Tranh luận tân HLV tuyển Việt Nam kiêm nhiệm U23

Việc HLV Hoàng Anh Tuấn chia tay U23 Việt Nam sau chiến dịch U23 châu Á theo thỏa thuận với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) được cho là 'dọn đường' cho một HLV ngoại kiêm nhiệm 2 đội tuyển như trong quá khứ.

Câu chuyện kiêm nhiệm từng là chủ đề gây tranh luận mỗi khi VFF tuyển HLV trưởng, và nay được xới lại khi tân HLV dự kiến được công bố trong tháng 5 này.

Nhìn sang các nền bóng đá phát triển, kiêm nhiệm bị xem là bất cập. Thất bại mới đây của U23 Hàn Quốc được truyền thông nước này chỉ ra là do HLV trưởng Hwang Sun-hong phải kiêm nhiệm cả đội tuyển quốc gia đá vòng loại World Cup lẫn U23 đá giải châu Á săn vé Olympic.

Nhưng ở phạm vi Đông Nam Á, ngoại trừ Thái Lan vài năm trở lại đây bắt đầu phân nhiệm (chọn một thầy ngoại dẫn đội tuyển quốc gia còn U23 giao cho thầy nội) thì còn lại đều chọn thầy ngoại rồi giao kiêm nhiệm. Việc này được lý giải là để xứng với khoản kinh phí lớn mà các liên đoàn phải bỏ ra, mặt khác tạo sự thống nhất, xuyên suốt từ U23 đến đội tuyển quốc gia.

Điểm chung giúp 3 HLV Park Hang-seo, Kiatiak, Shin Tae-yong thành công khi kiêm nhiệm là có trong tay những cầu thủ tốt

Với bóng đá Việt Nam, việc kiêm nhiệm 2 đội tuyển gần như là điều khoản "đóng đinh" trong hợp đồng mỗi khi VFF thuê thầy ngoại. Nhưng ngoại trừ HLV Park Hang-seo thành công, các HLV còn lại hoặc chỉ thành công với 1 đội tuyển, hoặc thất bại cùng cả hai khi "vừa xay lúa, vừa bế em".

Sau thất bại ê chề của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2012, HLV Phan Thanh Hùng cay đắng từ nhiệm. Phó Chủ tịch VFF khi đó là ông Lê Hùng Dũng thừa nhận VFF sai lầm khi để ông Hùng đảm đương quá nhiều công việc (đội tuyển quốc gia, U23, CLB Hà Nội T&T), dẫn đến quá tải và thiếu hiệu quả.

Nhìn sang các nước láng giềng, HLV Kiatisak của Thái Lan trước đây (giai đoạn 2014-2016) hay HLV Shin Tae-yong của Indonesia hiện tại là 2 cái tên hiếm hoi gặt hái thành công trong vai trò kiêm nhiệm, như HLV Park Hang-seo.

Điểm chung giúp họ thành công là nhờ nắm trong tay lứa cầu thủ tốt, được đào tạo bài bản, ăn tập cùng nhau và thấm nhuần triết lý HLV qua nhiều năm làm việc.

Phân tích để thấy, việc kiêm nhiệm hay chuyên trách không phải căn nguyên trong thành công hay thất bại của một HLV.

"Có bột mới gột nên hồ", nếu không quan tâm, chăm chút tạo ra các lứa cầu thủ chất lượng kế cận - như Thái Lan đã và đang làm rất tốt - thì HLV dù hồ sơ đẹp, chỉ chuyên trách một đội tuyển cũng rất khó có thể thành công.

Cựu Phó Chủ tịch VFF kiêm Trưởng đoàn đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, 2018 - ông Dương Vũ Lâm cho rằng đây là lúc các đội tuyển Việt Nam hướng đến sự chuyên biệt, thử thách các HLV nội ở đội U23, dự phòng cho HLV ngoại ở đội tuyển quốc gia.

"Các HLV ngoại trước đây làm việc tại Việt Nam phải kiêm nhiệm hai đội tuyển. Tôi cho rằng đã đến lúc phải thay đổi. Bóng đá ngày nay không còn giống như trước nữa, giờ là lúc chúng ta tách biệt hai đội tuyển này. Vị trí HLV đội U23 cũng như các đội tuyển trẻ nói chung nên giao cho HLV nội, còn vị trí HLV đội tuyển quốc gia giao cho HLV ngoại. Thuê hai HLV cùng lúc như thế này cũng không tốn kém, vì lương của các HLV nội không cao", ông Dương Vũ Lâm góp ý.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tranh-luan-tan-hlv-tuyen-viet-nam-kiem-nhiem-u23-post574750.antd