Trào lưu 'ứng tuyển trả thù'

Ứng tuyển trả thù là cách giải tỏa bức xúc đi kèm nhiều mặt trái. Ứng viên có thể lãng phí thời gian vào những công việc không liên quan và đưa ra quyết định thiếu sáng suốt.

Mọi người nên thận trọng khi gửi đơn xin việc và tránh ứng tuyển hàng loạt. Ảnh minh việc: Mikhail Nilov/Pexels.

Năm 2022, trào lưu "quiet quitting" (âm thầm nghỉ việc) nở rộ khi nhân viên chỉ làm công việc trong phạm vi được trả tiền, không đóng góp hay tham gia vào các hoạt động kết nối của công ty.

Còn hiện tại, khi bất mãn với công việc và công ty, trạng thái âm thầm của họ đã chuyển sang giận dữ, thể hiện qua cách điên cuồng nộp đơn xin việc, được gọi là "rage applying" - ứng tuyển trả thù. Theo dữ liệu xu hướng của Google, số lượng tìm kiếm từ ngữ mới này đã tăng 214,43% chỉ trong tháng trước.

Dưới đây, HuffpostTime giải thích kỹ hơn về trào lưu công sở này và đưa ra một số mặt trái mà mọi người cần chú ý.

Ứng tuyển trả thù xảy ra khi nhân viên đã quá bất mãn với công việc hiện tại. Ảnh minh họa: Cottonbro Studio/Pexels.

"Rage applying" là gì?

Ứng tuyển trả thù thường rơi vào những cá nhân không được thăng chức, tăng lương trong vài năm, hoặc cảm thấy quá sức với khối lượng công việc.

Khi cảm giác tiêu cực lên đến đỉnh điểm, họ vội vàng rời bỏ công việc đang làm, đồng thời ứng tuyển ồ ạt vào bất kỳ công việc nào họ tìm thấy, ngay cả khi vị trí đó thấp/cao hơn kỳ vọng hoặc ít liên quan đến nghề nghiệp hiện tại.

Ứng tuyển không chọn lọc khiến ứng viên mất thời gian và dễ bỏ qua công việc mình muốn. Ảnh minh họa: Anna Shvets/Pexels.

Mặt trái

Một số người dùng mạng xã hội nói rằng bằng cách này, họ có được vị trí tốt hơn với mức lương tương xứng. Tuy nhiên, trào lưu này đi kèm với nhiều mặt trái.

Lãng phí thời gian: Khi ứng tuyển trong cơn phẫn nộ, mọi người có xu hướng gửi một đơn xin việc chung chung đến càng nhiều nơi càng tốt.

Do không chọn lọc kỹ, có thể họ sẽ bỏ qua công việc bản thân mong muốn. Ngoài ra, CV chung chung khiến họ không khoe được hết những điểm mạnh của mình.

Ảnh hưởng đến sự tự tin: Khi ứng tuyển hàng loạt, có thể mọi người sẽ nộp đơn vào cả những vị trí ít liên quan đến kinh nghiệm của bản thân. Kết quả là họ không nhận được phản hồi, và điều này sẽ đánh gục sự tự tin của nhân sự vào thời điểm họ đang cảm thấy chán nản, tuyệt vọng.

Nhận việc không sáng suốt: Không phải ai cũng may mắn có một công việc tốt hơn khi ứng tuyển ồ ạt. Trong nhiều trường hợp, nhân sự chấp nhận một vị trí như trước đây, chỉ khác là ở một công ty mới. Bên cạnh đó, nhiều người chấp nhận chuyển ngành, cho dù công việc đó có mang lại mức lương cao hơn, cơ hội học hỏi hay môi trường phù hợp với nhu cầu cá nhân hay không.

Mọi người nên chú trọng vào chất lượng thay vì ứng tuyển hàng loạt. Ảnh minh họa: Anna Shvets/Pexels.

Giải pháp

Nói chuyện với sếp: Trước khi ứng tuyển trả thù, hãy cho công việc hiện tại một cơ hội và trao đổi với sếp một cách cởi mở. Điều này giúp người quản lý nắm được những nhu cầu của nhân viên và có thể đưa ra giải pháp phù hợp.

Xác định những ưu tiên: Nếu quyết định nghỉ việc, hãy tìm ra điều mà bản thân mong muốn ở công việc mới. Đó có thể là tài chính, cơ hội thăng tiến hoặc môi trường làm việc linh hoạt. Điều này sẽ giúp nhân sự rút ngắn danh sách ứng tuyển và có đầu tư hơn cho mỗi CV.

Cá nhân hóa CV: Thay vì ứng tuyển bừa bãi, hãy giới hạn lại số lượng và điều chỉnh CV để phù hợp với từng công việc. Các cố vấn nghề nghiệp đều khuyến khích người tìm việc tập trung vào chất lượng hơn là số lượng để có được những lựa chọn tốt nhất. Ngoài ra, mọi người cũng có thể xem xét việc học các kỹ năng mới để tăng cơ hội trúng tuyển.

Tận dụng các mối quan hệ: Nhiều công việc thậm chí không được đăng tuyển trên mạng. Do đó, hãy hỏi bạn bè, đồng nghiệp cũ về các cơ hội tiềm năng. Họ cũng có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc, có giá trị về văn hóa công ty - điều không được ghi ở những tin tuyển dụng.

Bích Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trao-luu-ung-tuyen-tra-thu-post1433147.html