Trẻ mồ côi sau Covid-19 và những bàn tay ấm được chìa ra đúng lúc

14 cháu bé của chín gia đình nhận hỗ trợ từ một nhà hảo tâm thông qua Tạp chí Người Đô Thị và sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bình Chánh là 14 nỗi đau không thốt thành lời. Tôi đã bắt gặp những ánh mắt buồn hiu của những đứa trẻ. Có cả những ngấn nước khi ai đó hỏi chúng về cha mẹ...

Những ánh mắt thật buồn của các em nhỏ có cha mẹ mất do Covid-19.

Những ánh mắt thật buồn của các em nhỏ có cha mẹ mất do Covid-19.

Hẹn các cháu 9 giờ sáng 25.1 ở trụ sở UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM nhưng chúng tôi đến sớm một chút. Vậy mà đến nơi đã thấy các em đến gần như đông đủ. Đến muộn nhất nhưng cũng trước 9 giờ là hai anh em Nguyễn Duy Bảo (sinh năm 2009) và Nguyễn Duy Lộc (SN 2014) ở xã Tân Nhựt. Hai em được bác chở đến. Bảo cho biết: "Vì đường xa, ông nội yếu không thể chở được hai đứa con nên phải nhờ bác đưa đi. Nghe mấy cô ở huyện báo tin được hỗ trợ, ông nội con mừng lắm".

Cha mẹ của Bảo và Lộc ly hôn năm 2014, mẹ của hai em biệt tăm từ đó. Ba cha con ở với ông bà nội nhưng đến năm 2020, cha của hai em qua đời vì tai nạn giao thông. Tai họa chưa dừng lại ở đó khi năm 2021, bà nội đột ngột ra đi vì Covid-19. Giờ trong ngôi nhà ở ấp 2, xã Tân Nhựt chỉ còn 3 ông cháu hẩm hút nuôi nhau...

Mồ côi khổ lắm ai ơi...

14 cháu bé của 9 gia đình nhận hỗ trợ từ một nhà hảo tâm thông qua Tạp chí Người Đô Thị và sự đồng hành của Hội LHPN huyện Bình Chánh là 14 nỗi đau không thốt thành lời. Tôi đã bắt gặp những ánh mắt buồn hiu của những đứa trẻ. Có cả những ngấn nước khi ai đó hỏi chúng về cha mẹ.

Chị Kiều Nguyệt Thanh Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Kiên (bìa trái), mẹ đỡ đầu của Dương Nguyễn Minh Triết. Ảnh chụp trong căn phòng Triết từng sống với mẹ.

Chị Kiều Nguyệt Thanh Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Kiên (bìa trái), mẹ đỡ đầu của Dương Nguyễn Minh Triết. Ảnh chụp trong căn phòng Triết từng sống với mẹ.

Tuy nhiên điều khiến chúng tôi thấy day dứt trong lòng và bị ám ảnh nhất có lẽ là hoàn cảnh của em Dương Nguyễn Minh Triết (SN 2015) ở ấp 2, xã Tân Kiên. Khi chúng tôi đến thăm, Triết đang nằm trên chiếc nệm cũ trải dưới sàn nhà. Em lồm cồm bò dậy chào khách. Căn phòng trọ chật chội, ẩm thấp. Đang giữa trưa nhưng phải mở đèn mà vẫn không đủ ánh sáng. Chiếc tủ lạnh, cái bếp gas, nồi niêu xoong chảo, chén đũa... mọi thứ vẫn nguyên vẹn như ngày Triết còn mẹ.

Trên đường đến nhà em, các chị ở Hội LHPN huyện Bình Chánh đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của Triết. Một câu chuyện mà cả người kể lẫn người nghe đều thấy nghẹn lòng. Cha mẹ Triết sống với nhau mà không cưới hỏi, không đăng ký kết hôn. Khi mẹ sinh em, cha không nhìn nhận. Hai mẹ con thuê một phòng trọ ở ấp 2, xã Tân Kiên, chính là căn phòng bây giờ Triết đang ở. Đại dịch xảy ra năm 2021, mẹ em nhiễm Covid-19 qua đời. Khi đó Triết mới 6 tuổi.

Ngày bà ngoại đón tro cốt của mẹ em về và lập bàn thờ trong một góc phòng trọ, em cũng ôm mền gối xuống nằm dưới chân bàn thờ mẹ. Em cứ nằm như vậy, không ăn uống, cũng không chịu đi đâu. Ông bà ngoại năn nỉ đón em về ở cùng trong nhà trọ thuê gần đó nhưng em nhất quyết không đi. Đồ đạc của mẹ, em không cho ai đụng đến, chủ nhà trọ muốn lấy lại nhà để cho người khác thuê cũng không lấy được. Suốt mấy tháng trời như vậy, cuối cùng ông bà ngoại phải nhờ bà dì buổi tối đến ngủ với em. Ban ngày em đi học, cơm nước ăn ở nhà ngoại, sau đó lại quay về với thế giới của hai mẹ con trong căn phòng trọ ọp ẹp. Cứ nghĩ đến hình ảnh đứa bé 6 tuổi sống thui thủi một mình trong căn phòng tối với di ảnh mẹ trên bàn thờ, tôi lại thấy mắt mình nhòe đi...

