Tranh nude ngày càng cuốn hút

Không còn dè dặt hoặc chỉ dùng trang trí tại không gian riêng tư, tranh nude (khỏa thân) ở nước ta đang ngày một lan tỏa và chinh phục được công chúng bằng chất nghệ thuật.

Vẽ nude là cách tôn vinh cái đẹp

Nhiều họa sĩ thừa nhận, tranh nude là chủ đề nhạy cảm trong văn hóa truyền thống Việt Nam và nhiều nước Á Đông; ngay cả phương Tây cũng có thời kỳ tranh nude gặp phản bác, phải xóa đi, vẽ thêm quần áo vào. Tuy nhiên, vẽ tranh nude đã có từ thời Phục Hưng chứ không phải giờ mới có mặc dù bút pháp thể hiện khác nhau và nhìn về khía cạnh tranh nghệ thuật, nó khác với hình ảnh mang tính chất gợi dục. Tranh khỏa thân là một đề tài quen thuộc, những người làm mỹ thuật đều phải nghiên cứu về cơ thể con người.

Theo họa sĩ Đặng Thị Thu An, vẽ tranh nude là cách tôn vinh cái đẹp. Tranh nude là tác phẩm trong sáng, thuần khiết, nhìn vào ta thấy đẹp, gợi những cảm xúc đẹp, ca ngợi vẻ đẹp con người. Ranh giới để phân biệt tác phẩm nghệ thuật với tranh dung tục là ở mỗi người, mỗi cộng đồng có một tiêu chí riêng, luật pháp hay nguyên tắc đạo đức là một chuyện, còn bản thân nhận thức, trình độ cá nhân mới là quan trọng.

Một góc triển lãm “Nude - Vẻ đẹp tuyệt mỹ của tạo hóa”.

Một góc triển lãm “Nude - Vẻ đẹp tuyệt mỹ của tạo hóa”.

Lan tỏa theo thời gian

Trên thực tế, nhiều tác phẩm nude về người phụ nữ của các danh họa Việt đã được bán với số tiền lớn ở các sàn đấu giá quốc tế thời gian qua. Tiêu biểu có tranh sơn dầu Khỏa thân của Lê Phổ (gần 1,4 triệu USD), tranh lụa Nu của họa sĩ Mai Trung Thứ (459.588 USD), Nghỉ ngơi sau khi tắm của Vũ Cao Đàm (hơn 14 tỷ đồng), Nhà tắm của danh họa Lê Phổ (5,8 tỷ đồng), Dáng ngọc của họa sĩ Nguyễn Huyến (45.000 USD)... Đặc biệt, tranh nude đã thoát khỏi những không gian chật hẹp và riêng tư, để gần đây “bước ra ánh sáng” khi nhiều cuộc triển lãm về dòng tranh này được tổ chức.

Tại tại Nhà triển lãm Mỹ Thuật (16 Ngô Quyền, Hà Nội) đang diễn ra triển lãm Nude - Vẻ đẹp tuyệt mỹ của tạo hóa, kéo dài đến ngày 14/11. Các tác phẩm được lựa chọn đưa vào triển lãm thuộc nhiều thể loại như tranh lụa, sơn dầu, sơn mài… hướng tới tiêu chí tôn vinh cái đẹp của người phụ nữ dưới cái nhìn nhân văn, văn minh do họa sĩ Bùi Trung Hà, Duy Hà, Nguyễn Trọng Hà, Kiều Hải, Nguyễn Hồng, Thế Hùng, Nguyễn Đức Sáng, Trần Văn Trường thể hiện.

Mọi người sẽ thấy người phụ nữ không chỉ hiện hữu sinh động trong mọi khía cạnh của đời sống mà còn mang những sắc thái biểu đạt rất giàu chất thơ. Ngôn ngữ của mỹ thuật đã làm phong phú và đa dạng hơn những nét đẹp của người phụ nữ trong đời thường, trong sinh hoạt và trong mọi góc nhìn. “Tại triển lãm này, các tác giả đã xây dựng một phong cách biểu hiện để thể hiện vẻ đẹp bất tận của người phụ nữ. Mỗi người một phong cách, mỗi người thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ khác nhau” - họa sĩ Bằng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá.

Trước đó, lần đầu tiên ở Hà Nội, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức triển lãm tranh nude Cảm hứng bất tận, giới thiệu 60 tác phẩm mỹ thuật hội họa và điêu khắc của 30 tác giả bậc thầy từ xưa đến nay, diễn tả về vẻ đẹp hình thể người phụ nữ. Tại đây, khách thưởng lãm được xem bức tranh Thiếu nữ nằm của danh họa Bùi Xuân Phái, khắc họa hình ảnh chắt chiu cái đẹp của thời bao cấp khốn khó. Họa sĩ Trần Khánh Chương lại bay bổng, phóng khoáng trong loạt tranh Thiếu nữ và hoa, được ông thể hiện nhuần nhị trong chất liệu tempêra trên lụa. Lê Trí Dũng vốn nổi tiếng vẽ ngựa, thì ở triển lãm này ông khéo kết hợp giữa người đẹp nóng bỏng với dáng ngựa dũng mãnh để đưa vào tác phẩm Bên bức tranh cổ... Triển lãm vì thế giúp người xem được thưởng thức và cảm nhận nghệ thuật khỏa thân một cách trực diện và trọn vẹn, thoát khỏi sự e thẹn, dè dặt hoặc định kiến như trước kia.

Phạm Hoa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tranh-nude-ngay-cang-cuon-hut-n182660.html