Trẻ em lên tiếng xóa bỏ tập tục lạc hậu

Với phương pháp tổ chức, điều hành phong phú, đa dạng, các CLB 'Thủ lĩnh của sự thay đổi' thành lập thời gian qua đã giúp trang bị cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích, thúc đẩy các em nói lên tiếng nói của mình; qua đó thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm và góp phần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở địa phương.

CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” thôn Kỳ Đu (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) ra mắt và sinh hoạt. Ảnh: THÁI HÀ

Tr em đưc lên tiếng

Tại các xã miền núi đặc biệt khó khăn thuộc 4 huyện Tây Hòa, Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, hội LHPN các cấp đã thành lập 14 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại trường học và cộng đồng với hơn 400 học sinh gồm trẻ em trai, trẻ em gái từ 10-16 tuổi tham gia. CLB đã trở thành sân chơi, diễn đàn thực sự để trẻ cùng nhau giao lưu, chia sẻ, nâng cao nhận thức, vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi, qua đó đảm bảo tiếng nói và vai trò của trẻ em tại cộng đồng.

Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng các thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” thôn Kỳ Đu (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân) đã có nhiều tiến bộ. Các em hiểu biết thêm những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em; mạnh dạn, tự tin hơn khi giao tiếp; phát huy được vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, dẫn dắt và thúc đẩy học sinh trong trường học lên tiếng về quyền được sống an toàn, được bảo vệ tránh khỏi các hành vi bạo lực, xâm hại, tảo hôn…

Em La Sỹ Hùng, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” thôn Kỳ Đu chia sẻ: “Trước đây, chúng em rất rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin, không dám nói trước đám đông; nhiều bạn chưa có kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình trước những nguy cơ có thể xảy ra. Khi tham gia CLB, chúng em được chơi các trò chơi, thảo luận nhóm, trình bày và phát biểu ý kiến riêng của mình; thể hiện năng khiếu của bản thân như: vẽ, đóng kịch…

Từ hoạt động của CLB, chúng em đã mạnh dạn tham gia xây dựng clip dự thi và đạt giải nhì toàn quốc cuộc thi sáng tác tác phẩm truyền thông về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi năm 2023 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức”.

Bà Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) cho biết: CLB được thành lập thực sự là cơ hội cho các em được lên tiếng, được lắng nghe và thay đổi bản thân mình. Bên cạnh đó, các em được tìm hiểu về các kiến thức bổ ích như: Quyền trẻ em; phòng chống xâm hại tình dục; phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng tránh bạo lực học đường; kỹ năng phòng chống đuối nước… Mặc dù thời gian thành lập CLB chưa lâu, nhưng các thành viên đã tiến bộ rất nhiều. Qua đó tạo sự thay đổi về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử.

Tiên phong xóa b thói quen, tp tc lc hu

Các thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trên địa bàn tỉnh đã và đang cố gắng phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, tiên phong thay đổi, tuyên truyền, vận động các bạn cùng thay đổi, hướng tới những giá trị tốt đẹp hơn, xây dựng và tổ chức các hoạt động của CLB có hiệu quả.

Trường tiểu học và THCS Ea Lâm (huyện Sông Hinh) có hơn 99% học sinh là người đồng bào DTTS. Tháng 9/2023, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” xã Ea Lâm được thành lập với các thành viên là cán bộ, giáo viên và học sinh các khối lớp 6, 7, 8, 9 của nhà trường.

Cô Chu Thị Yến, giáo viên Trường tiểu học và THCS Ea Lâm, dẫn trình viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” xã Ea Lâm cho biết: “Ngoài các đợt sinh hoạt định kỳ, các nội dung tuyên truyền được chúng tôi lồng ghép vào tiết sinh hoạt dưới cờ hoặc gửi nội dung cho giáo viên chủ nhiệm để truyền thông đến học sinh vào giờ sinh hoạt lớp. Qua các lần sinh hoạt, nhiều thành viên CLB đã thể hiện được vai trò nòng cốt truyền thông những chính sách liên quan đến bạn bè, gia đình và cộng đồng”.

Em Nay Y Sa, thành viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” xã Ea Lâm chia sẻ: “Sau khi tham gia sinh hoạt do CLB tổ chức, được cung cấp tài liệu, nghe giáo viên phụ trách trực tiếp trao đổi, giải đáp thắc mắc, em nhận thấy tảo hôn là hủ tục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhất là các bạn gái và cần phải được xóa bỏ. Em sẽ tích cực tuyên truyền tới bạn bè, em nhỏ ở địa phương chính sách, pháp luật về hôn nhân để các bạn, các em không vi phạm và tập trung học tập để có tương lai tốt hơn”.

Huyện Sơn Hòa là địa phương có 7 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Hòa Lê Thị Bích Hậu cho biết: Để CLB phát huy hiệu quả, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực vận hành và bồi dưỡng kỹ năng tổ chức, duy trì sinh hoạt CLB. Dù vậy, chính các em tham gia mô hình mới là hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu có hại trong đời sống của đồng bào các dân tộc tại địa phương, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã thành lập được 14 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Việc thành lập các CLB này đã góp phần hỗ trợ thầy, cô giáo và phụ huynh thực hiện tốt việc giáo dục cho học sinh và ngăn ngừa các bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em, buôn bán, bắt cóc, tảo hôn ở trẻ em… Qua đó góp phần hỗ trợ chính quyền, các ban ngành, địa phương, nhà trường và phụ huynh học sinh thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/315656/tre-em-len-tieng-xoa-bo-tap-tuc-lac-hau.html