Tranh cãi trước giải marathon vô địch quốc gia 2023

Các VĐV phong trào kiến nghị với ban tổ chức giải marathon VĐQG Báo Tiền Phong 2023 về việc phải chạy ở cung đường dốc hơn so với các VĐV chuyên nghiệp.

Giải VĐQG marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong 2023 dự kiến khởi tranh vào từ 24/3 đến 26/3 tại tỉnh Lai Châu. Đến nay, giải đã có đông đảo VĐV chuyên nghiệp lẫn bán chuyên, phong trào đăng ký tham dự.

Ở các cự ly marathon, có hai cung đường chạy khác nhau, một dành cho hệ VĐV chuyên nghiệp, một dành cho hệ VĐV bán chuyên/phong trào. Trong thời gian khảo sát và chạy thử, các VĐV phong trào đã nhiều lần có ý kiến về việc cung đường dành cho nhóm người tham dự này khó khăn, dốc hơn so với các VĐV chuyên nghiệp.

“Các VĐV phong trào sẽ chạy cung đường giống với các VĐV chuyên nghiệp. Nhưng chúng tôi không hiểu tại sao từ km 18 trở đi lại phải tách ra chạy cung đường khác dốc, cao và hiểm trở hơn. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến thành tích”, một người chạy bán chuyên đặt câu hỏi cho ban tổ chức ở cuộc họp báo sáng 10/3.

Cung đường 42 km của hệ VĐV bán chuyên tại giải marathon VĐQG 2023 ở Lai Châu.

Ông Lê Xuân Sơn, trưởng ban tổ chức giải, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, giải đáp thắc mắc: “Đường chạy của hai hệ VĐV trùng nhau đến 90%. Ban tổ chức chỉ bố trí tách nhóm ở 2 km giữa. Đường chạy cho hệ VĐV chuyên nghiệp phải được chọn đúng tiêu chuẩn hơn vì đây là giải VĐQG”.

Theo ban tổ chức, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã cử cán bộ đến Lai Châu sớm để thẩm định, đo đạc chính xác rồi mới quyết định chia đường chạy cho nhóm VĐV phong trào và chuyên nghiệp chứ không phải các VĐV chuyên nghiệp được chọn đường chạy như ý muốn.

“Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các VĐV phong trào được trải nghiệm cảm giác thi đấu với các VĐV chuyên nghiệp. Ngoài ra khi dự giải, họ cũng sẽ được quan sát phong cảnh đẹp ở Lai Châu. Đó cũng là động lực để địa phương nâng cấp tình trạng giao thông, đường sá. Người dân ở đó cũng sẽ được hưởng giao thông tốt hơn”, ông Sơn nói.

Người chạy bán chuyên sẽ dự thi trên cung đường có hang động với địa hình khá hiểm trở.

Tại giải VĐQG marathon 2023, thời gian chạy tối đa (Cut off time) của cự ly 42 km với cả hai hệ chuyên nghiệp và phong trào đều cùng là 6 giờ 30 phút bất chấp việc VĐV phong trào phải chạy ở cung đường thử thách hơn. Quy định này tạo ra tranh cãi về tính công bằng.

Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam (VAF) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Chúng tôi ghi nhận góp ý này từ người tham dự và đã cùng ban tổ chức điều chỉnh lại Cut off time với hệ bán chuyên lên 7 giờ”.

Ở giải marathon Báo Tiền Phong 2023, các VĐV phong trào dù đạt thành tích cao cũng không được Liên đoàn Điền kinh Việt Nam phong đẳng cấp Kiện tướng. Theo thay đổi mới nhất, quy định phong đẳng cấp chỉ được áp dụng cho các VĐV chuyên nghiệp. Lý do được đưa ra là cần có sự tách biệt giữa hai hệ VĐV.

“Các VĐV không chuyên phải đi tuần tự từng bước, trước hết là phải được ghi nhận bởi các địa phương, đơn vị thì mới được tính vào hệ thống thi đấu của giải VĐQG”, đại diện ban tổ chức chia sẻ.

Ban tổ chức cũng cho biết giải VĐQG marathon 2023 không chỉ tạo sân chơi cho các VĐV bán chuyên mà cũng là cơ sở để tìm kiếm nhân tài đại diện cho điền kinh Việt Nam dự các giải khu vực và thế giới. Nếu các VĐV bán chuyên có thành tích tốt hơn chuyên nghiệp, họ sẽ được mời tham dự đội tuyển để chuẩn bị cho các giải quốc tế nhưng không phải SEA Games 32.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Không phân biệt VĐV bán chuyên hay chuyên nghiệp, miễn là người chạy có thành tích tốt, chúng tôi sẽ trao cơ hội dự đội tuyển điền kinh. Tuy nhiên với SEA Games 32, ngày 5/3 là hạn chót đăng ký danh sách VĐV tham dự nên đã qua hạn rồi, chúng tôi không thể bổ sung”.

Giải VĐQG marathon Báo Tiền Phong 2023 có tổng giá trị giải thưởng hơn 500 triệu đồng, có nhiều VĐV nổi tiếng của tuyển điền kinh Việt Nam tham dự như Nguyễn Thị Oanh, Hoàng Nguyên Thanh hay Phạm Thị Huệ.

Bảo Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-cai-truoc-giai-marathon-vo-dich-quoc-gia-2023-post1410670.html