'TRỊ BỆNH' NÓI LIỀU VỀ THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

'Trị tận gốc bệnh', 'vị cứu tinh', 'giải pháp hoàn hảo', 'vĩnh biệt căn bệnh', 'sản phẩm đặc trị'... Những cụm từ đầy 'sức nặng' như thế này đang trở nên phổ biến, xuất hiện với tần suất dày đặc trong những chuyên mục quảng cáo trên các trang mạng xã hội thời gian qua.

Thịnh hành nhất là quảng cáo thực phẩm bổ sung sức khỏe, thực phẩm chức năng (TPCN). Sức hút của các đoạn quảng cáo không chỉ đánh đúng tâm lý “sức khỏe là vàng”, “có bệnh thì vái tứ phương” của người tiêu dùng mà còn bởi công dụng của TPCN được khẳng định từ không ít “người của công chúng”. Thực tế một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo đã thổi phồng công dụng của sản phẩm, không trung thực trong thông tin quảng cáo.

Việc nghệ sĩ quảng cáo cho sản phẩm là điều bình thường nếu những điều họ nói ra là công dụng của TPCN đã được kiểm chứng bởi các cơ quan chuyên môn, hay khi họ chia sẻ những công dụng thực sự của sản phẩm qua sự trải nghiệm của cá nhân sau sử dụng. Tuy nhiên, việc quảng cáo theo kiểu “nói theo hợp đồng” gây ra những hệ lụy cho người tiêu dùng, nên rất cần chấn chỉnh kịp thời.

Ngày càng nhiều loại thực phẩm chức năng được bày bán, quảng cáo trên thị trường. Ảnh minh họa/investone-law.com

Ngày càng nhiều loại thực phẩm chức năng được bày bán, quảng cáo trên thị trường. Ảnh minh họa/investone-law.com

Những năm gần đây, thị trường TPCN tại Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất, kinh doanh. Năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 doanh nghiệp đăng ký và đủ điều kiện sản xuất TPCN, với 63 sản phẩm được lưu hành trên thị trường. Đến năm 2017, có tới gần 4.190 công ty đăng ký sản xuất, kinh doanh TPCN và số lượng sản phẩm được lưu hành cũng lên tới con số hơn 10.930. Theo thông tin từ Hiệp hội TPCN Việt Nam, trên thị trường TPCN hiện nay, gần 80% sản phẩm được sản xuất trong nước, hơn 20% là TPCN nhập khẩu. Nếu không có sự quản lý tốt hoạt động quảng cáo loại sản phẩm này, hệ lụy sẽ vô cùng lớn.

Để kéo được khách hàng, thời gian qua, nhiều chiêu trò kinh doanh nở rộ. Trên các trạng mạng xã hội như Youtube, Facebook, tần suất những quảng cáo này ngày càng dày đặc và nội dung ngày càng “loạn”. Các doanh nghiệp lợi dụng tâm lý người tiêu dùng khi cho rằng người nổi tiếng không thể nói liều vì còn phải giữ uy tín, giữ hình ảnh trong lòng công chúng. Không ít người vì tin câu nói “tôi đã sử dụng và tin dùng” của nghệ sĩ quảng cáo mà chuốc họa vào thân, khi tin dùng các sản phẩm chưa được đánh giá công dụng, cấp phép lưu hành, để điều trị các bệnh nặng như ung thư, suy thận, suy gan...

Trước thực trạng các nghệ sĩ quảng cáo, giới thiệu TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người tiêu dùng, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã có công văn yêu cầu chấn chỉnh tình trạng trên. Trước đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng có công văn gửi Hội văn học nghệ thuật thành phố cần có biện pháp nhắc nhở một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên mạng xã hội sai quy định và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời.

Cùng với đề cao trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ, dư luận cần phê phán đối với những nghệ sĩ thiếu trung thực trong quảng cáo TPCN. Bên cạnh đó, căn cứ vào Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm và Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25-5-2015 của Bộ Y tế, các cơ quan chức năng cần có quy trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân và các nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật. Có như vậy mới có thể “bắt mạch” và trị tận gốc “bệnh” nói liều về TPCN. Ngoài ra, cần tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xác định hành vi vi phạm của chủ sở hữu sản phẩm quảng cáo, chủ phương tiện quảng cáo để xử lý vi phạm theo quy định hiện hành. Ở góc độ người tiêu dùng, chúng ta tự trang bị “màng lọc thông tin” hữu hiệu để trở thành người tiêu dùng thông minh.

THU HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tri-benh-noi-lieu-ve-thuc-pham-chuc-nang-660613