Trang viết được tìm thấy trong mộ tập thể và chuyện về thư thời chiến

Những lá thư từng được đặt trên bàn thờ, thư được tìm thấy trong những ngôi mộ tập thể... được tập hợp trong cuốn 'Những lá thư thời chiến Việt Nam'.

Đại tá, nhà báo, nhà văn Đặng Vương Hưng là người đã sưu tầm và biên soạn nhiều lá thư thời chiến gần 20 năm qua. Ảnh: Thanh Trần.

200 lá thư trong tuyển tập Những lá thư thời chiến ở Việt Nam đã mô tả một cách chân thực và sinh động cuộc sống và tình cảm của những người lính trong thời chiến.

Đó là những lá thư từng được đặt trên bàn thờ, thư được tìm thấy trong những ngôi mộ tập thể. Những mảnh giấy được xé ra từ sổ nhiều vô kể, thư viết trên vỏ bao thuốc lá, thư viết trên mảnh vải quần… đã được Đại tá, nhà báo, nhà văn Đặng Vương Hưng đến từng nơi để sưu tầm, biên soạn và ghi lại nhiều câu chuyện xúc động đằng sau những lá thư.

Nhà báo Đặng Vương Hưng là một cựu chiến binh đã trải qua 15 năm cầm súng ở chiến tranh biên giới. Sau khi trở về, ông sáng lập tờ An ninh thế giới, là người làm báo, làm sách chuyên nghiệp. Tháng 12/2004, ông phát động "Cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam". Từ đó đến nay, cuộc vận động đã giúp nhiều tác phẩm được ra mắt công chúng như: Mãi mãi tuổi 20, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Nhật ký Vũ Xuân, Tây tiến viễn chinh… Và mới đây là tuyển tập Những lá thư thời chiến ở Việt Nam.

Thư trên bàn thờ, thư dưới hầm mộ

“Hiện nay rất ít người viết thư tay. Nhưng trong thời kháng chiến chống Mỹ và sau này là Chiến tranh biên giới, phương tiện liên lạc giữa gia đình và mặt trận, giữa hậu phương và tiền tuyến chủ yếu là thư tay. Mỗi một trang thư như thế từ chiến trường về hậu phương hay từ hậu phương ra chiến trường, chắc chắn các bạn trẻ không thể hình dung ra, ít nhất phải mất 6 tháng, vài năm, và cá biệt trong tập thư này có những lá thư mất đến gần 30 năm mới đến được với người nhận”, nhà báo Đặng Vương Hưng nói trong buổi giao lưu với nhiều độc giả trẻ tại Đường sách TP.HCM sáng ngày 15/4.

Cũng trong dịp này, nhà báo, nhà văn Đặng Vương Hưng cùng các cựu chiến binh đã có nhiều chia sẻ về hành trình đi tìm tư liệu và những câu chuyện cảm động phía sau. Những lá thư được thu thập từ nhiều nguồn, ngoài thư do các cựu chiến binh cung cấp, còn nhiều lá thư của những người đã khuất.

Tác phẩm Những lá thư thời chiến ở Việt Nam do NXB Chính trị quốc gia Sự thật phát hành. Ảnh: Thanh Trần.

Theo nhà báo Đặng Vương Hưng, đời sống của dân ta trong thời kháng chiến còn rất nghèo, nhiều gia đình không có ảnh của người thân trước khi họ ra chiến trường đã phải dùng những lá thư để đặt lên bàn thờ. Đó là những di vật mang tính thiêng liêng mà mỗi một trang thư là câu chuyện rất xúc động về cuộc đời của một người lính, là số phận của cả một gia đình.

Hay một số lá thư khác trong tuyển tập đã đến với ông sau khi một ngôi mộ tập thể được phát hiện, bên cạnh người lính vẫn còn đầy đủ thư từ gia đình gửi đến và cả những lá thư chưa kịp gửi đi.

Nhiều lá thư được giữ gìn qua nửa thế kỷ trong thời chiến tranh bom đạn là nhờ vào những người mẹ già ở quê. Theo bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc bảo tàng Áo dài, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - những người mẹ già có con đi kháng chiến thường để thư của con trong chiếc mo cau, cất trên gác bếp để khói hun cho mối mọt không cắn phá. Mỗi khi đánh bom, điều đầu tiên họ làm trước khi bà chui xuống hầm tránh bom là ôm theo chiếc mo cau chứa đầy những lá thư quý giá đó.

“Đó không chỉ là tình yêu nam nữ, tình yêu vợ chồng, mà còn là tình cảm gia đình mà bao nhiêu người góp sức mới giữ được những bức thư mà chúng ta tiếp cận ngày nay”, bà Huỳnh Ngọc Vân chia sẻ.

Tư liệu chân thực, sinh động về lịch sử

“Chúng ta giữ lại những câu chuyện đó, đó sẽ là giáo trình cho giới trẻ Việt Nam học về tình yêu nước, học về tình cảm gia đình… Chúng ta có thể viết ra những giáo trình rất khoa học, nhưng không có một giáo trình nào có thể thay thế những lá thư thời chiến cho lớp trẻ”, nhà báo Đặng Vương Hưng khẳng định.

Những lá thư thời chiến được xem là nguồn tư liệu chân thực và sống động để thế hệ trẻ hiểu về lịch sử, cuộc sống của ông cha ta. Ảnh: Thanh Trần.

Theo ông, đó không chỉ là di sản quý báu của đất nước, mà còn giúp chuyển biến suy nghĩ của du khách về chiến tranh Việt Nam. Nhiều du khách quốc tế cảm thấy xúc động khi được tiếp cận những lá thư thời chiến. Ngay cả những nhà nghiên cứu lịch sử quốc tế cũng đánh giá cao nguồn tư liệu này bởi đó là những trang viết chân thật, mô tả một cách rõ nét và sâu sắc cuộc sống của con người Việt Nam thời chiến.

“Những trang thư được viết trong này, không ai nghĩ sẽ viết để in thành sách cả, cho nên tính chân thực cực cao. Nó cung cấp toàn bộ đời sống của người dân Việt Nam trong kháng chiến. Điều thiêng liêng còn nằm ở chỗ đó có thể là những lá thư cuối cùng của người lính”, nhà báo Đặng Vương Hưng tâm sự.

“Chiến tranh dù đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng ký ức về chiến tranh vẫn còn hiển hiện cùng thời gian. Nói về sự khắc nghiệt của chiến tranh, sự gian khổ, hy sinh, chịu đựng của người lính nơi chiến trường, hiếm điều gì mô tả, tường thuật một cách chân thực như những lá thư thời chiến. Bởi những người lính viết những lá thư hay trang nhật ký ngay tại chiến trường, trong bom đạn, chết chóc, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình và quê hương họ”, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết trong lời giới thiệu.

Đồng thời, tuyển tập được ra mắt bạn đọc trong dịp chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4/2023) và hướng đến kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023) là một niềm vui dành cho người sưu tầm những lá thư thời chiến. Nhà báo Đặng Vương Hưng cho biết công việc tìm kiếm sẽ được tiếp tục.

Thanh Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-chuyen-xuc-dong-dang-sau-nhung-la-thu-thoi-chien-post1422195.html