Tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong khai thác tài nguyên khoáng sản

Chính phủ yêu cầu hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản bảo đảm việc khai thác tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 4/4/2024 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 03 năm 2024.

Tại Nghị quyết, Chính phủ cho ý kiến đối với 03 dự án Luật, 01 đề nghị xây dựng luật: (1) Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; (2) Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; (3) Dự án Luật Địa chất và khoáng sản; (4) Đề nghị xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực khai thác tài nguyên khoáng sản. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, liên quan đến dự án Luật Địa chất và khoáng sản, Chính phủ cơ bản thống nhất về nội dung dự án Luật, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung dự thảo Luật.

Việc hoàn thiện phải bảo đảm các yêu cầu: Rà soát toàn diện dự thảo Luật, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương để khắc phục hạn chế, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm việc khai thác tài nguyên khoáng sản có hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ môi trường; giải quyết các bất cập, vướng mắc của pháp luật hiện hành theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật.

Tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương gắn với nguồn lực thực hiện; đồng thời có cơ chế kiểm soát từ sớm, từ xa của các cơ quan trung ương đối với các dự án thuộc thẩm quyền; hoàn thiện quy trình cấp phép, đăng ký, bảo đảm minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Rà soát các quy định cụ thể tại dự thảo Luật có nội dung liên quan đến các quy định pháp luật khác để tránh xung đột, mâu thuẫn, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến quy hoạch, đầu tư, đấu giá, đấu thầu, sử dụng ngân sách nhà nước, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, lâm nghiệp, di sản văn hóa…

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản.

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang xây dựng 12 chương, 117 điều sửa đổi toàn diện Luật Khoáng sản năm 2010. Đây là dự án Luật chuyên ngành khó, liên quan đến một số Luật khác như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch và 1 số Luật khác, cần có sự thận trọng và bảo đảm tính thống nhất cũng như bám sát đúng tinh thần của Nghị quyết 10.

Trong quá trình xây dựng Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành rà soát với 44 Luật, Bộ luật khác để bảo đảm đồng bộ. Luật Địa chất và Khoáng sản dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 năm nay và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tranh-that-thoat-tham-nhung-lang-phi-tieu-cuc-trong-khai-thac-tai-nguyen-khoang-san-post290534.html