Tranh cãi quanh việc nữ ca sĩ gốc Mali biểu diễn tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024

Đài CNN cho biết ca sĩ Aya Nakamura đang trở thành trung tâm trong cuộc tranh cãi xoay quanh vấn đề văn hóa.

Cô Nakamura sinh ra ở Mali nơi từng là thuộc địa của Pháp, lớn lên tại Pháp, mang quốc tịch Pháp và được đánh giá là nữ nghệ sĩ nói tiếng Pháp nổi tiếng hàng đầu thế giới. Ca sĩ nhạc pop 28 tuổi này đã có nhiều đĩa nhạc bán chạy.

Thế nhưng khi xuất hiện tin đồn cô sắp biểu diễn bài hát của tiền bối Edith Piafs tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024, phe cực hữu nói rằng Nakamura không đại diện cho di sản, giá trị và bản sắc Pháp. Trong khi đó, cố ca sĩ Piafs được mệnh danh “họa mi nước Pháp” - một nhân vật lớn của không chỉ âm nhạc mà cả văn hóa đất nước.

“Không thể chọn Nakamura. Đây là Paris chứ không khu chợ ở Bamako (thủ đô Mali)”, nhóm cực hữu Les Natifs viết trên mạng xã hội X vào tháng trước.

Nữ ca sĩ trẻ tuổi không ngần ngại đáp trả: “Tôi đang trở thành chủ đề số 1 trong các cuộc tranh luận. Nhưng tôi có nợ các bạn điều gì không? Hoàn toàn không”.

Bộ trưởng Văn hóa Pháp Rachida Dati cũng lên tiếng bảo vệ cô, phê phán loạt phát ngôn chê bai xuất phát từ tâm lý phân biệt chủng tộc.

Ban tổ chức Olympic Paris 2024 nói với CNN: “Chúng tôi rất sốc trước những lời nói phân biệt chủng tộc nhằm vào Aya Nakamura thời gian gần đây. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ cô ấy”. Đơn vị này từ chối xác nhận tin đồn vì muốn giữ lại bất ngờ cho lễ khai mạc.

Lập luận từ phe cực hữu

Theo chính trị gia cực hữu Marion Maréchal cùng một thành viên đảng Reconquête, Nakamura “không hát bằng tiếng Pháp”. Nhiều bài cô hát pha trộn tiếng lóng địa phương của Paris lẫn của châu Phi.

Nhà hoạt động người Pháp Rokhaya Diallo chia sẻ: “Tôi nghĩ những người chê bai không thể chấp nhận việc cô ấy đại diện cho Pháp, mặc dù tiếng lóng mà cô ấy sử dụng được giới trẻ dùng nhiều và rất nhiều thanh niên Pháp dùng tiếng lóng”.

Tại lễ khánh thành Trung tâm Thể thao dưới nước Olympic hồi đầu tháng 4, Tổng thống Pháp Emanuel Macron khẳng định: “Nakamura có vị trí quan trọng với không ít đồng bào của chúng ta. Cô ấy đóng góp cho văn hóa Pháp, âm nhạc Pháp. Tôi muốn bảo vệ mọi lựa chọn cũng như bảo vệ quyền tự do nghệ thuật, mà chính trị không nên can thiệp”.

Nhân vật lãnh đạo đảng cánh hữu National Rally Marine Le Pen chỉ trích Tổng thống Macron “xúc phạm người dân”. Bà nói rằng: “Nakamura không hát tiếng Pháp hay tiếng nước ngoài. Cô ấy hát vớ vẩn”.

Giáo sư chính trị học Vincent Martigny (Đại học Nice) cho biết một số người nghĩ rằng nên tôn vinh cộng đồng thiểu số cũng như vai trò của họ trong văn hóa Pháp, nhưng cũng có nhiều người khác mang quan điểm truyền thống mà ông đánh giá là nặng tâm lý phân biệt chủng tộc gắn với quá khứ đế quốc.

World Cup 1998

Trong quá khứ từng có không ít khoảnh khắc thể hiện nước Pháp đoàn kết, chẳng hạn như lúc đội tuyển bóng đá nam vô địch World Cup 1998. Chiến thắng lịch sử góp phần phổ biến khẩu hiệu “Black, Blanc, Beur” (nghĩa là “Da đen, Da trắng, Ả Rập”).

Đội tuyển vô địch bao gồm cả cầu chủ gốc châu Âu lẫn cầu thủ từ các thuộc địa cũ của Pháp và quốc gia khác. Thời điểm đó mọi người xem đây như biểu tượng về một quốc gia đa văn hóa, hội nhập đầy đủ.

Nhưng chia rẽ bắt đầu xuất hiện ở vài năm gần đây. Chính quyền ban hành lệnh cấm hoặc hạn chế đối với trang phục Hồi giáo. Một loạt vụ việc cảnh sát dùng bạo lực khiến người gốc châu Phi sống tại vùng ngoại ô Paris thiệt mạng làm bùng lên biểu tình phản đối.

Giáo sư Martigny nhận định đảng National Rally hiện lớn mạnh hơn bao giờ hết, chủ nghĩa dân tộc ở nhóm người mang chủ nghĩa dân tộc cũng tăng lên. Nhà hoạt động Diallo thì đánh giá Pháp đang gặp khó khăn trong việc nhìn nhận bản thân “như vốn có”, khó chấp nhận cá nhân không phải da trắng là người Pháp thực sự.

Tư tưởng “làn sóng thay thế vĩ đại”

Giáo sư chính trị học Oliver Roy (Đại học châu Âu) chỉ ra tranh cãi về Nakamura được thúc đẩy bởi một tư tưởng mang tên “làn sóng thay thế vĩ đại” cho rằng nhóm dân mới đến từ nam bán cầu đang thay thế dần dân Pháp truyền thống. Lo ngại này nặng tính ý thức hệ chứ chẳng có dữ liệu nhân khẩu hay số liệu thống kê nào chứng minh cả.

Chia rẽ văn hóa - xã hội càng sâu sắc bởi cả phe cực hữu lẫn cực tả trên chính trường. Còn mạng xã hội trở thành nơi lý tưởng để bày tỏ tâm lý phân biệt chủng tộc, xúc phạm nhau.

Còn chưa đầy 100 ngày nữa là đến Olympic Paris 2024, nhiều người hy vọng Pháp sẽ nhân cơ hội sự kiện này thể hiện sự đoàn kết. Tuy nhiên hy vọng có thể bị dập tắt vì tranh cãi vẫn còn chưa ngã ngũ.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tranh-cai-quanh-viec-nu-ca-si-goc-mali-bieu-dien-tai-le-khai-mac-olympic-paris-2024-216586.html