Trao 'sinh kế' giúp phụ nữ vùng cao thoát nghèo

Được sự giúp đỡ của các đơn vị thuộc Quân khu 4, hàng trăm chị em người dân tộc thiểu số nơi biên giới đã được trao 'sinh kế' thông qua các mô hình hỗ trợ sinh kế, từ đó giúp chị em từng bước vươn lên thoát nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống.

Cũng như hầu hết đồng bào dân tộc Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), trước đây, gia đình chị Hồ Thị Hứa gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, nhà có 5 người, lại không biết làm ăn nên cái nghèo, cái đói, lạc hậu mãi đeo bám.

Thế nhưng những năm gần đây, nhờ có bộ đội Trung đoàn 52, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (KT-QP) tặng cây, con giống để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, chị Hứa và nhiều chị em trong thôn đã có hướng làm ăn, đời sống ngày càng đi lên.

Từ 3 con dê giống được Đội sản xuất số 9 (Trung đoàn 52) hỗ trợ năm 2018, đến nay, đàn dê của gia đình chị Hứa đã phát triển lên 35 con. Hồ hởi khoe với chúng tôi, chị Hứa cho biết: “Được bộ đội cấp dê giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, bộ đội còn cho xi măng và giúp ngày công làm chuồng, đàn dê của gia đình mình đến nay đã phát triển hơn nhiều. Năm ngoái, mình bán một lứa được gần 70 triệu đồng để xây nhà. Có tiền, mình mua thêm dê giống, nuôi thêm gà, vịt, trồng rau, cuộc sống nay đã hết khổ rồi. Cảm ơn bộ đội nhiều lắm!”.

Cán bộ, nhân viên Đội sản xuất số 4, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 hướng dẫn kỹ thuật và giúp nhân dân xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An trồng lúa nước.

Nghe và tin bộ đội, năm 2022, chị Hứa tiếp tục tham gia dự án trồng cây dong riềng do Công ty Xây dựng (Đoàn KT-QP 337) tổ chức. Được hỗ trợ giống, phân bón miễn phí, chị tổ chức khai hoang, trồng gần 1ha cây dong riềng. Cây phát triển tốt, dự kiến cuối năm nay cho sản lượng khoảng 30 tấn, giúp gia đình chị có thể thu về số tiền lên đến 50 triệu đồng. Từ đó, chị sẽ tiếp tục mở rộng trồng trọt, chăn nuôi để lo cho con cái tiếp tục được đến trường, cuộc sống hết cảnh bữa đói, bữa no.

Còn tại bản Vinh Tiến (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), nhiều hộ đồng bào dân tộc Thái lâu nay chỉ biết vào rừng săn bắt, lên rẫy vãi ngô, lúa theo kiểu “nhờ trời” nên cái nghèo, cái đói như vòng tròn luẩn quẩn. Đứng chân trên địa bàn, thấu hiểu cuộc sống khó khăn của bà con nơi đây, Đội sản xuất số 6 (Đoàn KT-QP 4) đã hỗ trợ nhiều mô hình sinh kế giúp bà con thoát nghèo.

Thiếu tá Nguyễn Võ Thông, Phó đội trưởng Đội sản xuất số 6 cho biết: “Với quan điểm “trao cần câu, không trao cá”, Đội đã tổ chức nhân con giống như gà, vịt, ngan, lợn và ươm các giống rau như cải, dưa chuột, dưa hấu, bầu, bí, đậu cô ve... để cấp miễn phí cho bà con. Cùng với đó, chúng tôi còn cử cán bộ, nhân viên đến tận nhà hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi, trồng”.

Được sự hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật của Đội sản xuất số 6, gia đình chị Mạc Thị Hà, ở bản Vinh Tiến đã trồng 500m2 dưa chuột; sau hơn hai tháng chăm sóc, vườn dưa chuột cho thu hoạch 8 tạ, mang về cho chị hơn 10 triệu đồng. Cầm trên tay số tiền lớn, chị Hà phấn khởi cho biết: “Mình không nghĩ có ngày được cầm trên tay số tiền lớn thế này. Nhờ có bộ đội giúp đỡ, mình đã biết cách làm ăn rồi. Sắp tới, mình sẽ trồng thêm đậu cô ve, bắp cải; học bộ đội cách nuôi gà, vịt và heo”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các đoàn KT-QP của Quân khu 4 đã thường xuyên tặng cây, con giống; hướng dẫn bà con nhân dân nơi biên giới phương pháp, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, làm ăn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Trong quá trình thực hiện, các đơn vị thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ, động viên bà con lao động sản xuất. Cùng với đó, các đoàn KT-QP còn hỗ trợ xi măng, vật liệu cùng hàng nghìn ngày công giúp bà con làm chuồng trại chăn nuôi, khai hoang, vỡ đất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

Đã có nhiều mô hình sinh kế được các đơn vị thực hiện có hiệu quả, phù hợp với tình hình địa phương, trở thành “cần câu” giúp bà con nhân dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, như: Nuôi bò lai, dê sinh sản, lợn bản địa, vịt đẻ trứng, gà thịt; trồng lúa nước, dong riềng, trồng gừng trong bao, chè Shan tuyết, đu đủ, bí ngòi...

Đại tá Nguyễn Phi Hòa, Trưởng phòng Dân vận Quân khu 4 nhấn mạnh: “Trao cần câu, không trao cá” là quan điểm được các đoàn KT-QP nói riêng và cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 4 nói chung quán triệt, thực hiện lâu nay trong hoạt động dân vận, giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo. Thực hiện tốt quan điểm này đã tạo sinh kế lâu dài cho bà con, đồng thời thôi thúc bà con biết tư duy, đổi mới, lao động cần cù, sáng tạo, biết quý trọng thành quả đạt được, từ đó tích cực lao động sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống”.

Bài và ảnh: HOÀNG THÁI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/cac-van-de/trao-sinh-ke-giup-phu-nu-vung-cao-thoat-ngheo-748136