Tranh cãi xung quanh kế hoạch trục vớt con tàu đắm trị giá 20 tỷ USD của Colombia

Thuyền buồm San Jose bị người Anh phá hủy ngoài khơi Colombia vào năm 1708, nó đã chìm cùng với cả một kho báu khổng lồ. Chính phủ Colombia đang lên kế hoạch trục vớt San Jose nhưng không phải ai cũng muốn nhìn thấy con tàu đắm này được đưa lên mặt nước.

Kế hoạch trục vớt kho báu huyền thoại

Khi San Jose thực hiện chuyến hành trình cuối cùng của mình từ Seville, Tây Ban Nha đến châu Mỹ vào năm 1706, con tàu 3 cột buồm có trọng tải khoảng 1.000 tấn này được coi là một trong những cỗ máy phức tạp nhất từng được chế tạo vào thời điểm đó.

Nhưng ngay lập tức, con tàu chở hàng có vũ trang này đã chuyển từ một ví dụ điển hình về kiến trúc hàng hải trở thành thứ mà những người săn tìm kho báu coi là Chén Thánh của những vụ đắm tàu.

Lý do vì San Jose bị hạm đội của người Anh phá hủy trong một trận hải chiến vào năm 1708 rồi chìm ngoài khơi bờ biển Cartagena (Colombia), cùng với một lượng vàng, đồ trang sức và các hàng hóa khác có thể trị giá lên tới 20 tỷ USD ngày nay.

Một số chuyên gia cho rằng kho báu đó đã bị thổi phồng. Có nguồn tin nhận định số vàng bạc cùng những hòm ngọc lục bảo và đồ trang sức quý mà San Jose mang theo chỉ trị giá khoảng 4-17 tỷ USD. Nhưng dù là 4, 17 hay 20 tỷ USD thì con số này vẫn đủ lớn để biến San Jose trở thành một trong những kho báu đắm tàu được tìm kiếm nhiều nhất thế giới.

Huyền thoại được xây dựng xung quanh kho báu này khiến chính phủ Colombia trong nhiều thập kỷ qua quyết định giữ bí mật về vị trí chính xác của con tàu đắm vì lý do an ninh quốc gia. Nhưng giờ đây, Tổng thống Colombia, Gustavo Petro, muốn đẩy nhanh kế hoạch đưa con tàu cùng lượng hàng hóa chìm với nó lên mặt nước - và mọi người đều muốn có một phần trong đó. Ông Petro đã chỉ đạo Bộ Văn hóa Colombia thành lập một dự án đối tác công tư để trục vớt con tàu, với mục tiêu đưa ít nhất một phần con tàu vào đất liền trong năm cuối nhiệm kỳ Tổng thống của ông, năm 2026.

Một con tàu buôn vũ trang 3 buồm tương tự như tàu San Jose đang được trưng bày tại Tây Ban Nha - Ảnh: Dorset Echo

Một con tàu buôn vũ trang 3 buồm tương tự như tàu San Jose đang được trưng bày tại Tây Ban Nha - Ảnh: Dorset Echo

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Colombia, ông Juan David Correa cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng chính phủ nước này có kế hoạch mở một quy trình đấu thầu trong vòng ba đến bốn tháng. Ông Correa nói chính phủ Colombia cũng đang xem xét xây dựng một bảo tàng và một phòng thí nghiệm để nghiên cứu và trưng bày những gì trục vớt được từ con tàu.

“Chúng ta cần ngừng coi đây là kho báu. Nó không phải là kho báu theo nghĩa thế kỷ 19”, Bộ trưởng Correa nói. “Đây là một di sản khảo cổ dưới nước và nó có tầm quan trọng về mặt văn hóa và quan trọng đối với Colombia”.

Vẫn còn quá nhiều thách thức

Nhưng kế hoạch đưa San Jose lên mặt nước không hề đơn giản do vấp phải đầy rẫy xung đột.

Các nhà khảo cổ và sử học đã lên án nỗ lực này, cho rằng việc làm xáo trộn con tàu huyền thoại sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi. Nhiều bên, bao gồm Colombia và Tây Ban Nha, đã đưa ra yêu sách đối với San Jose và những thứ bên trong con tàu. Các nhóm bản địa và hậu duệ địa phương của cộng đồng Afro-Caribbean cho rằng họ có quyền được bồi thường vì tổ tiên của họ đã khai thác kho báu.

