TRANG BỊ KIẾN THỨC, KỸ NĂNG ĐỂ THANH NIÊN TỰ TIN THAM GIA CÔNG CUỘC CHUYỂN ĐỔI SỐ

Trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 diễn ra từ 14-17/9, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức Tọa đàm 'Tăng cường năng lực số cho thanh niên'. Các ý kiến tại Tọa đàm đã chia sẻ nhiều kế hoạch, giải pháp, cũng như hành động cụ thể, thiết thực để thanh niên tiếp cận, làm chủ công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ.

Toàn cảnh Tọa đàm Tăng cường năng lực số cho thanh niên

Toàn cảnh Tọa đàm Tăng cường năng lực số cho thanh niên

Các diễn giả tham gia Tọa đàm đều đồng tình với quan điểm, trong kỷ nguyên số, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu khách quan diễn ra toàn diện mọi mặt đời sống, trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Vì vậy, việc đầu tư nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên, được rất nhiều nước quan tâm, đầu tư mạnh mẽ, trở thành chiến lược quốc gia.

Đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về sự cần thiết của năng lực số trong sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng trong bối cảnh chuyển đổi số. Chia sẻ mô hình hay, hoạt động hiệu quả nhằm tăng cường năng lực số cho thanh thiếu niên. Những sáng kiến và cam kết tham gia thúc đẩy tăng cường năng lực số cho thanh niên trong thời gian tới. Đồng thời kiến nghị, đề xuất sáng kiến tăng cường, nâng cao năng lực số cho thanh niên trong thời gian tới nâng cao năng lực số cho thanh niên, sử dụng công nghệ số một cách có trách nhiệm và tham gia chuyển đổi số quốc gia một cách tích cực, hiệu quả.

Trang bị kiến thức, kỹ năng để thanh niên tự tin tham gia công cuộc chuyển đổi số.

Chia sẻ tại Tọa đàm, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI; Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam khẳng định muốn thực hiện thành công chuyển đổi số cần có “con người số”. Đây là mục tiêu tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tập trung triển khai, có lộ trình, hoạt động cụ thể để thực hiện. Dưới sự định hướng của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tham mưu xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2022 – 2030” trong đó, tổng hòa các giải pháp dành cho thanh niên.

Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI; Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam

Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI; Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam

Trong Đề án nêu nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền vận động sử dụng các phần cứng, phần mềm, các công nghệ mới kết nối an toàn trên không gian mạng, trên không gian số; Các giải pháp để thanh niên có thể thực hành, học tập, làm việc, sáng tạo và cống hiến trên không gian số; Tạo điều kiện để thanh niên có thể thực hiện việc đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực học tập, công tác…

Anh Nguyễn Minh Triết kỳ vọng, với các giải pháp đề ra trong Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2022 – 2030”, thời gian tới thanh niên Việt Nam có đầy đủ các kỹ năng, kiến thức, sự tự tin tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số của đất nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển của toàn cầu.

Cũng tại Tọa đàm, bà Kim Ngọc Thanh Nga - Trưởng Ban Phát triển hệ sinh thái, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia chia sẻ hai kỹ năng quan trọng để thanh niên tăng cường năng lực số đó là kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp và phối hợp trong công việc.

Phân tích làm rõ sự cần thiết có các kỹ năng này, bà Kim Ngọc Thanh Nga cho biết, trong thời đại số, rất nhiều nền tảng công nghệ có thể thay thế những công việc đơn giản, kỹ năng tổng hợp thông tin và đưa ra những giải pháp tối ưu trở nên quan trọng hơn, khi đó những giải pháp công nghệ số không thể thay thế được kỹ năng này. Kỹ năng tổng hợp thông tin không phụ thuộc vào kiến thức ở sách vở hay trong trường lớp, mà đây là những kỹ năng các bạn trẻ có thể phát triển hàng ngày thông qua việc quan sát, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn.

Đại biểu tham dự Tọa đàm

Đại biểu tham dự Tọa đàm

Đối với kỹ năng giao tiếp, bà Kim Ngọc Thanh Nga cho rằng, trong xã hội số việc kết nối chủ yếu thông qua các nền tảng xã hội, nhưng lại thiếu kết nối trong công việc và cuộc sống. Trong khi đó, kỹ năng giao tiếp và phối hợp sẽ càng cần thiết khi khối lượng thông tin ngày càng lớn và sự thay đổi diễn ra hàng ngày, hàng giờ đòi hỏi mỗi người luôn phải cập nhật thông tin và chia sẻ thông tin để có sự đồng thuận chung, tạo ra kết quả chung, đúng như câu nói “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hay đi cùng nhau”.

“Tôi rất mong muốn các bạn trẻ luôn rèn luyện năng lực giao tiếp phối hợp phát triển cho mình những cộng đồng có thể chia sẻ và phát triển ý tưởng tạo ra những giá trị cho chính các bạn trong gia đình và đóng góp cho cộng đồng”, bà Kim Ngọc Thanh Nga chia sẻ.

Nhiều hoạt động thiết thực tăng cường năng lực số cho thanh niên.

Thực tế hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang gặp phải vấn đề thiếu nhân lực, nhất là những nhân lực công nghệ thông tin và có những kỹ năng cần thiết. Bà Đoàn Nguyễn Vân Khanh - Phó Tổng Giám đốc Tổ Chức Giáo Dục IIG Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng, vươn lên ngang tầm với sự tiến bộ của thế giới, điều này phụ thuộc rất lớn vào thế hệ trẻ.