Em Dương Nguyễn Minh Triết (thứ ba từ phải qua) cùng các học sinh khác tại sự kiện Xuân yêu thương.

Em Dương Nguyễn Minh Triết (thứ ba từ phải qua) cùng các học sinh khác tại sự kiện Xuân yêu thương.

Đại dịch đi qua, nỗi đau ở lại...

Lê Đinh Định Phong là một trong những đứa bé ít tuổi nhất trong buổi gặp gỡ. Sinh năm 2017, Phong đang học lớp hai. Mẹ mất khi em chưa đầy 4 tuổi. Em còn một người anh vừa bước sang tuổi 17, đang học Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng. Từ ngày mẹ mất, ba cha con về ở nhờ nhà ông bà ngoại ở xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh). Cha em, anh Lê Văn Giàu làm thợ hồ, công việc bấp bênh, thu nhập mỗi tháng chỉ khoảng 5 triệu đồng. Ông bà ngoại cũng nghèo, tuổi đã cao, sức khỏe kém.

Chở cháu ngoại đến nhận quà, người đàn ông gầy gò, vẻ mặt khắc khổ nói với tôi: "Cháu nó mất mẹ sớm quá nên tâm lý cũng bị ảnh hưởng. Nuôi dạy nó cực lắm cô à. Tui với bà ngoại nó ít học nên cũng không biết dạy dỗ làm sao...". Thằng bé khó chịu khi phải ngồi yên một chỗ quá lâu nên khóc đòi về. Các chị ở Hội LHPN huyện linh động giải quyết cho ông nhận tiền hỗ trợ và quà Tết trước. Nhận chiếc phong bì có 10 triệu đồng, ông xúc động nói: "Nhờ cô chuyển lời tui cám ơn các mạnh thường quân đã giúp đỡ. Cũng nhờ sự quan tâm của chính quyền xã, huyện mà gia đình cũng đỡ khổ phần nào".

Ông ngoại của em Lê Đinh Định Phong dắt cháu ra về sau khi nhận quà.

Ông ngoại của em Lê Đinh Định Phong dắt cháu ra về sau khi nhận quà.

Trong số các gia đình được nhận hỗ trợ đợt này, đa phần người mất trong đại dịch Covid-19 là người cha, trụ cột kinh tế trong gia đình. Gánh nặng nuôi dạy con giờ dồn lên đôi vai mẹ của các em. Có chị chồng mất, giờ đây vừa phải nuôi con, vừa phải chăm sóc cha mẹ chồng già yếu như trường hợp chị Mai Thị Hạnh ở thị trấn Tân Túc. Chị Hạnh nói mình còn có niềm an ủi là hai con Võ Ngọc Mai Hân (SN 2006) và Võ Thành Danh (SN 2014) đều ngoan ngoãn, học giỏi, hiếu thảo với ông bà. Mấy năm nay cả nhà sống nhờ vào xe bánh tráng trộn nhưng gần đây việc buôn bán cũng khó khăn "vì nhiều người bán quá". Với 15 triệu đồng vừa được trao, chị hi vọng sẽ xoay sở tìm công việc mới để kiếm thêm thu nhập chăm lo cho gia đình.

Một trong những người đến rất sớm là ba mẹ con chị Trần Thị Mai ngụ xã Vĩnh Lộc. Trước đây chị là công nhân Công ty PouYuen, nhưng đã bị cho nghỉ việc trong đợt công ty cắt giảm lao động vì khó khăn do đại dịch. Chồng mất vì Covid-19, để lại cho chị hai đứa con: Thạch Trần Đăng Nguyên (SN 2016) và Thạch Trần Nguyệt Như (SN 2020). "Bây giờ em làm công việc tự do, ai kêu gì làm đó. Thật ra như vậy cũng tiện để đưa đón hai đứa nhỏ đi học. 15 triệu đồng được nhận hôm nay với em rất lớn. Em sẽ dành để đóng tiền học cho con", chị Mai xúc động nói.

Ông Phạm Văn Hồng, đại diện Tạp chí Người Đô Thị (bìa phải) trao tiền hỗ trợ cho các em.

Ông Phạm Văn Lũy, đại diện lãnh đạo huyện Bình Chánh (ngồi) và ông Phạm Văn Hồng, đại diện Tạp chí Người Đô Thị (bìa phải) trao tiền hỗ trợ cho các em.

