Tránh phá vỡ quy hoạch cây trồng chủ lực

Những năm qua, tình trạng phá vỡ quy hoạch diện tích nhiều nhóm cây trồng chủ lực đã tạo ra những hệ lụy đáng ngại về mất cân bằng dinh dưỡng thổ nhưỡng; khó kiểm soát dịch hại; năng suất cây trồng không ổn định…

Để phát triển bền vững, một trong những yếu tố quan trọng là các địa phương cần tuân thủ quy hoạch diện tích cây trồng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chăm sóc hồ tiêu tại huyện Cư M'gar (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Minh Thuận

Chăm sóc hồ tiêu tại huyện Cư M'gar (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: Minh Thuận

Nhiều cây trồng vượt quy hoạch

Hồ tiêu là cây trồng chủ lực của nước ta. Tổng diện tích trồng hồ tiêu trên cả nước hiện là khoảng 131,8 nghìn héc ta, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030, diện tích trồng hồ tiêu của cả nước ở mức 50.000ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000ha. Như vậy, diện tích hồ tiêu hiện nay vượt gấp đôi so với quy hoạch. “Việc ồ ạt mở rộng diện tích trồng hồ tiêu khiến nhiều năm giá nông sản này giảm mạnh. Khi giá hồ tiêu xuống thấp, người dân chặt bỏ chuyển sang trồng cây khác, ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng hồ tiêu và nguồn dinh dưỡng đất”, ông Nguyễn Như Cường phân tích.

Tương tự, giai đoạn 2016-2019 là “thời hoàng kim” của cây mít Thái, có thời điểm giá lên đến 60.000 đồng/kg. Nông dân các tỉnh ồ ạt trồng loại cây này. Hệ lụy là năm 2022, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường Trung Quốc hạn chế thu mua, giá mít Thái sụt giảm xuống chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg khiến nhiều hộ chặt bỏ, chuyển sang cây trồng khác…

Hay như với sầu riêng, là cây trồng đang có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của ngành hàng trái cây nước ta. Tại một số địa phương, diện tích trồng sầu riêng đang tăng nhanh. Tuy nhiên, việc xuất khẩu trái cây này còn phụ thuộc vào một vài thị trường nên tiềm ẩn nguy cơ “được mùa - mất giá”... Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông Nguyễn Thị Tình cho hay, theo quy hoạch phát triển đến năm 2025, diện tích sầu riêng của tỉnh là 5.000ha, song đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã có 6.139ha sầu riêng, vượt xa quy hoạch. “Nếu nông dân sản xuất sầu riêng tự phát, không theo quy chuẩn xuất khẩu sẽ dẫn đến cung vượt cầu, lúc đó giá bán có thể thấp và không hiệu quả", bà Nguyễn Thị Tình lo ngại.

Theo thống kê của Bộ NN& PTNT, diện tích cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương đang vượt quy hoạch. Điển hình như: Dưa hấu (Quảng Ngãi), hành tím (Sóc Trăng), thanh long (Bình Thuận), mía tím (Hòa Bình), sầu riêng, hạt tiêu… ở một số tỉnh.

Gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ

Đánh giá về hệ lụy từ việc phá vỡ quy hoạch diện tích một số cây trồng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, quy hoạch diện tích cây trồng đều căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu; nhu cầu thị trường... Tuy không chính xác trong từng thời điểm cụ thể nhưng quy hoạch luôn có tính chiến lược, vì lợi ích lâu dài.

Để kiểm soát chặt chẽ diện tích cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả, Bộ NN&PTNT đã ban hành Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030. Trong đó, đề án xác định 14 loại cây ăn quả chủ lực, gồm: Thanh long, xoài, chuối, vải, sầu riêng, nhãn, cam, bưởi, dứa, chôm chôm, mít, chanh leo, bơ, na. Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, khi ban hành đề án này, Bộ NN&PTNT dựa trên nghiên cứu về lợi thế đất đai, thời tiết, khí hậu, cây trồng và nhu cầu thị trường trong nước, quốc tế. Tuy nhiên, tính pháp lý của đề án không cao bằng quy hoạch, bởi đề án chỉ mang tính định hướng loại cây trồng, quy mô, diện tích, vùng trồng.

Để kiểm soát diện tích, bảo đảm vấn đề tiêu thụ, theo Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam Hoàng Thị Liên, việc quy hoạch vùng trồng cần tính đến điều kiện tự nhiên để hồ tiêu cho chất lượng, năng suất tốt nhất. Điều quan trọng là các vùng trồng hồ tiêu cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, canh tác bền vững, tạo vùng nguyên liệu theo chuỗi…

Từ góc nhìn địa phương, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang cho rằng, quy hoạch diện tích cây trồng không phải là khung cứng, rập khuôn. Tuy nhiên, các địa phương cần chủ động kiểm soát diện tích. Vùng trồng cần đáp ứng điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, tưới tiêu… Một yếu tố căn bản nữa là cần căn cứ nhu cầu thị trường để điều chỉnh, đưa ra những khuyến cáo kịp thời cho nông dân.

Ở góc độ quản lý, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường khẳng định, Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát diện tích cây trồng theo từng năm để có định hướng phát triển kịp thời. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ bổ sung quy hoạch một số cây trồng chủ lực, có vai trò trong an ninh lương thực, khả năng cạnh tranh cao tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có chế tài đủ mạnh để người dân và chính quyền địa phương thực hiện sản xuất theo quy hoạch.

Có thể thấy, sự phát triển của bất cứ loại cây trồng hay sản phẩm nào cũng cần gắn với vùng sản xuất, chế biến, tiêu thụ… mới bảo đảm tính bền vững. Nông sản Việt Nam cần tập trung vào chất lượng, xây dựng thương hiệu, khẳng định uy tín, qua đó từng bước mở rộng thị trường và nâng cao kim ngạch xuất khẩu, góp phần phát triển bền vững ngành Nông nghiệp.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tranh-pha-vo-quy-hoach-cay-trong-chu-luc-646949.html