Trẻ em là mục tiêu béo bở của các đối tượng lừa đảo qua mạng

Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo trên mạng đã chuyển hướng vào các nạn nhân là người cao tuổi, người có thu nhập thấp và đặc biệt là trẻ em.

Vì vậy, phụ huynh cùng với việc trang bị cho trẻ kỹ năng nhận biết các hành vi lừa đảo còn phải gần gũi, theo dõi diễn biến tâm lý của trẻ để có thể phát hiện và giải quyết, ngăn chặn kịp thời cách hành vi tiếp cận trẻ có âm mưu đen tối, lừa đảo.

Gần đây, những câu chuyện trẻ em bị lừa đảo qua mạng lại được các phụ huynh chia sẻ rầm rộ, đơn cử như: con chơi games nhưng mẹ lại bị trừ tiền trong tài khoản ngân hàng; kết bạn facebook rồi dụ dỗ làm "việc nhẹ lương cao"...

Điều này như hồi chuông báo, thế giới mạng đã, đang và sẽ tiếp tục để lại rất nhiều nguy cơ, rủi ro cho trẻ em khi tiếp cận.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), tháng 1-11/2023, cơ quan này đã nhận được gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng internet; trong đó, 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.

Các đối tượng lừa đảo trên mạng đã chuyển hướng vào các nạn nhân là trẻ em (Ảnh minh họa: Capcut).

Cũng theo số liệu thống kê, các đối tượng lừa đảo trên mạng đã chuyển hướng vào các nạn nhân là người cao tuổi, người có thu nhập thấp và đặc biệt là trẻ em.

Trong 24 hình thức lừa đảo trực tuyến đã được Bộ Công an liệt kê, thì các vụ lừa đảo nhắm tới trẻ em chủ yếu tập trung vào 3 hình thức gồm lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ chia sẻ hình ảnh nhạy cảm và lừa cung cấp dịch vụ lấy lại Facebook.

Các đối tượng lừa đảo lợi dụng tình trạng nhận thức còn hạn chế, suy nghĩ ngây thơ của trẻ để lừa gạt hướng về tình cảm, đặc biệt là đối với trẻ đang tuổi dậy thì.

Thực tế đã có trẻ bị lừa hẹn hò qua mạng, dụ dỗ vào nhà nghỉ, bị chụp cảnh nóng, đe dọa sẽ tung ảnh nóng phát tán để trẻ bị khống chế... hay trộm tiền cha mẹ để đưa cho kẻ lừa đảo, ép trẻ tham gia các hoạt động phi pháp...

Trong các vụ lừa đảo này, trẻ không chỉ bị lừa, cướp tiền mà nhiều trường hợp còn bị xâm hại. Nhiều trẻ, trải qua việc bị lừa đã bị sang chấn tâm lý, rối loạn tâm lý, mất niềm tin, sợ hãi người lớn... ảnh hưởng lâu dài cho tương lai các em.

Cuối năm 2023, trước việc lừa đảo nhắm vào đối tượng trẻ em ngày càng nhiều, Cục An toàn thông tin đã đưa ra những cảnh báo đến toàn xã hội. Theo Cục An toàn thông tin, trẻ em và người lớn đều phải có đủ hiểu biết và chủ động trang bị các thông tin cần thiết về các nguy cơ lừa đảo.

Về phía phụ huynh, Cục An toàn thông tin khuyến cáo cần quan tâm, giáo dục trẻ không nên chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng; dạy trẻ kỹ năng nhận biết cũng như bảo vệ mình trước những lời dụ dỗ, các trang web và đường dẫn lạ trên không gian mạng.

Đồng thời, khuyến khích trẻ chia sẻ thường xuyên các tình huống, tin nhắn đáng ngờ mà trẻ gặp phải, thường xuyên theo dõi các tương tác trực tuyến, danh sách bạn bè và nội dung tải xuống của con.

Cùng với đó, cài đặt các phần mềm bảo mật uy tín để có thể kịp thời phát hiện các liên kết và phần mềm độc hại trên thiết bị của trẻ.

Ở khía cạnh tâm lý, phụ huynh cần theo dõi diễn biến tâm, sinh lý của con bằng cách trò chuyện cởi mở, tâm sự với con nhiều hơn, có như vậy thì khi con có những biểu hiện tâm lý thay đổi khác lạ phụ huynh mới có thể phát hiện và giải quyết, ngăn chặn kịp thời cách hành vi tiếp cận trẻ có âm mưu đen tối, lừa đảo, giúp trẻ tránh khỏi những hậu quả không hay ảnh hưởng đến sự phát triển và tương lai của con.

Trần Huyền

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/tre-em-la-muc-tieu-beo-bo-cua-cac-doi-tuong-lua-dao-qua-mang-20240305105051828.htm