Chở em trai Trần Nguyễn Ngọc Ẩn (SN 2013) vượt hơn 20 cây số từ xã Vĩnh Lộc B đến nhận hỗ trợ, Trần Thị Quỳnh Như (SN 2007), vẫn chưa hết run: "Nào giờ con không có chạy xe đi xa như vậy, lần này lại chở theo em, con hồi hộp lắm. Tại vì mẹ bận bán không đi được nên con phải lấy hết can đảm chở em đi. Nghe nói được nhận tiền hỗ trợ, mẹ con mừng lắm". Chị Nguyễn Thị Thúy, mẹ của hai em bán hủ tíu ở vỉa hè. Với 10 triệu đồng được hỗ trợ, hi vọng gánh hủ tíu của chị sẽ đầy đặn hơn...

Còn đó những tấm lòng

Khi đến thăm em Dương Nguyễn Minh Triết, thoạt đầu chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy em sà vào lòng và gọi chị Kiều Nguyệt Thanh Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Kiên là "mẹ". Hỏi ra mới biết việc nhận đỡ đầu các cháu mồ côi sau đại dịch Covid-19 là chủ trương lớn của Hội LHPN huyện Bình Chánh. Làm mẹ không chỉ trên danh nghĩa mà các chị còn chăm lo cả vật chất lẫn tinh thần cho các em. Nhìn nét mặt Triết khi ở bên mẹ Liên, tôi hiểu vết thương sâu hoắm trong lòng em đã được xoa dịu phần nào.

Trao quà Tết cho đại diện các gia đình.

Trao quà Tết cho đại diện các gia đình.

Điều khá bất ngờ đối với chúng tôi là buổi trao tiền hỗ trợ và quà Tết cho 14 cháu có cha, mẹ, người nuôi dưỡng trực tiếp mất vì Covid-19 thuộc 9 gia đình ở 4 xã của huyện Bình Chánh sáng hôm đó lại có sự hiện diện đầy đủ của lãnh đạo Huyện ủy, HĐND và các ban ngành của huyện.

Ông Phạm Văn Lũy, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh, cho biết việc chăm lo cho các đối tượng chính sách nói chung và những người bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nói riêng; đặc biệt là các em bị mất cha mẹ, là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp chính quyền, đoàn thể huyện Bình Chánh. Trong đó sự đồng hành, tiếp sức của các mạnh thường quân là vô cùng quan trọng. Chỉ riêng Tết Giáp Thìn này, đã có gần 7.000 đối tượng được chăm lo.

Ông Phạm Văn Lũy, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Ông Phạm Văn Lũy, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh phát biểu tại buổi gặp gỡ.

Lãnh đạo huyện Bình Chánh, đại diện Tạp chí Người Đô Thị chụp hình kỷ niệm cùng các gia đình. Ảnh: CTV

Đồng hành cùng chúng tôi những ngày qua là chị Huỳnh Thị Kim Ân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Chánh. Chị cho biết sau đại dịch, trên địa bàn huyện có khoảng 260 trẻ có cha mẹ bị mất vì Covid-19. Trong số này nhiều trẻ có cha mẹ là lao động nhập cư nên sau đó đã về quê với ông bà, người thân. Hiện còn lại 184 trường hợp. Đáng mừng là đã có hơn 130 em được các tổ chức, cá nhân nhận nuôi dưỡng, chăm lo học hành đến năm 18 tuổi.

"Chúng tôi xin cảm ơn các nhà hảo tâm thông qua Người Đô Thị đã mang đến phần quà xuân rất có ý nghĩa này. Với mức hỗ trợ từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng/hộ tùy trường hợp cụ thể, chắc chắn các gia đình sẽ có thêm động lực để vượt qua khó khăn, chăm lo tốt hơn cho các em trong những ngày sắp tới. Chúng tôi sẽ thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các em và gia đình", chị Ân nói.

Trao đổi với các em có cha mẹ qua đời vì Covid-19 tại buổi trao tiền hỗ trợ và quà Tết vừa qua, đại diện Tạp chí Người Đô Thị bày tỏ mong muốn các em luôn mạnh mẽ, kiên cường, bản lĩnh để vượt qua nỗi đau; cố gắng sống tốt, học tập tốt để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Mong các em luôn giữ vững lòng tin vào những điều tốt đẹp quanh mình. Các em sẽ không đơn độc mà luôn có những bàn tay ấm áp, sẻ chia của cộng đồng nâng bước các em trong cuộc hành trình tạo dựng tương lai hạnh phúc.

Bài: Lệ Thủy - Ảnh: Hồng Nhung

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tre-mo-coi-sau-covid-19-va-nhung-ban-tay-am-duoc-chia-ra-dung-luc-42520.html