Tránh trùng lặp, không bỏ sót

Đó là đề nghị của một số đại biểu Quốc hội khi thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ, tránh tình trạng một số nội dung được quy định đồng thời ở dự thảo Luật này và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến không thuận tiện cho người dân trong quá trình áp dụng và thực thi luật.

Áp dụng cả hai luật rất khó theo dõi, khó thực hiện

Tách riêng dự thảo Luật Đường bộ để tập trung quy định các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ là cần thiết. Khẳng định điều này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo đã cố gắng phân định một cách hợp lý nhất các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật này với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương), còn một số quy định đang được quy định đồng thời ở hai dự luật, và nếu được thông qua, sẽ dẫn đến không thuận tiện cho người dân trong quá trình áp dụng và thực thi luật. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bảo đảm quy định "không bỏ sót, nhưng cũng không trùng lặp và dễ áp dụng".

Đối với hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, nội dung quan trọng nhất của hoạt động này đã được quy định tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhưng, phần lớn nội dung của dự thảo Luật Đường bộ vẫn liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông. Do đó, trong dự thảo Luật Đường bộ chỉ cần quy định hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô là một trong các loại hình vận tải hành khách, phải tuân thủ đầy đủ các quy định chung về vận tải hành khách; các quy định còn lại có thể chuyển sang quy định tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Việc vận chuyển hành khách bằng xe ô tô; việc vận tải, đưa đón học sinh bằng xe ô tô; trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển hành khách đều đang được quy định đồng thời tại hai dự thảo Luật. Nêu vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho rằng, việc tổ chức thực hiện mà phải áp dụng cả hai Luật sẽ rất khó theo dõi và khó thực hiện. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tích cực rà soát, bảo đảm thuận tiện trong việc áp dụng pháp luật cho người dân và doanh nghiệp.

Tương tự, tại Khoản 1, Điều 43, dự thảo Luật Đường bộ quy định: Trung tâm Quản lý hệ thống giao thông minh là nơi thu thập, lưu giữ, phân tích và xử lý dữ liệu để kết nối, chia sẻ cho các cơ quan có liên quan phục vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động đường bộ và chỉ huy giao thông. Tại Khoản 2, Điều 69, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định, Trung tâm chỉ huy giao thông cũng là nơi thu thập, lưu trữ phân tích, xử lý dữ liệu và cung cấp thông tin tình hình giao thông phục vụ chỉ huy, điều hành giao thông. Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh và Trung tâm chỉ huy giao thông đều là nơi thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu để phục vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động đường bộ và chỉ huy điều hành giao thông. Vì vậy, cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc biệt là các thông tin phải thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý dữ liệu của 2 trung tâm này, tránh trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ và lãng phí về nguồn lực, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị.

Đánh giá tác động của việc thu phí sử dụng đường bộ

Dự thảo Luật quy định phí sử dụng đường bộ thu qua phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phí sử dụng cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sở hữu, quản lý và khai thác. Với quy định này, ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) lo ngại, "có thể dẫn tới việc thu trùng với các loại phí có liên quan đến đường bộ". Thực tế so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật Đường bộ lần này đã bỏ quy định về Quỹ bảo trì đường bộ. Hiện nay, việc thu, nộp và sử dụng phí đường bộ được thu qua đầu phương tiện ô tô sau khi trừ chi phí tổ chức thu được, thì nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương để quản lý, bảo trì đường bộ. Do vậy, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động của việc quy định thu phí đường bộ qua đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, không chỉ bao gồm ô tô để làm cơ sở xây dựng các chính sách mới trong dự thảo Luật lần này.

Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cùng băn khoăn về quy định “nguồn thu từ phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ", ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) thẳng thắn, đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều người dân, do đó cần có sự đánh giá tác động một cách đầy đủ cũng như sự cần thiết và cơ sở thực tiễn trong việc quy định loại phí này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tại Khoản 3, Điều 44, dự thảo Luật Đường bộ quy định: Trạm thu phí đường bộ là nơi thu tiền sử dụng đường bộ đối với phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ. ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, cần quy định rất rõ,trạm thu phí đường bộ đặt ở nơi nào và nơi nào được xây dựng trạm thu phí cho tuyến đường đó, tránh tình trạng trạm thu phí "đặt ở một nơi nhưng thu cho tuyến đường khác", như Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật Đường bộ đã bổ sung quy định về thu phí đường cao tốc bên cạnh phí sử dụng đường bộ đã thu qua đầu phương tiện. Thực hiện chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết phê duyệt đầu tư các tuyến đường cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai nghiên cứu phương án thu trên các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, đánh giá tác động trong trường hợp thu phí và không thu phí đối với tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình trước Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng giải trình trước Quốc hội

Bộ trưởng cũng cho biết, các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đều có đường quốc lộ song hành, để người tham gia giao thông lựa chọn sử dụng loại đường nào. Nếu tham gia giao thông trên đường cao tốc sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn do tiết kiệm thời gian cũng như chi phí vận tải, nhiên liệu, khấu hao phương tiện... Tuy nhiên, hình thức thu phí sử dụng đường bộ hiện tại chưa tách bạch được người sử dụng đường bộ thông thường và người sử dụng đường bộ cao tốc. Để bảo đảm sự phù hợp giữa mức phí đóng góp và chất lượng dịch vụ được hưởng của người sử dụng, căn cứ trên nguyên tắc người sử dụng dịch vụ có chất lượng cao hơn phải trả chi phí cao hơn và người sử dụng có quyền lựa chọn tuyến đường song hành, dự thảo Luật đã bổ sung quy định này. Mức thu sẽ được xác định bảo đảm phù hợp với điều kiện khai thác từng khu vực, phù hợp với chất lượng dịch vụ và bảo đảm hoàn vốn đầu tư của Nhà nước để tái đầu tư cơ sở hạ tầng và bảo đảm chi phí bảo trì hàng năm.

“Quy định nêu trên bảo đảm cân đối lợi ích của người dân và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh ngân sách còn rất hạn chế. Hiện nay,thu phí qua đầu phương tiện chỉ mới đáp ứng được 35 - 40% nhu cầu bảo trì. Cho nên, nếu hệ thống đường cao tốc được xây dựng, hoàn thiện đưa vào mà không thu, tức là bỏ qua một khoản kinh phí rất khổng lồ trong vấn đề về bảo trì, thì chúng ta sẽ khó khăn”, Bộ trưởng nêu rõ.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đây là dự luật có tác động và liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, "vừa đại chúng, nhưng vừa chuyên ngành". Đặc điểm giao thông đường bộ Việt Nam là giao thông hỗn hợp, toàn dân là chủ thể tham gia. Tâm lý, tập quán, nhận thức cũng còn khác nhau.

Nhất trí là "có sự giao thoa", song Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, cần tránh trùng lặp, phân tích rõ hơn các yếu tố “tĩnh” và “động”, giải quyết mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng đường bộ và các cấu trúc có tính thượng tầng trong bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, để không chồng chéo, mâu thuẫn trên tinh thần "một việc nhiều người làm, nhiều người thực hiện, nhưng phải có một việc, một người, một cơ quan chủ trì" để tách bạch và thiết kế phù hợp giữa 2 Luật: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/khong-bo-sot-tranh-trung-lap-va-de-ap-dung-i351518/