Trí tuệ nhân tạo trở thành cuộc đua đốt tiền

Khi cơn sốt trí tuệ nhân tạo tăng cao, các doanh nghiệp lớn chi hàng tỷ USD để xây dựng các mô hình ngôn ngữ, còn công ty nhỏ phải thu hẹp quy mô. Cuộc đua đốt tiềnDoanh nghiệp nhỏ vật lộn để sinh tồn

Hồi tháng 6 năm ngoái, Inflection AI thu hút sự chú ý khi "lên như diều gặp gió". Ra đời bởi nỗ lực của các cựu nhân viên thuộc bộ phận Google DeepMind, Inflection AI nhanh chóng huy động 1,3 tỷ USD từ Microsoft và các tỷ phú như Bill Gates, Reid Hoffman và Eric Schmidt để phát triển chatbot riêng.

Song chưa đầy một năm sau, gió đã đổi chiều. Giữa tháng 4, hai đồng sáng lập Mustafa Suleyman và Karén Simonyan rời Inflection AI để gia nhập Microsoft. Trong khi đó, ChatGPT, các chatbot khác trên thực tế cũng chưa thể có chỗ đứng vững chắc.

Cuộc đua đốt tiền

Các doanh nghiệp công nghệ lớn đang chi hàng tỷ USD cho cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong báo cáo tài chính tuần này, Google, Microsoft và Meta đều nhắc đến khoản đầu tư khổng lồ vào AI.

Ngày 24/4, Meta tuyên bố kế hoạch chi 10 tỷ USD mỗi năm cho trí tuệ nhân tạo trong vòng 10 năm tới. Một ngày sau, Giám đốc tài chính Ruth Porat của Google tiết lộ tập đoàn sẽ đầu tư 12 tỷ USD trở lên ở mỗi quý năm nay, phần lớn để xây dựng trung tâm dữ liệu mới. Giám đốc tài chính Microsoft Amy Hood cũng xác nhận hãng đã chi 14 tỷ USD trong quý gần nhất và sẽ tiếp tục bổ sung thời gian tới.

Bloomberg nhận định các công ty công nghệ lớn đã đổ tiền cho nghiên cứu và phát triển AI từ nhiều năm trước khi OpenAI tung ra ChatGPT cuối 2022. Tuy nhiên, thành công bất ngờ của chatbot khiến họ buộc phải tăng chi tiêu.

Các nhà đầu tư cũng dành những khoản tiền lớn cho trí tuệ nhân tạo. Theo công ty nghiên cứu PitchBook, trên toàn cầu, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào trí tuệ nhân tạo đạt 25,87 tỷ USD trong ba tháng đầu năm, tăng 25% so với quý cuối 2023.

Dù tiền tiếp tục đổ, rất ít doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận từ trí tuệ nhân tạo - thứ vốn tốn kém trong việc xây dựng và vận hành. Các chuyên gia công nghệ và nhà phân tích tài chính nhận định con đường áp dụng trí tuệ nhân tạo thành công vẫn còn dài và đầy rào cản.

"Nếu so sánh sự trưởng thành của thị trường AI với một cái cây, chúng ta mới chỉ ở phần thân cây. Chúng ta đang ở giai đoạn hình thành của AI", Ali Golshan, nhà sáng lập Gretel AI, nói với Washington Post.

Chi phí lớn nhất cho AI là đào tạo thuật toán, vốn đòi hỏi lượng dữ liệu khổng lồ và hệ thống chip đắt tiền, ngốn nhiều năng lượng. Ruth Porat của tập đoàn Google ước tính chi phí vận hành các trung tâm dữ liệu và AI của công ty năm nay sẽ "lớn hơn đáng kể" so với năm ngoái.

Doanh nghiệp nhỏ vật lộn để sinh tồn

Dù tập trung cao độ, các mô hình AI chưa thể hoạt động chính xác, khiến nhiều người hoài nghi về viễn cảnh trí tuệ nhân tạo đạt cấp độ con người. Nhóm nghiên cứu gồm chuyên gia Đại học Massachusetts, Adobe, Viện AI Allen và Princeton cho thấy, các mô hình AI thường xuyên mắc lỗi và bỏ sót khi tóm tắt tài liệu dài. Một bài báo khác đăng trên Springer nhận định các AI như GPT-4 giỏi hơn đa số con người trong việc viết nội dung luật là "quá phóng đại".

Trong khi các tập đoàn công nghệ lớn gần như chưa có lợi nhuận, nhiều startup phải vật lộn để tránh bị đào thải. Họ tìm đến thị trường ngách, như dùng AI thay nhân viên chăm sóc khách hàng, viết quảng cáo, tóm tắt ghi chú của bác sĩ hoặc tạo công cụ phát hiện hình ảnh deepfake.

Nhiều lập trình viên cho biết đã sử dụng chatbot để hỗ trợ viết code. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, tính đến tháng 2, 23% người trưởng thành ở Mỹ sử dụng ChatGPT tại nơi làm việc, tăng 18% so với tháng 7/2023.

"Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của AI", John Yue, nhà sáng lập Inference AI, nói. "AI sẽ thâm nhập vào mọi ngành công nghiệp, nhưng có thể phải mất ít nhất ba đến năm năm trước khi mọi người thực sự nhìn thấy được".

Phó giáo sư Ethan Mollick tại Đại học Pennsylvania, chuyên nghiên cứu về AI và kinh doanh, cho biết doanh nghiệp nhỏ đang nỗ lực chi hàng trăm triệu USD phát triển mô hình AI riêng và tìm cách khiến nó trở nên phổ biến. Nhưng với sự quan tâm lớn từ các ông lớn công nghệ, họ lo ngại công cụ này nhanh chóng lỗi thời, khiến sẽ phải đầu tư nhiều tiền hơn nữa.

"Họ buộc phải lựa chọn đầu tư, hoặc bị loại bỏ", ông nói.

Tùng Lâm/The Washington Post

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/tri-tue-nhan-tao-tro-thanh-cuoc-dua-dot-tien-d48202.html