Trào lưu nhập tịch cầu thủ của Đông Nam Á và Indonesia?

Để đối đầu với đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) trong 2 trận quyết định ở vòng loại World Cup 2026, Indonesia đã gọi đến 11 cầu thủ nhập tịch, vừa đúng một đội hình. Rõ ràng, Indonesia đã mạnh hơn rất nhiều, ít nhất so với chính họ trước đó.

4/11 cầu thủ nhập tịch của Indonesia.

Tuy nhiên, đi đầu Đông Nam Á (ĐNA) trong chủ trương nhập tịch tài năng thể thao là Singapore. Với đảo quốc nhỏ bé, dân số khiêm tốn, đây là con đường tắt duy nhất để có thành tích trên đấu trường quốc tế.

Singapore có chính sách hẳn hoi với Chương trình Tài năng thể thao nước ngoài mang tên gọi “Dự án Cầu vồng”. Những ngoại binh Grabovac (Croatia), Goncalves (Brasil), Bennett (Anh), Lionel Lewis rồi Agu Casmir, Dickson (Nigeria), Duric… đã mang về cho Singapore 3 chức vô địch AFF Cup (2004, 2007 và 2012). Tuy nhiên, vốn đã không còn trẻ khi cập bến “Sư tử biển”, theo năm tháng lên hàng “lão tướng”, đã 5 kỳ giải ĐNA gần đây Singapore trở lại là đội bóng trung bình ở khu vực. Liên đoàn Bóng đá Singapore cũng không còn “máu me” với chuyện nhập tịch mà quay lại đầu tư cho “Young Lion”.

Philippines lại là câu chuyện khác khi triệu tập các cầu thủ mang trong mình dòng máu Phi, có cha mẹ, ông bà, thậm chí cố nội, cố ngoại là người Phi vì nhiều lý do trong quá khứ phải định cư ở nước ngoài. Nguồn cầu thủ này chủ yếu đến từ Đức (Manny Ott, Schrock, Reichelt, Ingreso), Tây Ban Nha (Maranon, Murga)… Các Phi kiều này đã làm nên cơn địa chấn ở AFF Cup 2010 khi đánh bại ĐTVN 2-0 ngay tại sân Mỹ Đình và lần đầu có danh hiệu hạng 3.

Bóng đá Malaysia cũng có thời điểm nhập tịch ồ ạt. Sumareh (Gambia), Morales (Colombia), Wilkin (Anh), Brendan (Australia), Insa (Tây Ban Nha) là những niềm hy vọng ở Asian Cup 2023 vừa qua, nhưng kết quả hoàn toàn thất vọng.

Tuy nhiên, “kỷ lục” đang thuộc về Indonesia với làn sóng nhập tịch ồ ạt trong 2 năm qua. Ban đầu, Indonesia không thành công với các ngoại binh đang chơi ở Liga 1 như: Goncalves (Brasil), Lilipaly (Hà Lan) rồi Igbonefo (Nigeria), Ahmad Agung (Đan Mạch), Baggott (Anh)…, bởi họ đã luống tuổi và thiếu tinh thần “vì màu cờ sắc áo”. Từ năm 2023, Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) có quyết định chuyển hướng quan trọng. Với nguồn cầu thủ gốc Indo dồi dào ở Âu - Mỹ, đặc biệt là Hà Lan (Indonesia vốn là thuộc địa), họ nhắm đến những cầu thủ có gốc gác quê hương, đặc biệt là trẻ trung hơn hẳn. Trong 11 cầu thủ nhập tịch được gọi cho 2 trận gặp ĐTVN, chỉ có 2 ngoại binh cũ được giữ lại là Elkan Baggott (Anh) và Marc Klok (Hà Lan), 5 gương mặt mới dạng này được bổ sung trước thềm Asian Cup hồi đầu năm, trong đó có 4 đến từ Hà Lan: Sandy Walsh (từng khoác áo U.17, U.19 Hà Lan), Rafael Struick (21 tuổi), Ivar Jenner (20 tuổi), Shayne Pattynama (25 tuổi); chỉ có trung vệ Jordi Amat đã 33 tuổi, nhưng từng có tên liên tục ở các đội tuyển trẻ Tây Ban Nha từ U.16 đến U.21. Còn để gặp ĐTVN, họ gọi thêm 4 gương mặt mới toanh đều là gốc Hà Lan: hậu vệ Nathan Tjoe Aon (22 tuổi), Jay Idzes (23 tuổi), tiền đạo Ragnar Oratmangoen (26 tuổi) và tiền vệ Thom Haye (29 tuổi). Nhằm “chiêu hiền đãi sĩ”, HLV Shin Tae-yong phải sang châu Âu xem giò cẳng, đàm phán.

Tuy nhiên, nói như hậu vệ Đoàn Văn Hậu: “Các cầu thủ nhập tịch của Indonesia cũng chỉ ở tầm ĐNA. Nếu những cầu thủ đó thật sự hay, giỏi, họ đã cố gắng vào tuyển Hà Lan hay các quốc gia ở châu Âu, thay vì nhập tịch Indonesia”.

Trước chính sách nhập tịch có phần quá đà, Phó chủ tịch PSSI phải thừa nhận ăn xổi: “Chúng tôi nhập tịch cầu thủ vì mục tiêu trước mắt”. Nhưng “lợi bất cập hại”, vì thành tích trước mắt của đội tuyển, PSSI có thể làm hại giải vô địch quốc gia, khi các cầu thủ trong nước không có cơ hội lên tuyển sẽ không còn động lực thi đấu, Liga sẽ suy giảm chất lượng, sức hấp dẫn.

Yên Chi

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/the-thao/202403/trao-luu-nhap-tich-cau-thu-cua-dong-nam-a-va-indonesia-66b5da4/