Trẻ ốm liên tục vì nhiều dịch bệnh cùng gia tăng

Chị Lê Thị Thêu chia sẻ gia đình có 4 trẻ, gần đây, nhiều dịch bệnh, mỗi cháu mắc một bệnh khác nhau khiến bố mẹ bối rối trong việc điều trị, mệt mỏi vì chăm sóc.

Thức dậy từ 4h30, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Bình (45 tuổi, trú tại Thanh Ba, Phú Thọ) cùng con trai 9 tuổi bắt xe xuống Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội, khám bệnh. Chị Bình cho biết gần 8h gia đình đã tới Hà Nội nhưng chờ đến 11h vẫn chưa được khám vì đông bệnh nhân.

Chị Nguyễn Thị Thanh Bình cùng con trai chờ khám ở khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Phương Anh.

Trẻ liên tục ốm, biến chứng nhanh

Cách đây 3 tháng, con trai chị Bình bị nhiễm virus biến chứng viêm màng não. Từ đó đến nay, bé sức đề kháng kém, cơ thể gầy yếu, dễ mắc nhiều bệnh khác như cúm, thường xuyên phải đến bệnh viện kiểm tra.

"Ban đầu, cháu chỉ có triệu chứng sốt nhẹ, tôi nghĩ con bị cảm cúm thông thường nên không đưa đi khám. Khi thấy con mệt nhiều, đau đầu, nôn ói, tôi cho con đi khám ở bệnh viện tuyến huyện thì đã bị biến chứng nặng", chị Bình kể.

Theo chị Bình, mỗi tháng con trai đều phải đến bệnh viện kiểm tra, có khi phải nghỉ học cả tháng để điều trị, ảnh hưởng lớn đến việc học.

Cùng chờ đến lượt khám cho con, chị Bùi Thị Hoa (37 tuổi, trú tại Nam Định) cũng cho biết con trai 4 tuổi đang gặp tình trạng tương tự. Ban đầu, trẻ chỉ có biểu hiện như ho, đau họng, mệt mỏi... Sau một ngày, trẻ sốt cao, rét run nên gia đình cho đến bệnh viện khám.

Lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương rất đông, trước cửa các khu vực xét nghiệm, phòng khám bệnh luôn trong tình trạng kín chỗ. Ảnh: Phương Anh.

"Chỉ trong thời gian ngắn, con tôi đã bị biến chứng thành viêm màng não, phải nhập viện điều trị. Trong quá trình điều trị, bé còn bị lây chéo cúm B. Con cứ liên tục ốm, không ăn uống được khiến tôi rất xót xa", chị Hoa chia sẻ.

Một trường hợp khác, chị Lê Thị Thêu (34 tuổi) cũng từ Nam Định về Hà Nội để khám bệnh cho con. Bé trai 4 tháng tuổi bị tiêu chảy nhiều ngày không đỡ, được các bác sĩ tuyến tỉnh kết luận là viêm đường ruột. Tuy nhiên, không yên tâm, hai vợ chồng lại quyết định đưa con về Bệnh viện Nhi Trung ương khám lại.

Chị Thêu cho biết không chỉ bé 4 tháng ốm, ở nhà, 3 con của chị thường xuyên ốm sốt. Bé thứ 2 hiện 8 tuổi bị thủy đậu do lây từ bạn học, được điều trị tại nhà.

Gia đình chị Thêu đưa con trai 4 tháng tuổi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Phương Anh.

Các con lần lượt ốm, mỗi bé một bệnh khiến vợ chồng chị rất bối rối trong việc điều trị, mệt mỏi vì phải thức cả ngày lẫn đêm để chăm con.

Để nâng sức đề kháng cho con, chị Thêu tìm mua các loại thực phẩm bổ sung cho trẻ uống thêm, tuy nhiên vẫn không thấy hiệu quả.

"Ngoài dùng thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, tôi có dặn các con đeo khẩu trang nhưng trẻ con vốn ham chơi nên thường không nhớ. Khi con ốm, nếu không sốt cao hay quá mệt, tôi vẫn cho cháu đi học. Thời tiết mồm ẩm, nắng mưa thất thường như vậy rất khó tránh trẻ bị ốm", chị Thêu nói.

Nhiều dịch bệnh cùng lưu hành

Trao đổi với Zing, TS.BS Cao Việt Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết số lượng bệnh nhân đến khám bệnh không tăng đột biến. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhi đến thăm khám bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa...

