, hàng hóa có các mức thuế suất chênh lệch, hàng hóa chịu thuế nhập khẩu bổ sung, hàng hóa cần điều kiện nhập khẩu, hàng hóa, phế liệu...

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trien-khai-cac-giai-phap-tranh-nham-lan-gian-lan-trong-khai-bao-hai-quan-136271-136271.html