Và, có lẽ cuộc xung đột lớn nhất, lâu dài nhất nằm trong tay Tòa án trọng tài quốc tế ở London.

Bức tranh của họa sĩ Samuel Scott, “Wager's Action Off Cartagena,” mô tả cảnh tàu San Jose phát nổ và chìm trong trận hải chiến với hạm đội Anh - Ảnh: New York Post

Bức tranh của họa sĩ Samuel Scott, “Wager's Action Off Cartagena,” mô tả cảnh tàu San Jose phát nổ và chìm trong trận hải chiến với hạm đội Anh - Ảnh: New York Post

Kế hoạch trục vớt đã vướng vào một thủ tục pháp lý kể từ năm 1981, khi một nhóm tìm kiếm có tên Glocca Morra tuyên bố đã tìm thấy tàu San Jose. Theo tài liệu của tòa án, nhóm này đã bàn giao tọa độ cho chính phủ Colombia với hiểu biết rằng họ được hưởng một nửa kho báu.

Bất chấp những thay đổi luật pháp của Colombia, Glocca Morra đã nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu kho báu của mình trong nhiều thập kỷ. Xung đột trở nên sâu sắc hơn vào năm 2015, khi chính phủ Colombia cho biết họ đã tìm thấy con tàu đắm ở một địa điểm khác, nơi mà chủ sở hữu mới của Glocca Morra, Sea Search Armada, cho rằng cách tọa độ của họ khoảng một hoặc hai hải lý.

Sea Search Armada, một nhóm các nhà đầu tư Mỹ, đang chiến đấu chống lại sự thay đổi luật năm 2020 của Colombia, theo đó “đơn phương chuyển đổi mọi thứ trên tàu thành tài sản của chính phủ”, Rahim Moloo, luật sư đại diện cho nhóm, cho biết trong một tuyên bố. Ông Moloo nói, nếu Colombia “muốn giữ mọi thứ trên San Jose cho riêng mình thì họ có thể làm như vậy, nhưng họ phải bồi thường cho khách hàng của chúng tôi vì đã tìm thấy nó ngay từ đầu”.

Nhóm đang yêu cầu kho báu mà họ ước tính trị giá 10 tỷ USD.

Chính xác những gì nằm bên dưới vẫn còn là một điều bí ẩn.

Để tìm manh mối, các nhà sử học đã dựa vào con tàu chị em của San Jose là San Joaquin vốn được cho rằng đã bám ngay theo San José khi nó bị chìm. Các tài liệu còn lại cho biết, San Joaquín về tới Tây Ban Nha với khoảng 17 tấn tiền xu từ Peru cùng nhiều mặt hàng giá trị khác.

Vị trí nơi con tàu San Jose bị đắm năm 1708 - Ảnh: New York Post

Vị trí nơi con tàu San Jose bị đắm năm 1708 - Ảnh: New York Post

Bộ trưởng Văn hóa Colombia, Juan David Correa cho biết: “Chúng tôi không biết làm thế nào các vật liệu có thể tồn tại sau ba thế kỷ chìm trong nước”, đồng thời nói thêm rằng chính phủ Colombia sẽ đánh giá một vài mảnh vỡ thu được từ con tàu đắm trước khi tiến hành khai quật toàn bộ.

Ông nói: “Chúng là những tác phẩm có tầm quan trọng văn hóa to lớn, có thể cho chúng ta kể lại quá khứ thuộc địa của mình. Chúng tôi sẽ làm điều đó nhanh nhất có thể theo lệnh của tổng thống, nhưng cũng phải chuyên nghiệp và kỹ thuật nhất có thể”.

Ông Correa nói vì con tàu đắm xuống quá sâu, cách mặt nước ít nhất vài trăm mét nên “sự sống con người không thể tới đó”. Bất kỳ hoạt động thu hồi nào, do đó, đều cần đến tàu lặn hoặc các robot dưới nước.