Để thúc đẩy động lực học tập và mang lại khả năng tiếp cận kiến thức số, Tổ Chức Giáo Dục IIG Việt Nam đã khởi xướng và phối hợp Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức một số sân chơi trí tuệ trên quy mô toàn quốc như: Cuộc thi Vô địch tin học văn phòng Thế giới – Viettel 2023, Cuộc thi Vô địch thiết kế đồ họa thế giới (ACPWC) - đây là hai sân chơi uy tín có quy mô toàn quốc dành cho sinh viên Việt Nam. Thông qua hai cuộc thi, nhiều tài năng trẻ trên cả nước được vinh danh với thành tích cao và được tạo điều kiện để phát huy năng lực số. Đó cũng là những tấm gương điển hình truyền cảm hứng lan tỏa mạnh mẽ nghị lực và động lực học tập rèn luyện kỹ năng công nghệ thông tin trong thế hệ trẻ Việt Nam. Hơn nữa, các nhà vô địch quốc gia ở mỗi hạng mục sẽ được chọn làm đại sứ để tham gia vòng chung kết thế giới tổ chức tại Hoa Kỳ.

Điều đáng vui mừng là trong các năm tổ chức trước, Việt Nam luôn đứng trong top 10, đây là thành tựu xuất sắc minh chứng thực tế học sinh, sinh viên Việt Nam nếu được định hướng theo đúng phương pháp giáo dục, các em có thể sánh ngang với trình độ của thế giới, bà Đoàn Nguyễn Vân Khanh nói.

Anh Nguyễn Quang Long, Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam

Anh Nguyễn Quang Long, Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam

Tại Tọa đàm, anh Nguyễn Quang Long, Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chia sẻ một số giải pháp tăng cường năng lực số cho thanh niên Tập đoàn VNPT nói chung cũng như Đoàn Thanh niên VNPT nói riêng đã và đang triển khai trong thời gian qua.

Tập đoàn VNPT thường xuyên tổ chức các khóa học, lớp bồi dưỡng cho thanh niên nâng cao năng lực sử dụng thiết bị, phần mềm; năng lực khai thác dữ liệu, thông tin; các kỹ năng sử dụng mạng xã hội, giao tiếp, làm việc trên môi trường số đảm bảo an toàn, an ninh mạng và hướng dẫn phương pháp tư duy sáng tạo, lựa chọn, vận hành các công cụ số để cụ thể hóa các ý tưởng sáng tạo, phát triển sản phẩm sáng tạo,…

Bên cạnh đó, Tập đoàn cử các kỹ sư đang làm việc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin của Tập đoàn tham gia vào các cuộc thi, các buổi hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế; tham gia vào các buổi diễn tập thực chiến trên hệ thống quốc gia, Ban cơ yếu chính phủ, các Tỉnh thành… Hỗ trợ các tỉnh/thành đoàn trong việc tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho Đoàn viên Thanh niên và cung cấp, xây dựng các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ công tác chuyển đổi số trên địa bàn: hệ thống quản lý và điều hành văn bản, bộ tiêu chí chấm điểm công tác Đoàn, số hóa các di tích lịch sử…

Thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện ra quân hướng dẫn người dân về các nội dung chuyển đổi số, hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng công dân, ứng dụng doanh nghiệp như VNPT-Money, BHXH, VNeID… Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng các tiện ích, ứng dụng thông minh, hỗ trợ người dân sử dụng điện thoại thông minh, thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử … Thông qua các hoạt động như này có hàng nghìn người dân đã được tiếp cận với các ứng dụng số và nâng cao năng lực số của bản thân.

Tập đoàn VNPT cũng hỗ trợ máy tính bảng kèm sim data cho Chương trình “Sóng và máy tính cho em” hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thiết bị học trực tuyến.

Tập đoàn VNPT cũng hỗ trợ máy tính bảng kèm sim data cho Chương trình “Sóng và máy tính cho em” hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thiết bị học trực tuyến.

Tập đoàn VNPT đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xây dựng Ứng dụng Thanh niên Việt Nam, phần mềm quản lý nghiệp vụ công tác đoàn viên, đây là trọng tâm gắn liền với việc chuyển đổi số của Trung ương Đoàn trong công tác điều hành, quản lý đoàn viên, truyền thông tới hơn 23 triệu đoàn viên thanh niên trên cả nước…

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Tập đoàn VNPT cũng hỗ trợ 37.000 máy tính bảng kèm sim data cho Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động để hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thiết bị học trực tuyến.

Để triển khai các hoạt động nâng cao năng lực số cho Thanh niên, anh Nguyễn Quang Long kiến nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục phát huy hiệu quả Tổ Công nghệ số cộng đồng tại địa phương trong triển khai các hoạt động nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên và người dân. Trong các hoạt động nâng cao năng lực số cho Thanh niên cần phải đặc biệt chú ý tới việc nâng cao nhận thức, kỹ năng về an toàn thông tin trên không gian mạng vì những nguy cơ và thiệt hại đến từ nó là vô cùng lớn. Nâng cao nhận thức về an toàn thông tin sẽ là mũi vaccine phòng ngừa rủi ro trên không gian số cho các bạn Đoàn viên Thanh niên.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79900