Tranh luận về khung giờ hạn chế người chưa thành niên phạm tội ra khỏi nhà

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định hạn chế ra khỏi nhà trong khung giờ nhất định là biện pháp xử lý chuyển hướng, nghiêm cấm người chưa thành niên ra khỏi nhà trong khung giờ cụ thể từ 18 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Ngày 23-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đây là dự án luật mới, có tác động trực tiếp đối với người chưa thành niên phạm tội, các hình phạt và biện pháp tố tụng đối với người chưa thành niên.

Tại buổi góp ý đa phần đại biểu là đại diện một số sở ban, ngành; chuyên gia luật cho rằng hiện nay pháp luật cũng có quy định một số điều khoản dành cho những người chưa thành niên. Thế nhưng một số điều khoản này nằm rải rác và chưa thật sự đảm bảo toàn diện về mọi mặt tốt nhất cho người chưa thành niên.

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM lấy ý kiến góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Do đó, Luật tư pháp người chưa thành niên nếu được thông qua sẽ phù hợp với đường lối chung, tính hợp lý, thống nhất với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo luật cần phải được xem xét, chỉnh sửa một số điều khoản để những quy định khi đưa vào áp dụng sát với thực tiễn hơn.

Cân nhắc mức phạt tiền đối với người phạm tội

Dự thảo Luật quy định: Xử lý chuyển hướng là thủ tục thay thế thủ tục tố tụng hình sự để xử lý người chưa thành niên phạm tội bằng các biện pháp giáo dục, phòng ngừa mang tính xã hội.

Chương trình xử lý chuyển hướng là kế hoạch chi tiết việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, tổ chức hỗ trợ, giám sát người chưa thành niên thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng do người làm công tác xã hội lập nên trên cơ sở kết quả phiên họp xem xét đánh giá khả năng phục hồi của người chưa thành niên.

Góp ý cho nội dung này, ông Nguyễn Tăng Minh, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH nêu: Người làm công tác xã hội trong cơ quan Nhà nước, trong các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các trường đại học, các trung tâm, … mã số nghề đã có Thông tư 26/2022 của Bộ LĐ-TB&XH quy định công tác xã hội viên chính, Công tác xã hội viên, nhân viên công tác xã hội.

"Vậy cơ quan nào sẽ cấp giấy hành nghề hay chứng chỉ hành nghề công tác xã hội, không phải chỉ đưa bằng cấp cử nhân, trung cấp công tác xã hội là nói tôi làm công tác xã hội", ông Minh đặt câu hỏi và cho rằng điều này cũng cần làm rõ, nếu không Luật Tư pháp người chưa thành niên được Quốc hội thông qua có hiệu lực thì không có cơ sở pháp lý xác định người làm công tác xã hội và người này đòi hỏi có bằng cấp như thế nào.

Cũng theo ông Minh, dự thảo quy định người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây với mỗi tội phạm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Tù có thời hạn.

Tuy nhiên, đối với hình phạt tiền phải cân nhắc lại vì trẻ thì thường không có tiền; mà gia đình cha, mẹ nộp tiền thay thì phải đưa vào dự thảo Luật.

Đồng thời, chỉ phạt tiền tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, không phạt tiền tội đặc biệt nghiêm trọng.

“Hiện nay, mô hình Tòa Gia đình và người chưa thành niên ở một số tỉnh, thành vẫn chưa được thành lập. Nếu chưa thành lập đủ thì khi Luật này được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thì vẫn chưa thực hiện được.

Ngoài ra, tại Điều 148, dự thảo có quy định các trường hợp được hỗ trợ. Cụ thể, Chính phủ quy định mức hỗ trợ từ Quỹ bảo trợ trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có vài tỉnh, thành có quỹ bảo trợ trẻ em. Nếu quy định hỗ trợ từ Quỹ bảo trợ trẻ em, mà không có quỹ thì chi từ nguồn nào? Vì thế, dự thảo phải xem lại tính khả thi khi nếu dự thảo được thông qua”- ông Minh nêu.

Ông Nguyễn Tăng Minh, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Khung giờ hạn chế người chưa thành niên phạm tội ra khỏi nhà

Tại khoản 2, Điều 42 của dự thảo quy định hạn chế người chưa thành niên phạm tội ra khỏi nhà trong khung giờ nhất định từ 18 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Đây là một trong 12 biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội được quy định tại dự thảo.

Thượng tá Lê Văn Bách, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho rằng quy định này là hợp lý.

Bởi theo ông Bách, từ 18 giờ đến 6 giờ sáng những người này ra đường để làm gì? Nếu ra đường rất dễ phạm tội. Chính vì thế, người chưa thành niên đang bị quản thúc thì phải tuân thủ. Ngoài ra, chúng ta không thể áp dụng tính chất đặc thù với khung giờ là 22 giờ tại TP.HCM được vì đây là quy định được áp dụng chung cho các nước.

Trong khi đó, một lãnh đạo của Phòng Tư pháp quận 3 ý kiến: Việc quy định khung giờ hạn chế người chưa thành niên phạm tội không được ra khỏi nhà là chưa hợp lý. Bởi, dù bị quản thúc thì các em cũng phải đến trường và tham gia những khóa học. Trong khi đó, việc cấm đối tượng này ra khỏi nhà với khung giờ nêu trên sẽ khiến các em gặp khó khăn trong việc học tập.

“Theo tôi dự thảo nên chỉnh theo hướng đối với đối tượng bị hạn chế ra khỏi nhà từ 18 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, trừ trường hợp phải tham gia các khóa học. Có như thế mới hợp lý, đồng thời cũng tạo điều kiện để các em có thời gian học tập”- vị lãnh đạo của Phòng Tư pháp quận 3 nêu.

Các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế đối với người chưa thành niên

Dự thảo Luật quy định sáu biện pháp ngăn chặn và ba biện pháp cưỡng chế đối với người chưa thành niên phạm tội, trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 419 của BLTTHS và bổ sung mới hai biện pháp, gồm: giám sát điện tử và giám sát tại nhà.

Việc bổ sung mới biện pháp ngăn chặn: giám sát điện tử và giám sát tại nhà vừa nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục, giám sát người chưa thành niên, vừa thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị “hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam”. …Tuy nhiên, đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hơn về nguồn lực bảo đảm đối với việc bổ sung biện pháp giám sát điện tử.

Ngoài ra, Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành quy định người trưởng thành và người chưa thành niên cùng chung các căn cứ tạm giam là chưa phù hợp với đặc điểm của người chưa thành niên. Do đó, dự thảo Luật cần tách riêng các căn cứ tạm giam người chưa thành niên so với người trưởng thành và thu hẹp các trường hợp người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tạm giam.

PHẠM THỊ THU HÀ, Phó chánh án TAND TP.HCM

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tranh-luan-ve-khung-gio-han-che-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-ra-khoi-nha-post787054.html