Nhưng Ricardo Borrero, một nhà khảo cổ học hàng hải ở Bogota, cho biết bất kỳ hình thức xáo trộn nào đối với San Jose cũng sẽ là “thiếu sáng suốt” và mang tính xâm phạm, có nhiều rủi ro hơn là phần thưởng. Ông nói: “Con tàu đắm nằm đó vì nó đã đạt đến trạng thái cân bằng với môi trường. Các vật liệu của San Jose đã ở trong điều kiện này suốt 300 năm và không có cách nào tốt hơn để chúng được nghỉ ngơi”.

Ông Borrero cho biết việc kiểm tra hải trình của San José, ước tính tốc độ của nó và biểu đồ khí áp của khu vực cho thấy con tàu nằm ở độ sâu từ 200 đến 700 mét dưới mặt nước. Tuy nhiên, những hình ảnh chụp từ nhiều chuyến lặn của chính phủ Colombia cho thấy sự sống giữa các mảnh vỡ, bao gồm cả cá, cho thấy ánh sáng có thể xuyên qua ở độ sâu nơi quá trình quang hợp có thể diễn ra.

“Cuộc sống là một manh mối cho thấy con tàu không chìm xuống sâu như người ta nói”, ông Borrero nhận định.

Nhà khảo cổ học hàng hải này cũng nói rằng những ước tính kho báu có trị giá tới 20 tỷ USD là đáng nghi ngờ và nhiều khả năng đã bị “phóng đại quá mức”. Ông Borrero cho biết, các tài liệu lịch sử từ tàu San Joaquin chỉ ra rằng con tàu chị em với San Jose có lượng hàng hóa “ít hơn đáng kể” so với sức chứa của tàu. Và giá trị quy đổi của chúng cũng chỉ khoảng 1/10 so với con số 20 tỷ USD mà nhóm Sea Search Armada ước tính về những gì đang nằm dưới đáy biển với San Jose.

Thay vì di chuyển con tàu, ông Borrero nói rằng San Jose nên được giữ nguyên vẹn dưới đáy biển, nơi nó tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu xem xét một ví dụ điển hình về toàn cầu hóa.

“Các vụ đắm tàu là cách tốt nhất để thông báo cho hậu thế về quá trình sản xuất, tích lũy và phân phối hàng hóa liên lục địa trong quá khứ,” ông Borrero nói. “Bằng cách nghiên cứu chúng, bạn có thể tái tạo lại lịch sử thương mại toàn cầu”.

Điều gì đã xảy ra với San Jose?

San Jose là chiến thuyền buồm chở hàng có vũ trang được đóng vào năm 1698 theo yêu cầu của Công tước Arístides Eslava người Tây Ban Nha. Với 3 cột buồm và chiều dài 32,46 mét, San Jose có sức chứa 1.200 tấn hàng hóa và mang theo 64 khẩu đại bác. Trong Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha, tàu San Jose thường xuyên di chuyển giữa Peru và Tây Ban Nha, mang theo đá quý và vàng bạc khai thác được từ Nam Mỹ về châu Âu để tài trợ cho nỗ lực chiến tranh của nhà vua Tây Ban Nha, Felipe V.

Trong chuyến hành trình cuối cùng, San José ra khơi với tư cách là soái hạm của Hạm đội kho báu gồm ba tàu chiến và 14 tàu buôn đi từ Portobelo (Panama) đến Cartagena (Colombia). Vào ngày 8/6/1708, hạm đội của San Jose chạm trán với một hạm đội Anh khi đã gần tới đích, dẫn đến một trận hải chiến được gọi là Wagner’s Action. Trong quá trình giao tranh, kho đạn của San Jose đã phát nổ, phá hủy gần như tan tành con tàu và khiến nó chìm cùng với hầu hết thủy thủ đoàn cùng số vàng, bạc, ngọc lục bảo, đồ trang sức khổng lồ thu thập được ở các thuộc địa Nam Mỹ.

Theo các tài liệu, chỉ có 11 trên tổng số 600 người trên tàu sống sót.

Quang Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/tranh-cai-xung-quanh-ke-hoach-truc-vot-con-tau-dam-tri-gia-20-ty-usd-cua-colombia-i714852/