Tránh bảo vệ chủ nợ nhưng ảnh hưởng người vay

Dự kiến, tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội sẽ cho ý kiến vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó có chương quy định về xử lý nợ. Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, luật cần bảo đảm hài hòa lợi ích, tránh tình trạng bảo vệ chủ nợ nhưng ảnh hưởng đến người đi vay.

Nợ xấu sẽ tăng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến tháng 1.2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416.000 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42), trong đó xử lý nợ xấu nội bảng đạt 211.900 tỷ đồng, chiếm 50,9%.

Sau năm 2025 cần có luật riêng về nợ xấu

Dù đã đạt những kết quả tích cực song thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện rất đáng lo ngại, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nói trong hội thảo “Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)” vừa diễn ra. Bởi lẽ, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái và đã tác động tới trong nước. Mặc dù đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn. Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế đang gặp nhiều vướng mắc; hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất. Những yếu tố này khiến ông Hùng lo ngại nợ xấu sẽ tiếp tục tăng.

Số liệu của NHNN cũng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến cuối tháng 2.2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu đến cuối tháng 2.2023 ước tính khoảng 5%/tổng dư nợ. Con số này gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện vào năm 2017 - khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Xem xét mở cửa thị trường mua bán nợ

Nghị quyết số 42 sẽ hết hiệu lực từ đầu năm tới. Hiện, NHNN đã xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Năm sắp tới, trong đó bổ sung một chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Góp ý về nội dung này, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro, Ngân hàng TMCP Nam Á, cho rằng dự thảo Luật cần mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng, không chỉ dừng lại ở các khoản nợ xấu mà áp dụng cho cả các khoản nợ nhóm 2 nhưng thuộc trường hợp phải thu hồi nợ trước hạn nhằm giảm rủi ro cho tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, cần cụ thể hóa các biện pháp xử lý nợ và trình tự thủ tục thực hiện; hướng dẫn thêm việc thực hiện biện pháp nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp… để tổ chức tín dụng chủ động lựa chọn cách thức thực hiện và phương thức xử lý. Điều này sẽ góp phần đồng bộ quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để các định chế tài chính nước ngoài an tâm hơn khi đầu tư.

Đồng thời, ông Phong cho rằng nên giữ nguyên quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42. Theo đó, số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ cho tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác.

Ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam, khuyến nghị: Việt Nam cần có nhà đầu tư nước ngoài giải quyết hỗ trợ nợ xấu, thu hút vốn của các nhà đầu tư này, bởi ngành ngân hàng không thể một mình giải quyết, phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Hiện, VAMC và ngân hàng độc quyền trong mua bán, giải quyết nợ xấu và đó “không phải giải pháp thị trường”.

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dẫn chứng thực tế từ năm 1992, khi Việt Nam vay nợ nước ngoài rất nhiều. Khi đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính và Ủy ban Nhà nước hợp tác đầu tư phối hợp để xử lý 100 triệu USD đầu tiên. Có một công ty mua bán nợ của Hà Lan và chúng ta đã thỏa thuận bán nợ có 15%. Lúc đó, chúng ta không có tiền trả nợ và cũng không có tiền trả số 15% thỏa thuận bán nên đã cho họ có quyền được một số dự án ưu tiên, họ đưa nhà đầu tư nước ngoài vào thực hiện và lấy tiền dịch vụ. Như vậy, Việt Nam xóa được 100 triệu USD.

Từ bài học kinh nghiệm đó, ông Mại tán thành việc cần mở cửa thị trường mua bán nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Họ phải có một đại lý là người Việt Nam, như vậy chúng ta hoàn toàn giám sát được việc mua - bán nợ, ông Mại lưu ý, đồng thời cho rằng, cần tiến tới có luật về nợ xấu. Tạm thời có thể chấp nhận một chương riêng trong Luật Các tổ chức tín dụng, nhưng sau năm 2025 cần có một luật riêng cho nợ xấu, ông nhấn mạnh.

Ở góc độ là người hoạch định chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, mong muốn Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần tính đến lợi ích chủ nợ và người vay, tránh tình trạng bảo vệ chủ nợ nhưng ảnh hưởng đến người đi vay. Cần tránh việc lạm dụng các quy định xử lý nợ xấu, nên tính toán để tạo ra lợi ích công bằng.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tranh-bao-ve-chu-no-nhung-anh-huong-nguoi-vay-i329196/