"Nhóm trẻ mắc bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV) chiếm chủ yếu và tăng cao. Trong tuần trước (ngày 10-16/4), đơn vị tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhi. Trong đó, 1/4 trẻ phải nhập viện. Bên cạnh đó, số trẻ mắc cúm trong tuần vừa qua đến khám là 143 ca", TS Tùng nói.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, từ đầu năm đến đầu tháng 4, hơn 100 trường hợp trẻ nhập viện do tay chân miệng. Tính riêng từ ngày 13-29/3, 37 trường hợp nhập viện. Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm.

Trẻ mắc bệnh do virus RSV điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Việt Linh.

Tại khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp, đơn vị này trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 60-80 bệnh nhi đến khám. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có ngày khoa tiếp nhận hơn 100 bệnh nhi (tăng 30-50%). Trong đó, rất nhiều trẻ đến khám vì ho, thở khò khè, thở rít, hen phế quản.

Theo bác sĩ Phan Thị Kim Dung, Phó trưởng khoa Nhi Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, số trẻ nhập viện trong đợt này tăng rất cao, hầu hết bệnh nhi bị viêm phổi, viêm phế quản... Trong đó, nhiều bé viêm phổi nặng do virus hợp bào hô hấp (RSV).

"So với thời điểm đầu năm, số bệnh nhi hiện tăng khoảng 50%. Các phòng tại khoa Nhi Hô hấp đều đã kín giường", bác sĩ Dung nói với Zing.

Theo bác sĩ Kim Dung, thời điểm này trẻ dễ mắc bệnh hơn do thời tiết giao mùa, nồm ẩm, nắng mưa thất thường, nhiều loại dịch đang cùng lưu hành như cúm mùa, RSV, tay chân miệng... Trẻ em có sức đề kháng còn yếu nên rất dễ mắc bệnh.

Các bệnh lý về đường hô hấp ở trẻ tiến triển khá nhanh. Trẻ có thể bị sốt cao, khó thở, suy hô hấp chỉ sau vài ngày mắc bệnh.

"Không ít trẻ nhập viện trong tình trạng đã nặng. Rất nhiều bé phải hỗ trợ hô hấp, thở oxy, thở CPAP, thở máy", bác sĩ Kim Dung nói.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ nhiễm RSV, triệu chứng khởi phát ban đầu thường là ho khan, hắt hơi, sổ mũi và có thể sốt nhẹ tới cao. Các triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với nhiễm cúm hay các loại virus khác.

Đến giai đoạn toàn phát, trẻ có dấu hiệu khò khè, ho nhiều, thở nhanh. Đối với trẻ sơ sinh, bé có thể có các dấu hiệu nặng như sốt cao khó hạ, tím tái, rút lõm lồng ngực, trẻ kích thích quấy khóc hoặc có cơn ngừng thở. Đối với những trẻ có bệnh lý nền như bị tim bẩm sinh, sinh non, suy dinh dưỡng, loạn sản phổi…, bệnh có xu hướng tiến triển nặng hơn.

"Bệnh thường kéo dài trong vài ngày, nếu trẻ có nền sức khỏe tốt và được chăm sóc đúng cách, bệnh sẽ không quá đáng ngại và tự khỏi sau 3- 5 ngày. Tuy nhiên, cha mẹ cần căn cứ theo tình trạng bệnh của từng trẻ để quyết định cho trẻ điều trị ở nhà hay nhập viện. Hiện bệnh chưa có vaccine đặc hiệu nên gia đình cần chú ý phòng bệnh cho trẻ ", bác sĩ Dung cho hay.

Nếu trẻ có một trong những biểu hiện sau, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện:

Sốt cao, co giật
Tím tái
Bỏ bú, kém ăn
Thở nhanh, rút lõm lồng ngực

Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi hoặc trẻ có bệnh lý nền, cha mẹ cũng nên lưu ý cho trẻ đi khám sớm để kiểm soát và điều trị kịp thời.

Về biện pháp phòng các bệnh truyền nhiễm, theo các chuyên gia, phụ huynh nên cho trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng; ăn uống hợp vệ sinh; thường xuyên lau rửa các dụng cụ, bề mặt tiếp xúc hàng ngày; không tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh; tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tre-om-lien-tuc-vi-nhieu-dich-benh-cung-gia-tang-post1423063.html